Buông lỏng quản lý hàng rong tại khu công nghiệp
Xin “một vé” bán hàng rong
Những người bán hàng rong ở cổng D Công ty TNHH Luxshare ICT Việt Nam (KCN Vân Trung). |
6 giờ 50 phút sáng 13/8, trong vai người bán hàng rong, chúng tôi chở theo thùng xốp với các chai nước ngọt, nước có gas cùng túi bánh các loại đến cổng D của Công ty TNHH Luxshare ICT Việt Nam (KCN Vân Trung). Khi chúng tôi chuẩn bị đỗ xe, bày hàng, một nam giới khoảng 40 tuổi đi xe mô tô đuổi theo, xưng là bảo vệ KCN thuộc Công ty cổ phần S&G, yêu cầu quay xe. Chúng tôi thắc mắc tại sao không được bán, trong khi có người lại được bán hàng thì người đàn ông này nói: “Họ đã làm hợp đồng rồi nên mới được bán”.
Người đàn ông này tiếp tục quát tháo, “Có đi ra không, nói chục câu rồi” khiến chúng tôi buộc phải quay xe. Tuy nhiên, sau đó ít phút, quanh khu vực này vẫn nhộn nhịp người bán hàng rong. Thậm chí không khí nhộn nhạo hơn khi lượng công nhân khắp nơi đổ về để kịp vào làm ca sáng.
Sau kỳ nghỉ lễ dài, tình trạng hàng rong, chợ "cóc" hoạt động tại hai KCN: Vân Trung, Quang Châu tiếp tục gây nhức nhối dư luận. Không khó để bắt gặp cảnh kẻ mua, người bán nhộn nhịp chào hàng, mặc cả vào giờ tan ca ngay trước cổng một số công ty có lượng công nhân lớn như Công ty TNHH Luxshare - ICT Việt Nam, Công ty TNHH Siflex, Công ty TNHH Crystal Martin, Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ chính xác FUYU (thuộc Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải)...
Bất kể trời mưa hay nắng, cứ đúng giờ tan ca, vào làm của công nhân, một số người bán hàng rong lại "được phép" dọn hàng bán đủ món từ nước uống đến bánh kẹo. |
Nhóm người bán hàng rong thường xuất hiện vào các khung giờ vào ca, tan ca của công nhân (sáng từ 6 giờ 45 phút đến 7 giờ 40 phút; chiều tối từ 18 giờ 45 phút đến 19 giờ 40 phút). Mặt hàng chủ yếu là đồ ăn vặt như bánh mỳ, khoai luộc, bánh dày, bánh chưng, bánh rán, xúc xích, lạp sườn, các loại nước ngọt, nước có gas, nước lọc và đồ dùng cá nhân như tất, găng tay, áo đồng phục công ty… Mỗi món hàng có giá rất rẻ, chủ yếu từ 3- 15 nghìn đồng.
Điểm bán hàng rong có 2- 3 người vừa giao hàng, vừa thu tiền mới kịp phục vụ khách. Những gói xôi, chiếc bánh mỳ, bánh rán hay bánh dày được cho sẵn vào từng túi ni lông, khi công nhân hỏi mua là hàng trao tay, tiền thu về. Thậm chí có những thời điểm, công nhân chỉ cần gọi điện thoại là có người ship tới tận hàng rào công ty.
Trên một số tuyến đường gom quanh 2 KCN này, vào cuối giờ chiều cũng xuất hiện tình trạng “chợ cóc”, bán đủ loại mặt hàng từ thực phẩm tươi sống đến quần áo, hoa quả…
Một việc làm, nhiều hệ lụy
Việc bán hàng rong trong các KCN đang gây ra nhiều hệ lụy. Trước hết, các loại thực phẩm ở đây tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm do bày bán, chế biến ngay trên lòng đường, vỉa hè mà không có dụng cụ che chắn hoặc hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Vì giá rẻ lại tiện lợi nên nhiều công nhân vẫn mua dùng. Anh Hoàng Văn Quang, công nhân làm tại KCN Vân Trung cho hay: “Khuất mắt trông coi, biết là bẩn, mất vệ sinh nhưng cũng đành mua dùng vì ngại đi xa”.
Đồ ăn, thức uống bán ngay trên vỉa hè đường chuyên dùng KCN, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. |
Không chỉ vậy, tình trạng bán hàng rong trong các KCN còn tiềm ẩn mất ANTT, ATGT. Vào giờ tan ca, không khí mua bán tấp nập, người bán chiếm hết vỉa hè thậm chí tràn ra lòng đường khiến quang cảnh nơi đây trở nên lộn xộn, cản trở giao thông. Chị N.K.H, chuyên bán hàng rong ở KCN Vân Trung tiết lộ: “Chỉ vì xích mích nhỏ giữa các nhóm bảo vệ khi cho hay không bán hàng rong mà đã có lần suýt nữa xảy ra đánh nhau”.
Chiều 25/8, đang lái xe mô tô trở về phòng trọ ở thôn Núi Hiểu, chị Nguyễn Thị H, công nhân làm việc tại KCN Quang Châu vội tấp vào lề đường để mua đồ khi cơn mưa sắp ập đến. Do thiếu quan sát, chị H đã va vào một xe mô tô khác cùng chiều, rất may hai người chỉ bị sây sát ở chân. Chị H phân bua: "Biết là việc dừng đỗ phương tiện để mua hàng tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT nhưng vì không có nhiều thời gian nên tôi tranh thủ mua tại chợ "cóc" này về nấu ăn, tắm giặt rồi nghỉ sớm".
Việc bán hàng rong trong các KCN gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan. Nhiều túi ni lông, vỏ hoa quả lại bị vứt ngổn ngang dọc đường chuyên dùng, đường gom, trên kênh thoát nước. Tình trạng này xuất hiện nhiều ở một số tuyến đường chuyên dùng qua khu vực Công ty TNHH Luxshare - ICT Việt Nam, Công ty TNHH Siflex và khu vực gần thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do công tác quản lý của các DN đầu tư hạ tầng KCN còn lỏng lẻo, nhất là đội ngũ bảo vệ nghi có dấu hiệu “tạo cơ chế” để người bán hàng rong ngang nhiên hoạt động trước cổng các công ty vào giờ tan ca, vào ca của công nhân.
Máy bán hàng tự động tại cổng DN thuộc KCN Vân Trung mặc dù đã lắp đặt được một thời gian nhưng không hoạt động vì chưa đấu nối điện. |
Bên cạnh đó là do ý thức của nhiều công nhân chưa tốt, có thói quen “tiện đâu mua đấy”. Trong khi KCN lại chưa có những điểm bán hàng tập trung tiện lợi để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, ăn uống của rất đông công nhân. Mặc dù trong các KCN đã lắp một số máy bán hàng tự động cho công nhân nhưng một số máy không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, hàng hóa đơn điệu.
Ông Đỗ Xuân Huân, nhân viên quản lý của Công ty cổ phần S & G - đơn vị phát triển hạ tầng KCN Vân Trung giải thích, việc lắp đặt 3 máy bán nước tự động được hơn nửa tháng nay nhằm phục vụ nhu cầu của công nhân, người lao động song tất cả các máy đều chưa thể hoạt động vì chưa đấu nối vào nguồn điện (?!)
Máy bán hàng nước tự động bố trí trước cổng một số DN tại đường chuyên dùng KCN Vân Trung không hoạt động trong thời điểm phóng viên tìm hiểu viết bài. |
Do bán hàng cho công nhân mang lại siêu lợi nhuận nên nhiều người đã tìm mọi cách để thâm nhập vào KCN bán hàng rong. Chị Ch, một người bán hàng rong lâu năm ở đường chuyên dùng trong KCN Vân Trung tiết lộ, những sản phẩm chị nhập số lượng lớn rồi bán với giá gấp đôi hoặc 2,5 lần.
Cụ thể, chị bỏ vốn 300 nghìn đồng nhập buôn 100 chiếc xúc xích/10 túi, về bán lẻ giá 5 nghìn đồng/chiếc, thu lãi 200 nghìn đồng; hay bỏ ra 150 nghìn đồng nhập buôn 100 chiếc bánh rán, bánh dày rồi bán lẻ với giá 3 nghìn đồng/chiếc, thu lãi 150 nghìn đồng... Chỉ trong vòng khoảng 2 tiếng đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, mỗi ngày người bán hàng rong như chị Ch đã kiếm lời bạc triệu.
Cần giải pháp lâu dài
Trao đổi với đại diện Đồn Công an Quang Châu (Công an huyện Việt Yên) được biết, trước năm 2021, tình trạng bán hàng rong, “chợ cóc”, bày bàn ghế bán hàng tại đường chuyên dùng KCN Vân Trung và Quang Châu rất lộn xộn. Theo thống kê có tới 90 hộ gia đình bán hàng dưới hình thức này. Sau khi Đồn Công an Quang Châu đi vào hoạt động, nhờ tăng cường các giải pháp chấn chỉnh, số lượng hộ bán hàng rong đã giảm xuống, nay còn 22 hộ.
Theo Đại úy Trần Quang Quyền, Phó đồn trưởng Đồn Công an Quang Châu, do chế tài xử phạt thấp nên việc xử lý chưa mang tính chất răn đe. Lực lượng cán bộ mỏng, địa bàn rộng, ANTT phức tạp nên việc ngăn chặn những gánh hàng rong như “bắt cóc bỏ đĩa”, đuổi góc này họ sang góc khác.
Nhằm khắc phục triệt để tình trạng trên, thiết nghĩ trước hết các chủ đầu tư xây dựng các KCN cần nâng cao trách nhiệm quản lý, nhất là việc tăng cường lực lượng bảo vệ, chủ động phối hợp với công an địa phương ngăn chặn ngay từ đầu. Có hình thức xử lý nghiêm những bảo vệ cố tình tiếp tay, “bảo kê” cho hoạt động hàng rong ở khu vực đã được giao nhiệm vụ.
Các DN trong KCN cần quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho công nhân, người lao động cương quyết “nói không” với các mặt hàng mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ người bán hàng rong; xây dựng môi trường sinh hoạt văn minh trong mỗi công ty, bảo đảm ANTT, ATGT và vệ sinh môi trường.
Nhiều tuyến đường gom quanh các KCN Quang Châu, Vân Trung cũng là nơi hình thành chợ "cóc". |
Về lâu dài, bên cạnh việc lắp đặt máy bán hàng tự động, mỗi KCN nên bố trí những điểm bán hàng, phục vụ nhu cầu thiết yếu, đa dạng của công nhân, người lao động đang làm việc tại đây. Ông Đào Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang cho biết, đơn vị đang tiến hành rà soát những vị trí đất còn trống trong các KCN để đề xuất bố trí xây dựng những tổ hợp dịch vụ phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của công nhân.
Theo xu hướng phát triển chung, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang sẽ hình thành nhiều KCN mới. Để thu hút được nhiều DN đến đầu tư tại các KCN, ngoài việc cơ sở hạ tầng đầy đủ thì công tác ANTT cũng cần được bảo đảm. Vì vậy cần sớm khắc phục triệt để tình trạng bán hàng rong lộn xộn trong các KCN.
PV Nội chính
Ý kiến bạn đọc (0)