Cần giải quyết dứt điểm tranh chấp đất rừng
Lãnh đạo UBND xã Canh Nậu và cán bộ Công ty Lâm nghiệp Yên Thế kiểm tra diện tích đất tranh chấp giữa Công ty và người dân bản Chay. |
Theo Công ty Lâm nghiệp Yên Thế, năm 2011, đơn vị tổ chức khai thác gỗ, giao cho ông Lê Văn Kiên và bà Nguyễn Thị Đoạt là người địa phương nhận khoán trồng lại 2,4 ha rừng tại bản Chay, xã Canh Nậu. Trên thực tế, diện tích này đã bị bà Lê Thị Nhiên ở bản Chay lấn chiếm, tự ý trồng cây mới, bị UBND xã Canh Nậu lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt 2 triệu đồng và yêu cầu bà Nhiên thu dọn cây đã trồng, trả lại đất cho Công ty nhưng gia đình không chấp hành.
Bức xúc trước việc làm trên, năm 2012, Công ty Lâm nghiệp Yên Thế đã hoàn thiện thủ tục, khởi kiện bà Nhiên ra TAND huyện. Đến năm 2014, vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm, tuyên án buộc bà Nhiên dỡ bỏ cây trồng, trả lại diện tích trên cho doanh nghiệp (DN).
Sau đó, các bên liên quan kháng cáo, yêu cầu sửa và hủy bản án sơ thẩm. Năm 2015, TAND tỉnh đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, cho rằng bản án sơ thẩm còn nhiều thiếu sót nên tuyên hủy, trả hồ sơ cho TAND huyện. Vì nhiều lý do, đến nay vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử lại.
Trong lúc vụ việc đang được TAND huyện thụ lý, ngày 20-8-2017, bà Nhiên tự ý khai thác gỗ trên diện tích tranh chấp. TAND huyện đã quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, yêu cầu các bên liên quan chấm dứt khai thác, vận chuyển gỗ, bảo đảm tài sản thi hành án.
Trong vụ việc này, Công ty Lâm nghiệp Yên Thế cũng bị phong tỏa tài khoản 100 triệu đồng tương đương với giá trị gỗ bị chặt trong vụ án để bảo đảm thi hành án. Nhưng sau đó số gỗ trên vẫn được khai thác, gia đình bà Nhiên cũng đã trồng lại cây vụ mới.
Ngoài vụ án trên, đến nay, Công ty Lâm nghiệp Yên Thế khởi kiện 8 vụ án khác liên quan đến việc người dân lấn chiếm, tranh chấp đất lâm nghiệp của đơn vị tại các xã Canh Nậu, Tiến Thắng và Tam Hiệp. “Theo quy định, thời gian giải quyết vụ án dân sự chỉ kéo dài từ 4 - 6 tháng nhưng có vụ án kéo dài hơn 7 năm chưa xong.
Tài khoản của DN tiếp tục bị phong tỏa trong khi người dân lại được khai thác, trồng cây, sinh lợi trên diện tích tranh chấp khiến người lao động trong Công ty không thể yên tâm sản xuất”, một cán bộ Công ty Lâm nghiệp Yên Thế bức xúc nói.
Không để tồn đọng
Thực trạng trên khiến các bên liên quan chịu thiệt hại lớn. Ông Nguyễn Văn Chúc, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Yên Thế bày tỏ, đơn vị đang rơi vào tình cảnh “lực bất tòng tâm” khi đất do mình quản lý, có hồ sơ pháp lý, bản đồ, kế hoạch sản xuất rõ ràng qua các năm nhưng vẫn bị người khác ngang nhiên lấn chiếm sử dụng. Công ty tích cực hoàn thiện hồ sơ, chấp hành các nghĩa vụ liên quan theo yêu cầu của TAND huyện nhưng phía tòa chưa rốt ráo xử lý.
Hậu quả, Công ty chưa thể hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ảnh hưởng quá trình chuyển đổi DN sang mô hình Công ty TNHH hai thành viên theo chủ trương của Chính phủ và UBND tỉnh. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành đôn đốc đơn vị chức năng vào cuộc, đưa ra kết luận cuối cùng về các vụ việc để Công ty có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất.
Theo ông Sầm Bá Tàn, Chủ tịch UBND xã Canh Nậu, từ một, hai vụ tranh chấp chậm được xử lý “đến nơi đến chốn” đã làm bùng phát hành vi lấn chiếm đất do Công ty Lâm nghiệp Yên Thế quản lý. Nhiều thời điểm, toàn xã có 170 hộ cùng ký đơn đòi đất rừng của Công ty, gây mất an ninh trật tự địa phương. UBND xã nỗ lực vào cuộc tuyên truyền, vận động nhưng vẫn tiềm ẩn yếu tố phức tạp.
Được cho là bên lấn chiếm, hưởng lợi nhưng các bị đơn trong vụ án cũng bức xúc không kém. Qua điện thoại, bà Lê Thị Nhiên nói: “Hơn 7 năm theo kiện, mỗi lần hòa giải, dự tòa, gia đình tôi đều phải huy động khoảng 10 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, việc nhà bị bỏ bê, gây thiệt hại cả vật chất lẫn tinh thần”.
Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Ngọc Chung, Chánh án TAND huyện Yên Thế cho biết, trong quá trình giải quyết, các đương sự đã đồng thời gửi đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan có thẩm quyền hoặc khởi kiện vụ án khác có liên quan…Theo quy định, TAND huyện buộc phải tạm đình chỉ giải quyết các vụ án này để chờ kết quả từ các cơ quan khác và vụ án khác.
Quan điểm của đơn vị là thu thập đủ chứng cứ, xét xử bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Qua rà soát cho thấy, một số vụ án đã hoàn thiện thủ tục, trong tháng 8 này, TAND huyện đưa 3 vụ án tranh chấp đất đai giữa Công ty Lâm nghiệp Yên Thế và người dân xã Tam Hiệp, Canh Nậu ra xét xử công khai.
Hồng Dương
Ý kiến bạn đọc (0)