Bộ Y tế phát động Chiến dịch truyền thông "Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh"
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Hương Liên phát biểu phát động. |
Tham dự buổi lễ phát động có Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam Lê Quốc Minh; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam.
Cùng nhau hành động
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương kêu gọi các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người dân hãy cùng nhau hành động, nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cá nhân, tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch (Khẩu trang, Khử khuẩn, Vaccine, Thuốc, Điều trị, Công nghệ và các biện pháp theo hướng dẫn của cơ quan y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền tại trung ương và địa phương).
Chiến dịch diễn ra từ ngày 12/9 đến 31/10/2022 với nhiều hoạt động truyền thông tại Trung ương và địa phương. Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, Quỹ Unilever Việt Nam, Tập đoàn Meta (Facebook), Zalo Việt Nam, Lotus Việt Nam và các đối tác, đơn vị để triển khai nhiều nội dung hoạt động truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến (Facebook, Zalo, Tiktok, Youtube, Lotus...), hướng đến tất cả các nhóm đối tượng trong cộng đồng xã hội. Chiến dịch có sự tham gia của đông đảo người nổi tiếng, các diễn viên, Hot tiktoker và nhiều chuyên gia, KOLs trong các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục…
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể tại Trung ương và địa phương tăng cường chỉ đạo tổ chức hưởng ứng Chiến dịch "Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh" để thực hiện hiệu quả công tác truyền thông phòng, chống dịch cho mọi người dân; các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường đưa tin về Chiến dịch đến cộng đồng qua đó truyền thông, vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch; các nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên, đại sứ truyền thông của chiến dịch lan tỏa tinh thần, mục tiêu của Chiến dịch đến cộng đồng các nghệ sĩ, góp phần lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng người dân.
Lan toả các hành động phòng, chống dịch
Bộ Y tế mong muốn thông điệp phòng, chống dịch Covid-19 cùng với các biện pháp hữu hiệu: Khẩu trang, Khử khuẩn, Vắc xin, Thuốc, Điều trị, Công nghệ, Ý thức người dân và các biện pháp khác sẽ được cộng đồng đón nhận và lan tỏa trên toàn quốc.
Các hoạt động lan tỏa Chiến dịch bao gồm: Thay Ảnh đại diện (Avatar) trên Facebook theo link: www.facebook.com/profilepicframes/?selected_overlay_id=381906017456482 và Link thay Avatar trên Zalo: https://zalo.me/s/1775532238951170234/. Truyền thông các sản phẩm truyền thông (Infographic, videoSpot, audioSpot, ảnh, tọa đàm...).
Chụp ảnh cá nhân thực hiện các biện pháp chống dịch Covid-19, đăng trên các nền tảng mạng xã hội và gắn kèm với các hashtag: #BoYte, #VimotVietNamvungvangvakhoemanh, #AntiCOVID19.
Sản xuất và đăng tải chuỗi tin, bài, phóng sự, chương trình giao lưu trực tuyến, tọa đàm truyền hình về cập nhật tình hình dịch bệnh, các khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, có lợi cho sức khỏe và lan tỏa trên tất cả hệ thống truyền thông y tế, các kênh mạng xã hội phổ biến (Facebook, Youtube, Lotus), kenh14, Soha, Afamily, CafeF, GenK, Sport5, Suckhoevadoisong...
Hưởng ứng cuộc thi nhảy vũ điệu "Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh" trên nền tảng TikTok với nhiều phần quà hấp dẫn kèm hashtag: #BoYte, #AntiCOVID19, #Vudieu2K+, và nhiều các hoạt động lan tỏa khác.
Bộ Y tế đã đưa khuyến cáo thực hiện Thông điệp 2K+ vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác là thông điệp thay thế Thông điệp 5K trước đây nhằm thực hiện giải pháp phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay.
Vaccine vẫn giải pháp quan trọng và cần thiết
Hiện nay, dịch Covid-19 được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường với sự xuất hiện của những biến chủng mới. Tổ chức Y tế Thế giới tiếp tục khẳng định đến thời điểm hiện tại, chiến lược tiêm vaccine phòng Covid-19 vẫn hết sức quan trọng trong bối cảnh các biến thể lây lan nhanh hơn, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch. Trong nước, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, nhưng thời gian gần đây, cả nước vẫn ghi nhận trung bình hơn 2.000 ca mắc mới mỗi ngày. Nhiều địa phương đã ghi nhận các ca bệnh mắc các biến thể mới của Omicron với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc. Các biến thể phụ mới xuất hiện được cơ quan chức năng theo dõi, đánh giá và phối hợp với các tổ chức quốc tế kiểm soát hiệu quả, thường xuyên đánh giá nguy cơ.
Để triển khai các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta đang nới lỏng những biện pháp chống dịch phù hợp với tình hình dịch bệnh. Nhờ việc thực hiện chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất trong lịch sử, đến ngày 4/9/2022 toàn quốc đã tiêm được hơn 258 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Việt Nam là một trong số những quốc gia có số liều vaccine được sử dụng và tỷ lệ tiêm chủng cao trên thế giới, góp phần hiệu quả trong việc hạn chế sự lây nhiễm trong cộng đồng, giảm nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do Covid-19.
Tong bối cảnh đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã đưa ra thông điệp mới phòng, chống dịch Covid-19 là 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + Vaccine + Thuốc+ Điều trị + Công nghệ + Ý thức người dân và các biện pháp phù hợp khác, cùng với 3 trụ cột (xét nghiệm, cách ly, điều trị).
Tiến sĩ Shane Fairlie, Chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhận định: Dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023, có thể xuất hiện các biến chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường. Do đó, tại Việt Nam vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Trong đó, tiêm bao phủ vaccine và thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân vẫn là những giải pháp quan trọng và cần thiết.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc (0)