Cảnh giác với các “bẫy” lừa đảo trên mạng
BẮC GIANG - Thời gian qua, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân nhưng đồng thời cũng là cơ hội để tội phạm công nghệ cao lợi dụng, thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Nhẹ dạ, cả tin
Phần lớn các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng đều đánh vào tâm lý nhẹ dạ, cả tin, thiếu cảnh giác cùng sự tham lam của nạn nhân. Ở mỗi độ tuổi khác nhau, chúng đều có những hình thức dẫn dụ, mục đích là lấy lòng tin để đánh cắp thông tin người dùng, sau đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Có trường hợp các đối tượng lợi dụng tâm lý nhẹ dạ, cả tin, lo sợ bản thân và người thân vướng vào vòng lao lý để giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án… gọi điện hăm dọa, nói dối về việc có liên quan đến các vụ án đang điều tra để tạo áp lực buộc nạn nhân phải chuyển tiền. Số tiền chiếm đoạt có khi chỉ vài trăm nghìn đồng, vài triệu đồng nhưng có lúc lên tới hàng tỷ đồng.
Công an thị trấn Kép (Lạng Giang) phối hợp với nhân viên ngân hàng kịp thời ngăn chặn ông Túc chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo. |
Sáng 20/12/2023, ông M, trú tại thị xã Việt Yên bị một số đối tượng lần lượt gọi điện đến, tự xưng là cán bộ Công an, Viện KSND TP Đà Nẵng. Các đối tượng thay nhau đe doạ ông M đang vi phạm pháp luật, đồng thời yêu cầu ông mở tài khoản tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, cung cấp thông tin đăng nhập, mã OTP và chuyển tiền vào tài khoản này để phục vụ điều tra. Chúng dặn ông không được nói chuyện với bất cứ ai, không được để lộ bản thân đang làm việc với công an. Do tinh thần hoảng sợ và nôn nóng muốn được minh oan, ông M ra ngân hàng mở tài khoản theo yêu cầu. Nhận thấy ông M có biểu hiện bất thường, nhân viên Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Chi nhánh Bắc Giang đã thông báo cho công an, phối hợp thuyết phục để ông M hiểu đây là thủ đoạn lừa đảo và không chuyển 2 tỷ đồng.
Gần cuối giờ chiều một ngày đầu tháng 4 vừa qua, ông Mai Văn Túc (SN 1963), trú tại thôn Kép 11, xã Hương Sơn (Lạng Giang) đến Phòng Giao dịch Kép của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) Chi nhánh huyện Lạng Giang chuyển 100 triệu đồng. Thấy ông Túc lo lắng, nhân viên ngân hàng lân la hỏi chuyện và được biết buổi sáng cùng ngày, ông Túc có nhận được cuộc gọi của người tự xưng là công an thông báo ông phạm tội mua bán trái phép chất ma tuý và yêu cầu chuyển 100 triệu đồng để “chạy án”. Ngay sau khi tiếp nhận tin báo của nhân viên ngân hàng, Công an thị trấn Kép đã cử cán bộ đến phối hợp tuyên truyền để ông Túc nhận biết đây là thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của đối tượng xấu.
Có trường hợp, các đối tượng dụ dỗ những người nhẹ dạ chuyển một số tiền nhỏ với mức sinh lời cao, dần dần chuyển số tiền lớn rồi bị cắt liên lạc. “Không cần làm gì cũng có tiền theo ngày”, kẻ lừa đảo mời gọi nạn nhân vào các nhóm (thành viên chủ yếu là đồng bọn của chúng), thông báo người chơi trúng cả tỷ đồng rồi yêu cầu nộp tiền. Khi thắng số tiền lớn hơn thì nạn nhân sẽ không rút ra được, bắt phải đóng phí giao dịch, đóng thuế hoặc thông báo tài khoản bị sai thông tin, phải đóng tiền để xác minh chứng thực. Cứ thế cho đến khi nạn nhân hết sạch tiền chúng mới dừng lại.
Hay như lòng tham nhận hàng bưu kiện, quà tặng từ nước ngoài có giá trị rất lớn, gợi ý nạn nhân đóng tiền thuế, phí lưu giữ hàng bằng cách gửi tiền vào tài khoản, sau đó bị chúng chiếm đoạt. Nhiều nạn nhân khi đã bị mất số tiền lớn dẫn đến u mê, lao vào dịch vụ lấy lại tiền bị lừa. Chúng tiếp cận nạn nhân, thuyết phục rằng họ đã từng bị mất tiền tương tự như vậy và khôi phục được số tiền bị mất. Khi nạn nhân tin tưởng, chúng yêu cầu thanh toán hoặc gửi thông tin cá nhân rồi chiếm đoạt.
Cũng có trường hợp đối tượng tiếp cận nạn nhân thông qua mạng xã hội, trang web hẹn hò, sử dụng hình ảnh đánh cắp của người khác với ngoại hình hấp dẫn, sau đó sử dụng các chiêu tán tỉnh, chia sẻ câu chuyện cảm động hoặc đưa ra lời hứa. Dẫn dụ nạn nhân gửi hình ảnh video nhạy cảm, sau đó dùng những hình ảnh này để đe dọa, tống tiền nạn nhân. Vì lo sợ người thân, gia đình, đồng nghiệp biết chuyện, nạn nhân đã phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” chuyển tiền. Còn rất nhiều thủ đoạn tinh vi mà đối tượng lừa đảo giăng ra cài bẫy nạn nhân như chuyển tiền mua hàng chất lượng cao nhưng giá thành rẻ, mua càng nhiều chiết khấu càng cao; chiếm đoạt tài khoản facebook, zalo nhắn tin vay tiền; giả danh công an gọi điện cài đặt ứng dụng tài khoản định danh điện tử để đánh cắp thông tin cá nhân...
Nâng cao cảnh giác
Theo Công an tỉnh, năm 2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra 58 vụ việc liên quan đến tội phạm lợi dụng công nghệ cao, trong đó có 42 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, gây thiệt hại hơn 94 tỷ đồng. Trong đó tội phạm lừa đảo với thủ đoạn giả danh cơ quan chức năng (công an, ngân hàng, thuế...) có 14 vụ, tuyển cộng tác viên online 13 vụ, đầu tư tài chính 10 vụ và các hình thức lừa đảo khác 5 vụ.
Theo Công an tỉnh, năm 2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra 58 vụ việc liên quan đến tội phạm lợi dụng công nghệ cao, trong đó có 42 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, gây thiệt hại hơn 94 tỷ đồng. Trong đó tội phạm lừa đảo với thủ đoạn giả danh cơ quan chức năng (công an, ngân hàng, thuế...) có 14 vụ, tuyển cộng tác viên online 13 vụ, đầu tư tài chính 10 vụ và các hình thức lừa đảo khác 5 vụ. |
Trước tình hình tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp, Công an tỉnh đã mở chiến dịch tuyên truyền, Giám đốc Công an tỉnh có Thư ngỏ gửi toàn thể cán bộ và nhân dân trong tỉnh phối hợp, tích cực hưởng ứng “Chiến dịch tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống hoạt động tội phạm trên không gian mạng”. Từ đó ngăn chặn được nhiều vụ lừa đảo trên không gian mạng. Đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi, thủ đoạn liên tục thay đổi, vì vậy cơ quan công an khuyến cáo người dân phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, không kết bạn với người lạ qua mạng xã hội, không cung cấp thông tin cá nhân, hình ảnh căn cước công dân của bản thân, mã OTP, không vào link lạ.
Tuyệt đối không làm theo các yêu cầu khi nhận được điện thoại, tin nhắn của người lạ. Không tin vào những tài sản, món quà được tặng không rõ nguồn gốc. Xác minh danh tính và thông tin của người gọi bằng cách gọi lại vào số điện thoại chính thức của cơ quan đó hoặc liên hệ trực tiếp với cơ quan qua các kênh chính thức. Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng xã hội; sử dụng mật khẩu an toàn để bảo vệ tài khoản; chủ động nâng cao kiến thức bảo mật; thông báo ngay cho công an để được hỗ trợ và tư vấn khi nhận thấy có dấu hiệu bị lừa đảo.
Cơ quan công an và các cơ quan quản lý nhà nước sẽ không yêu cầu người dân chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin qua điện thoại một cách đột ngột mà không có văn bản thông báo trước. Đại tá Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Công an tỉnh khuyến cáo: “Không có việc cơ quan tố tụng gọi điện yêu cầu người dân chuyển tiền. Không có việc kiếm tiền dễ, không có lĩnh vực đầu tư nào thu lời nhanh và cao. Không có việc nhẹ lương cao, bất cứ lời mời gọi mang lại thu lời cao thì chắc chắn có dấu hiệu lừa đảo”.
Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)