Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải: Lục Ngạn cần quan tâm phát triển làng nghề, quản lý đất đai và xử lý rác thải
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải thăm hộ sản xuất mỳ tại thôn Thủ Dương, xã Nam Dương (Lục Ngạn). |
Không để thương hiệu mỳ Chũ “thui chột”
Điểm đầu, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác đến thăm làng nghề sản xuất mỳ gạo, xã Nam Dương. Hiện toàn xã có hơn 600 hộ sản xuất mỳ. Sản phẩm tiêu thụ thuận lợi, cung cấp bình quân hàng chục tấn mỳ/ngày cho thị trường. Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ cho biết: “Dịp Tết Mậu Tuất vừa qua sản phẩm luôn cháy hàng do nhu cầu tăng cao. Ngoài ra, nguyên liệu đầu vào khó khăn, sản xuất phụ thuộc lớn vào thời tiết khiến người dân không chủ động được nguồn”. Theo ông Nam, trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm cùng loại nhái thương hiệu mỳ Chũ, làm giảm uy tín làng nghề. Ông Nam đề nghị cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm; hỗ trợ một số hợp tác xã dây chuyền sấy mỳ, xây dựng hệ thống xử lý nước thải.
Qua nắm bắt tình hình, thăm hỏi và trò chuyện với một số hộ làm mỳ, đồng chí Bùi Văn Hải cho rằng, mỳ Chũ đã được bảo hộ, có tiếng vang, thậm chí xuất khẩu, được người tiêu dùng đón nhận và đánh giá cao. Đồng chí vui mừng khi thấy bà con chia sẻ, sản phẩm làm ra đến đâu, bán hết đến đó, đời sống người dân ngày càng khấm khá từ làm mỳ. Tuy nhiên, đồng chí cho rằng sản xuất mỳ vẫn còn hạn chế. Đó là một số hộ vẫn phơi mỳ cạnh đường giao thông. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa. Đường vào khu sản xuất còn nhỏ hẹp, xuống cấp. Các công đoạn vẫn còn nhiều thủ công, tốn nhân lực và phụ thuộc khá lớn vào điều kiện của thời tiết.
Huyện Lục Ngạn, xã Nam Dương cần xây dựng một chuyên đề sâu để đưa ra các giải pháp phát triển mỳ Chũ một cách căn cơ, không để thương hiệu này bị “thui chột”. Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải
|
Trước thực tế trên, đồng chí chỉ đạo huyện ủy Lục Ngạn, xã Nam Dương cần xây dựng một chuyên đề sâu để đưa ra các giải pháp phát triển mỳ Chũ một cách căn cơ, không để thương hiệu này bị “thui chột”. Trong đó quan tâm đến 3 vấn đề chính là: Đường giao thông, môi trường và cải tiến quy trình. Đồng chí nhấn mạnh, hiện nay tỉnh đang có chính sách tập trung cao hỗ trợ cứng hóa giao thông nông thôn. Vì vậy, xã Nam Dương cần tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia, chung sức làm đường, từng bước cải thiện, nâng cấp hạ tầng vào làng nghề. Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, có thể hướng dẫn các hộ xây dựng chung bể xử lý nước thải, bảo vệ môi trường. Riêng quy trình sản xuất cần đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm giảm nhân công, nâng công suất. Có như vậy mới duy trì được sản xuất liên tục, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài ra cần quan tâm cải tiến bao bì, mẫu mã sản phẩm, không để tình trạng làm nhái, làm giả sản phẩm, phát triển làng nghề một cách bền vững.
Quản lý chặt chẽ đất đai, quan tâm xử lý rác thải
Trong chương trình thực tế, đồng chí Bùi Văn Hải cũng làm việc với Công ty cổ phần Thiên Lâm Đạt, chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) Mỹ An, xã Mỹ An. Hiện nay, Công ty đã cơ bản hoàn thiện đầu tư hạ tầng CCN trên diện tích hơn 20 ha, chuẩn bị khởi công xây dựng nhà máy gỗ trong tháng 3; hoàn thiện ký hợp đồng với đối tác nước ngoài đầu tư nhà máy hóa dầu, nhà máy cơ khí công nghệ cao. Đại diện lãnh đạo Công ty đề xuất tỉnh cho phép mở rộng CCN Mỹ An; huyện sớm hoàn thiện đầu tư tuyến đường vào CCN, bảo đảm các điều kiện về điện, nước phục vụ CCN.
Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác thăm CCN Mỹ An, xã Mỹ An. |
Trao đổi với chủ dự án, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Thanh Bình thông tin, các kiến nghị về nước sạch, điện để phục vụ dự án, huyện đã quan tâm từ sớm. Huyện dành 1 ha đất tại xã Phượng Sơn xây dựng nhà máy nước sạch.
Cùng đó, ngành điện đang giải phóng mặt bằng, đầu tư các hạng mục, dự kiến đưa vào hoạt động vào cuối năm nay. Riêng việc mở rộng quy mô dự án, Công ty nên khảo sát và có đề xuất quy mô, hướng phát triển cụ thể.
Kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, dự án này giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của huyện. Bởi vậy, chủ đầu tư, chính quyền địa phương cần phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Về phía doanh nghiệp phải hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định. Thời gian qua, một số hộ tại thôn Xuân An, xã Mỹ An làm công trình trái phép trên đất đã quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp nhằm đòi đền bù cao khi thu hồi đất. Do đó, chính quyền huyện, xã Mỹ An phải quản lý chặt chẽ đất đai, xử lý ngay khi phát hiện sai phạm, tránh phát sinh vụ việc phức tạp.
Một góc CCN Mỹ An. |
Cùng ngày, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm việc với Huyện ủy Lục Ngạn về một số nội dung kết luận 43-KL/TU ngày 11-5-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cứng hóa đường giao thông nông thôn; xử lý rác thải nông thôn. Đến nay, toàn huyện đổ bê tông được hơn 34 km đường giao thông. Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo phấn đấu hết quý I-2018, huyện sẽ cứng hóa được 100 km đường. Với kết quả này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng huyện thực hiện còn chậm, thời gian tới phải đẩy nhanh tiến độ. Đồng ý với các kiến nghị của huyện về hỗ trợ xi măng cứng hóa đường vào thôn Suối Chạc, xã Phong Vân và đường giao thông nông thôn bị xuống cấp, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huyện, xã phải tạo được phong trào sôi nổi làm đường giao thông dựa vào sự năng nổ của cán bộ cơ sở.
Riêng môi trường nông thôn, lãnh đạo huyện phải kiên trì quyết liệt, xây dựng các bãi tập kết, lò xử lý rác thải; xử lý nghiêm trường hợp quá khích, chống đối. Tuyên truyền sao cho người dân hiểu được xử lý rác thải chính là vì nhân dân.
Về một số nội dung khác như chuyển đổi mục đích sử dụng đất; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đồng chí lưu ý, trong chỉ đạo thực hiện, huyện cần linh hoạt, chủ động, mạnh dạn sao cho phù hợp với thực tế tại địa phương.
Trịnh Lan
Ý kiến bạn đọc (0)