Cán bộ phải có tài, có tầm, có tâm, là tấm gương sáng để mọi người học
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, PGS-TS Ngô Thành Can (Học viện Hành chính Quốc gia) cho rằng, những tiêu chí trên nhằm nêu rõ, Uỷ viên Bộ Chính trị phải là người nổi trội, ưu tú nhất trong Ban Chấp hành Trung ương, có tài, có tầm, có tâm, là tấm gương sáng để mọi người học hỏi, làm theo và có định hướng để phát triển đất nước.
PGS-TS Ngô Thành Can (Học viện Hành chính Quốc gia). |
Phải có tầm nhìn và tư duy chiến lược
Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII.
Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải là những đồng chí thật sự tiêu biểu, mẫu mực của Ban Chấp hành Trung ương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo, quản lý, ý thức tổ chức kỷ luật; có tầm nhìn và tư duy chiến lược, có khả năng phân tích, dự báo, tổng hợp, đề xuất những vấn đề mới một cách đúng đắn; có trình độ hiểu biết sâu sắc về lý luận chính trị, biết phát hiện và sử dụng người có đức có tài; là Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, còn trong độ tuổi theo quy định và đủ sức khoẻ để đảm đương nhiệm vụ.
Theo PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) - trong công tác cán bộ việc lựa chọn tìm được đội ngũ cán bộ cấp chiến lược sẽ có ý nghĩa quyết định. Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược không chỉ là người quyết định phương hướng, đường lối mà còn là người lãnh đạo, chỉ đạo việc thực thi một cách đúng đắn để hiện thực hóa cương lĩnh, đường lối, chính sách, pháp luật thành hiện thực.
Phân tích thêm về những tiêu chí, tiêu chuẩn của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược này, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh những tiêu chuẩn như: Đã là cán bộ cấp chiến lược phải có đạo đức cách mạng trong sáng, dĩ công vi thượng, trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng và nhân dân, thực sự vì nước vì dân. Cán bộ cấp chiến lược toàn không có biểu hiện gì dính dáng đến tham nhũng, lợi ích nhóm…Cán bộ cấp chiến lược phải có năng lực tổ chức thực tiễn để hiện thực hóa cương lĩnh, đường lối, chính sách, pháp luật. Những Uỷ viên Bộ Chính trị phải là những người tiêu biểu, những người đại diện cho những phẩm chất này.
Cũng theo ông Phúc, cán bộ chiến lược phải có phong cách lãnh đạo, làm việc đúng đắn. Phong cách này đòi hỏi gắn với thực tiễn thế nào, chống quan liêu thế nào, chống vô cảm thế nào, gần dân thế nào. Từ phong cách lãnh đạo gắn với nhạy cảm chính trị để củng cố uy tín chính trị với cấp dưới, với nhân dân. Cán bộ cấp chiến lược phải là người được quần chúng và cấp dưới tín nhiệm mới quy tụ, đoàn kết và lãnh đạo được.
“Cán bộ cấp chiến lược phải có trình độ trí tuệ, có tư duy chiến lược. Trình độ bao gồm lý luận Mác-Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn trong lĩnh vực được giao; có khả năng để tham gia hoạch định cương lĩnh đường lối chính sách pháp luật, phải thấy trước vấn đề, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói, người lãnh đạo phải thấy trước vấn đề, không thấy trước vấn đề thì không làm lãnh đạo được” - ông Phúc nói và cho rằng, trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cách mạng 4.0 đòi hỏi cán bộ cấp chiến lược phải am hiểu sâu sắc những vấn đề của thời đại, của quốc tế, nhận ra những thuận lợi, khó khăn một cách chủ động để suy nghĩ đường hướng cho đất nước mình, dân tộc mình. Còn như chỉ loanh quanh trong nước, không mở tầm nhìn ra bên ngoài thì đóng góp của cán bộ cấp chiến lược rất hạn chế.
Mẫu mực là tấm gương sáng để người khác soi chiếu, làm theo
Nhấn mạnh những yêu cầu đối với phương hướng nhân sự được nêu đến trong Hội nghị Trung ương lần thứ 12 khoá XII, Uỷ viên Bộ Chính là những người tiêu biểu, mẫu mực về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo, quản lý, ý thức tổ chức kỷ luật, PGS-TS Ngô Thành Can (Học viện Hành chính Quốc gia) cho rằng đây là những chuẩn mực của đội ngũ cán bộ tinh hoa của quốc gia.
Bởi đây là lực lượng nòng cốt của đất nước, quyết định đến bản chất của chế độ, đường hướng phát triển của đất nước do đó có những yêu cầu rất cao, phải thực sự là tiêu biểu.
Trước hết, đội ngũ cán bộ này phải là người biết hy sinh cá nhân để có những đóng góp cho sự nghiệp lớn của đất nước, là người mẫu mực trong thực thi công vụ, mẫu mực trong đạo đức, lối sống. Tầng lớp cán bộ tinh hoa trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo đó phải có cái tài, có tâm và có tầm.
PGS-TS Ngô Thành Can cho rằng, những điều mẫu mực được đúc kết lại trong công tác cán bộ được khái quát lại thành tứ thư lãnh đạo. Đó là: Thứ nhất là mẫu mực trong ăn nói, mẫu mực trong giao tiếp chứ không phải thích gì nói nấy, không thích là quát tháo. Thứ hai là mẫu mực trong xử lý vấn đề, xử lý tình huống. Thứ ba là quản trị, tức là phân công, thu xếp, bố trí, đánh giá, xem xét. Và thứ tư đó là mẫu mực trong lãnh đạo công việc, con người. |
Theo báo Lao Động
Ý kiến bạn đọc (0)