Cấm Sơn lồng ghép nguồn lực giảm nghèo
Tập trung đầu tư hạ tầng
Năm 2015, sau tổng điều tra, rà soát hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều, xã Cấm Sơn có tới 667 hộ nghèo, chiếm 61,5%, tăng gần gấp đôi so với khi áp dụng chuẩn nghèo cũ.
Đây là thách thức lớn bởi số hộ nghèo tăng cao sẽ cần nguồn lực rất lớn cho công tác giảm nghèo. Để tránh tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, Ban chỉ đạo giảm nghèo xã chủ trương lồng ghép các nguồn lực, tập trung phát triển hạ tầng nông thôn.
Khu vườn đồi trồng bưởi của gia đình anh Lâm Văn Sự, thôn Bến, Cấm Sơn. |
Mỗi năm, hàng chục tỷ động hỗ trợ theo chính sách của T.Ư và của tỉnh được lãnh đạo xã nghiên cứu, phân bổ phù hợp, trong đó ưu tiên hoàn thiện hệ thống đường nông thôn và công trình thủy lợi.
Năm 2017, nhờ tổng hợp mọi nguồn lực được hơn 3 tỷ đồng, xã đầu tư xây dựng hai trạm bơm ở thôn Bến và thôn Chằm Khon; cải tạo hệ thống kênh mương nội đồng.
Bà Nông Thị Tị, thôn Bến nói: “Trước đây, chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên nên thường bị mất mùa. Khi được nhà nước đầu tư các công trình, bà con chủ động nước tưới giúp việc trồng, chăm sóc cây trồng thuận lợi hơn”. Đến nay, xã đã nhân rộng diện tích vải thiều, nhãn lên gần 400 ha và hơn 40 ha cây có múi.
Theo ông Nông Văn Thêm, Phó Chủ tịch UBND xã, năm 2015, xã chưa có đường bê tông, việc đi lại của bà con rất khó khăn, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Vì vậy, xã tập trung nguồn lực để làm đường.
Từ năm 2018, nhờ chương trình hỗ trợ xi- măng theo Nghị quyết của HĐND tỉnh và lồng ghép các nguồn lực khác, người dân ở 7 thôn trong xã đã đóng góp hàng tỷ đồng, hiến hơn 10 nghìn mét vuông đất mở rộng, cứng hóa hơn 30 km đường giao thông, chiếm 70% chiều dài đường trục thôn, liên thôn, nội đồng.
Trong các tiêu chí giảm nghèo đa chiều, mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin được xã quan tâm.
Thầy giáo Vũ Văn Dân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cấm Sơn cho biết, trước đây, học sinh đi học rất vất vả do đường xa, rất khó đi, một số em phải đi thuyền qua hồ. Nay đường giao thông thuận lợi hơn, hằng năm cơ sở vật chất tại điểm chính và 3 điểm lẻ ở các thôn Cấm, Bả, Ao Vàng đều được đầu tư xây dựng. Vì vậy, từ 3 năm nay, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi mầm non ra lớp đạt hơn 97%, không còn học sinh bỏ học.
Hỗ trợ sản xuất
Để giảm nghèo bền vững, tiêu chí nâng cao thu nhập có ý nghĩa quyết định. Vì vậy xã chỉ đạo xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp điều kiện tự nhiên của địa phương.
Mỗi năm, xã dành khoảng 700 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, lồng ghép với các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo của Chương trình 135 để hỗ trợ vốn, cây, con giống, phân bón… cho các hộ nghèo; giao cho cán bộ khuyến nông hướng dẫn hộ dân về kỹ thuật sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản.
Từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 8-10%, đạt mục tiêu nghị quyết đại hội Đảng bộ xã đề ra. Năm nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn khoảng 23%. |
Với tinh thần vượt khó và sự cần cù, nhiều hộ trong xã đã thoát nghèo. Điển hình như gia đình anh Lâm Văn Sự (SN 1982) ở thôn Bến.
Có tới 10 nhân khẩu gồm bố mẹ già, gia đình người em trai khuyết tật, không có khả năng lao động cũng ở chung nên dù tích cực làm lụng nhưng cái nghèo cứ mãi đeo bám.
Vợ chồng anh Sự luôn trăn trở để tìm hướng thoát nghèo. Năm 2015, anh vay vốn cải tạo vườn tạp, trồng gần 400 cây bưởi, qua đó có nguồn thu hàng triệu đồng/năm.
Nhờ triển khai các giải pháp phù hợp, công tác giảm nghèo ở xã Cấm Sơn đã đạt được kết quả nổi bật. Từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8-10%, đạt mục tiêu đề ra.
Năm nay, hộ nghèo toàn xã còn khoảng 23%, 90% hộ dân đạt gia đình văn hóa. Dù đạt kế hoạch đề ra nhưng tỷ lệ hộ nghèo ở Cấm Sơn còn ở mức cao, thu nhập bình quân chỉ khoảng 11 triệu đồng/người/năm.
Để hướng tới mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, thời gian tới, Ban chỉ đạo giảm nghèo xã tiếp tục lồng ghép các nguồn lực được đầu tư, ưu tiên xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ, kênh mương, tạo thuận lợi cho bà con trong sản xuất.
Xã thường xuyên nắm tình hình đời sống của hộ nghèo; tìm hiểu kỹ nguyên nhân để có phương thức hỗ trợ phù hợp; nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở trong công tác giảm nghèo.
Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)