Thứ hai, 20/05/2024
Bắc giang 28 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thế giới
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bulgaria, Romania gia nhập một phần khối Schengen

Cập nhật: 14:39 ngày 31/03/2024

Bulgaria và Romania gia nhập một phần khối đi lại tự do Schengen với việc bỏ kiểm soát biên giới đường không và đường biển, sau 13 năm chờ đợi.

Kể từ ngày 31/3, người dân có thể di chuyển bằng đường biển hoặc đường hàng không giữa hai quốc gia Đông Âu và hầu hết các nước còn lại của Liên minh châu Âu (EU) mà không cần phải qua kiểm soát thị thực và hộ chiếu.

Du khách đi cạnh các biển báo mới được lắp đặt quy định khu vực Schengen và không thuộc Schengen tại sân bay Henri Coanda (Romania) sáng 31/3. Ảnh: AFP

Chính phủ Romania cho biết các quy định của Schengen sẽ áp dụng cho 4 cảng biển và 17 sân bay, trong đó có sân bay Otopeni gần thủ đô Bucharest, đóng vai trò là trung tâm lớn nhất cho các chuyến bay Schengen. Các nguồn nhân lực, trong đó có cảnh sát biên giới và nhân viên nhập cư sẽ được triển khai đến các sân bay để "hỗ trợ hành khách và phát hiện những người muốn rời Romania theo cách bất hợp pháp". Việc kiểm tra ngẫu nhiên sẽ được thực hiện để phát hiện người mang giấy tờ giả và chống nạn buôn người.

Bulgaria và Romania hy vọng sẽ hội nhập hoàn toàn vào Schengen cuối năm nay, nhưng Áo cho đến nay chỉ nhượng bộ ở các tuyến đường hàng không và đường biển. Các tuyến đường bộ ở Bulgaria và Romania chưa được đưa vào do lo ngại sẽ tạo điều kiện cho những người di cư ngoài EU dễ dàng vào các quốc gia khác trong khối.

"Đây là thành công lớn cho cả hai nước và là thời khắc lịch sử đối với Schengen, khu vực đi lại tự do lớn nhất thế giới. Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một châu Âu vững mạnh hơn, đoàn kết hơn cho mọi công dân của chúng ta", người đứng đầu Liên minh châu Âu (EU) Ursula von der Leyen cho hay.

Dù chỉ là thành viên một phần, việc được nhận vào Schengen là "cột mốc quan trọng" đối với Bulgaria và Romania, theo nhà phân tích chính sách đối ngoại Stefan Popescu.

"Bất kỳ người Romania nào phải đi làn đường tách riêng với các công dân châu Âu khác đều cảm thấy bị đối xử khác biệt", ông nói.

Ivan Petrov, giám đốc tiếp thị 35 tuổi người Bulgaria sống ở Pháp, cho biết anh rất hào hứng với việc đi lại ít mệt mỏi hơn và có thể tiết kiệm thời gian.

Được thành lập năm 1985, khu vực Schengen cho phép hơn 400 triệu người đi lại tự do mà không cần kiểm soát biên giới nội bộ. Với sự gia nhập của Bulgaria và Romania, khu vực Schengen hiện bao gồm 29 thành viên, trong đó có 25 trong tổng số 27 quốc gia thành viên EU, cùng với Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein.

Bulgaria và Romania là hai quốc gia thành viên EU duy nhất không được hưởng đầy đủ lợi ích của Schengen. Croatia, quốc gia gia nhập EU sau hai nước, đã được chấp nhận hoàn toàn vào khu vực Schengen hồi tháng 1/2023.

"Những nỗ lực của chúng tôi nhằm gia nhập Schengen ở biên giới đất liền đang tiếp tục ở nhiều kênh ngoại giao", Bộ trưởng Nội vụ Romania Catalin Predoiu nói.

Các tài xế xe tải Romania hối thúc chính phủ nhanh chóng đạt được điều này để giải quyết tình trạng xếp hàng dài mà họ đang phải đối mặt. Liên minh vận tải đường bộ chính của Romania cho biết thời gian chờ đợi trung bình ở biên giới với Hungary là 16 giờ. Các hãng vận tải Romania ghi nhận thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm vì chờ đợi quá lâu ở biên giới.

Các doanh nghiệp Bulgaria cũng bày tỏ thất vọng khi quy định tự do đi lại chưa được áp dụng cho đường bộ. Họ chỉ ra rằng "chỉ 3% hàng hóa của Bulgaria được vận chuyển bằng đường hàng không và đường biển, 97% còn lại bằng đường bộ".

Theo Vnexpress

Chia sẻ:
bulgaria-romania-gia-nhap-mot-phan-khoi-schengen-143546.bbg

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...