Buổi sáng không cà phê
Minh họa: Đinh Hương. |
Vừa đưa tách cà phê nhà nó lên miệng tôi nhăn mũi lại, nước đen quánh đặc kịt, đắng két. Còn nó nuốt ực một ngụm cà phê vào cổ họng, đưa trả tách cà phê: Uống thế cũng đòi uống, loãng toẹt ra! Dù đặc hay loãng, chúng tôi cứ uống theo cách của mình, và dứt khoát không thể thiếu cà phê vào buổi sáng trước khi ra khỏi nhà.
Hương vị cà phê làm cho buổi sáng sảng khoái hơn. Cứ thế, ngày này qua này khác. Khi người ta dùng một thứ mà tin rằng nó mang lại lợi ích cho bản thân thì sẽ dùng thường xuyên, thành thói quen, rồi nghiện luôn, nhưng khó chứng minh được tại sao.
Nhắc đến cà phê là thấy lảng vảng tâm trạng: Tiền nhiều để làm gì? Là cái câu khi mấy mụ đàn bà của khu nhà chốt chuyện và nhổm dậy về nhà nấu cơm chiều.
- Này, mua được cái gì ngoài chợ chưa?
- Được ít gạo thôi!
Chưa nghe hết câu, nó đã cười phá lên: Tích trữ sợ Cô-vít chứ gì? Từ mai, bà làm nhiệm vụ tưới rau ở cái vườn dưới kia! Nếu có bị khoanh vùng thì rau trong vườn, cá dưới ao… thóc ở quê. Này còn cà phê không? Tôi lưỡng lự vì món này không thích chia cho nó: Không biết!
Công ty cho nghỉ mấy hôm, vì con Cô-vít đấy, hàng chậm xuất nên nghỉ một số dây chuyền.
Tiếng bấm chuông bính boong, tôi mở cửa. Thằng bé con mặt buồn thiu: Nhà cô còn mì tôm không? Cho con xin một gói. Còn con ạ. Tôi không hỏi vì sao nó xin mì tôm, trẻ con trong nhà chung cư thường được sai sang nhà hàng xóm để xin tí mắm, mượn lọ mì chính là chuyện thường.
Nó lại bảo: Cô úp cho con mì tôm, con mang về mẹ con mắng chết! Sao? Nó không nói gì. Ăn xong bát mì, khuôn mặt hớn hở khoe: Mẹ con đang theo dõi tin tức trên fây-búc, bảo đã có mấy chục người bị nhiễm Cô-vít rồi! Rồi nhiều cái gì hay lắm! Tối qua, bố con đi làm về, chưa có cơm ăn, mắng mẹ con là cứ dí mắt vào điện thoại ấy! Hôm nay, mẹ con vẫn xem cô ạ!
Tôi phì cười với thằng bé. Và tôi cũng rút điện thoại ra xem tình hình hôm nay thế nào. Những con số nhảy nhót, trên các trang tin đều có tin tức về bệnh dịch, nguyên nhân, cách phòng tránh và một số nhân vật khác liên quan đến Covid-19. Mải đọc đến nỗi, ngoài trời đã tối om. May quá, chồng tôi nhắn tin, đi ăn cỗ, không về ăn cơm. Bỗng dưng trong lòng hoang mang, chộn rộn. Trong cái đám đông cỗ bàn ấy liệu có ai mang con vi-rút quái ác đến dự không nhỉ! Tôi nhắn cho chồng: Ăn nhanh về nhé! Chồng nhắn lại: Có việc gì thế?
Các bản tin bắt đầu hiện ra. Tin nhắn của nhà trường cho học sinh nghỉ học thay đổi xoành xoạch về thời gian nghỉ và học trở lại. Bọn trẻ bám vào những thanh sắt ô cửa từ tầng cao nhìn ra bầu trời. Người lớn trong khu nhà bắt đầu đeo khẩu trang đi lại. Thang máy có vẻ thông thoáng vì nhiều người chọn cách leo cầu thang nếu ở những tầng thấp.
- Cháu chào bác, bác đi chợ về đấy ạ?
- Ờ chào cháu, ai đấy nhỉ?
- Dạ, cháu Thùy đây, nhà bác đã hết nước giặt chưa cháu ship cho ạ.
- Mày đeo khẩu trang kín thế kia ai mà biết được... Thôi, tao mua đủ rồi!
- Dạ, hàng nhiều, bác mua tích trữ làm gì ạ!
- Chúng tao già, không nhanh chân được như bọn trẻ. Cứ phải tích lại giữ thân đã.
Tuần này, trẻ con được nghỉ học, hai vợ chồng đưa bọn trẻ về quê.
Khi đi, tôi quên không mang cà phê. Buổi sáng đầu tiên, tôi nôn nao vì không có cà phê. Cái cảm giác ngái ngủ còn nguyên. Mẹ chồng tôi dậy sớm, nấu ăn. Ngày thứ hai, vừa ăn sáng, mẹ vừa nói chuyện:
- Nắng đẹp thế này, các con ra cây gạo giữa đồng mà chơi, năm nay hoa gạo ra đẹp lắm!
Hai thằng bé lâu không được ra ngoài, giống như hai con gà tồ, vừa đặt chân xuống cỏ đồng, rón rén đi vì sợ bẩn. Thằng lớn vụng về thụt cả chân xuống bờ ruộng. Nó thét lên như gặp chuyện kinh khủng. Bố nó cười rõ vui. Ngày bé, bố còn đẩy xe phân cho bà nội suốt, chả kinh nữa là mày mới có tí bùn dính chân! Khiếp! Nó trề môi ra. Mỗi lần về quê, mẹ chồng tôi thường xót ruột bảo: Chúng mày nuôi con thế nào mà cả hai thằng bé đều đeo hai cái kính dày cộp thế kia! Chưa thi Trạng đã mà sắm võng rồi!
Từ xa cây gạo đỏ rực trên nền xanh! Tôi hít sâu vào lồng ngực không gian cỏ mật. Phải đi tắt qua ngõ hẹp mới sang đến con đê làng. Bờ tường rào vắt vẻo những tán nhãn trổ đầy bông li ti. Mùi hoa bưởi thơm rộn rã. Thằng bé thứ hai hỏi: Mùi gì mà thơm thế hả mẹ! Bố bế phốc nó lên để nó chạm vào cành bưởi đầy hoa bên tường rào. Nó sung sướng chỉ tay: Ơ có hai con gà đang đuổi nhau kìa! Chúng tôi đi xuyên qua con ngõ ướp mùi hương nồng. Chồng tôi, tiện tay hái một nhành hoa bưởi, rồi tự cài lên vành tai, khe khẽ hát: Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối!
Cây gạo làng ngày xưa nếu nó không mọc cạnh miếu Cô thì chắc có lúc nó suýt bị pheng đi mất rồi. Mọc trên triền đê, rễ đâm vào lòng đê. Nhưng nhờ niềm tin vào hư vô mà cây gạo còn đến hôm nay. Ngày bé, anh đi thả trâu cùng đám bạn trên triền đê rồi trèo lên cây gạo lấy hoa để mút mật. Nhìn những bông gạo đỏ tươi, cánh dày như cái bánh gấc nếp thèm ăn cồn cả ruột.
Làng mở hội. Các cụ truyền nhau kể rằng, khi rước kiệu từ phía trong đình sang chùa, đi qua miếu Cô, kiệu thường rất nặng. Có lần đến đây, tự dưng trai làng múa kiệu tít mấy vòng mới đi tiếp. Miếu Cô, cây gạo có cách đây mấy trăm năm, thờ vị nữ tì của bà Chúa kho. Ai có oan ức gì nếu đến đây cầu xin thì kiểu gì sau cũng được giải oan...
Cái thời kháng chiến chạy Tây, dân làng tán loạn vào trong dãy núi Phượng. Nhìn về làng, thỉnh thoảng pháo câu sáng rực, cây gạo khẳng khiu giương cao cành như người gác cổng làng. Chỉ vài hôm đi sơ tán, dân sốt ruột và quay về làng. Kệ, tiếng máy bay ì ì trên trời. Không sợ, hầm đào trong vườn rồi. Có mái rạ nhà ai trúng pháo cháy rừng rực.
Người làng hô hoán đến dập lửa. Chiến tranh bủa vây làng, nhưng không ai sợ hãi. Trên cánh đồng nước vẫn chảy về ruộng. Tiếng gàu sòng xì xoạp hết đêm trăng. Cả làng bên nhau, từ xóm trong ra đến xóm ngoài, nhà ai có chuyện gì đều biết. Đình làng rêu phong, chỉ còn trơ lại mấy cái cột trống hếch đặt trên trụ đá xanh to như cái mâm. Người làng ước, bao giờ hết chiến tranh, có tiền cả làng xây lại đình. Những lá thư báo tử càng làm cho người làng hi vọng chiến tranh sắp kết thúc. Các cụ già vuốt lại bộ quần áo nâu vá vài miếng, chỉnh tề làm lễ tạ đình đầu năm, cầu cho trai làng đi tòng quân, chân cứng đá mềm.
Cây gạo đỏ rực tháng ba lại rơi dần những bông hoa để chuyển mùa. Có thầy địa lý nói, cây gạo mọc ở vị trí đó là điểm huyệt của giao long. Cứ nhìn vào mùa hoa là biết vận trong làng này. Bắt đầu những cái mầm nhú ra, dân làng đi qua đều ngửa cổ nhìn. Năm nào hoa gạo lưa thưa, y như rằng, nước ít, mùa khô hạn. Năm nào hoa đỏ rực, lộng lẫy là đồng đất mỡ màng. Thời gian cứ trôi đi theo mỗi mùa hoa. Rồi người ta cũng quên bặt cái chuyện ngửa cổ lên nhìn hoa xem vận làng, bởi làng giờ người đi xe máy. Hàng hóa ở thành thị có gì, làng có cái đó. Làng xưa chỉ vài ba xóm, giờ làng là cả một xã rồi. Cứ gọi là làng cho thân thương, chứ rộng lắm. Nhiều người chỉ nghe láng máng tên nhau chứ cả đời chưa chắc đã gặp nhau.
Loay hoay một lúc chúng tôi đã tìm được góc ảnh đẹp để chụp ảnh bên cây gạo. Tôi có cảm giác, dưới tầng hoa gạo đỏ rực này như nơi an toàn nhất trên trái đất. Chẳng ai lo lắng gì cả. Tiếng cười rộn rã quanh những bông hoa gạo. Chúng tôi loanh quanh, chụp mấy kiểu rồi đăng lên fây – búc khoe cái sự bình yên ở đây.
Khi chúng tôi về đến sân nhà, mẹ đang làm thịt con ngan, thằng cháu họ sang giúp nấu cơm.
Tôi hỏi: Mẹ ơi, ở đây chả thấy ai sợ Cô- vít hay sao ấy!
- Sợ! Chú mày trưởng thôn đi phát tờ rơi, soạn lời khuyến cáo đọc oang oang trên loa thôn suốt ấy. Chống dịch như chống giặc! Có mấy đứa ở bên Hàn về, con nhà Oanh, nhà Tuyết, nhà Loan, đi cách ly cả rồi…
Thằng em họ cười cười: Làm gì mà phải hốt. Em làm công tác Đoàn của xã đây. Từ lúc có dịch, trực liên tục với các cô chú ở y tế xã, công an xã. Cái gì cũng phải bình tĩnh chị ạ! Xem trên fây – búc là cứ thấy rối tình tang cả lên. Mệt! mệt quá chứ lị! Em chỉ lo năm nay vườn vải thiều của em đang trổ bông ngàn ngạt, dịch mà chưa hết thì toi, bán mua kiểu gì. Năm đầu bố mẹ cấp vốn cho cái vườn ấy, đủ tiền là lấy vợ luôn đấy!
Cả sân nhà đầy nắng, thơm nức mùi hương tháng Ba, vang tiếng cười.
Sáng nay, không có cà phê nhưng đầu óc tôi tỉnh táo, sảng khoái lạ thường. Vui vui nhại lại cái câu: Làm gì phải hốt! Không có gì không thể vượt qua khi ta cứ vững tin ở chính mình, tin vào ngày mai.
- Hè này, mẹ tao hứa sẽ cho tao về ngoại. Thằng Phan và thằng Xô khoe với nhau niềm vui vì có mẹ. Chúng liếc nhìn Thương bằng cặp mắt đồng cảm:
- Mẹ mày mất rồi. Ba thì đi làm ăn xa. Bà ngoại mày thì già yếu. Tội mày. Phan bảo.
- Chỗ này nữa thầy ơi!
- Chỗ này cũng dột nữa!
Truyện ngắn của Thu Hà
Ý kiến bạn đọc (0)