Chuẩn bị gà đồi đón Tết: Gà ri lai chiếm ưu thế
Tăng tỷ lệ giống chất lượng
Dịp này về Yên Thế, chúng tôi chứng kiến các chủ trang trại đang tất bật chăm sóc đàn gà thương phẩm để bán vào dịp Tết Nguyên đán. Bà Nguyễn Thị May, thôn Đề Thám, xã Đồng Tâm cho biết: “Được huyện hỗ trợ con giống theo Đề án phát triển chăn nuôi gà đồi hàng hóa bền vững, tôi đưa giống gà ri lai vào thay thế gà mía lai nhằm nâng cao chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế. Hiện trong chuồng có hơn 6 nghìn con gà, trong đó gần 4 nghìn con ri lai, tăng gấp đôi so với trước đây. Mới đây, tôi bán hơn 1 nghìn con gà, thu lãi khoảng 20 triệu đồng". Để vật nuôi lớn nhanh, những ngày này, bà May cho gà ăn nhiều thức ăn tinh hơn so với ngày thường, bổ sung vitamin nhằm tăng sức đề kháng. Dự kiến, Tết Nguyên đán năm nay, bà bán hơn 3 nghìn con gà.
Gia đình ông Nguyễn Văn Khoa, thôn Trường Sơn, xã Đông Sơn chăm sóc đàn gia cầm. Ảnh: Thế Đại |
Được huyện hỗ trợ con giống, gia đình ông Năng Văn Liệu, thôn La Thành, xã Tiến Thắng cũng tăng cơ cấu đàn ri lai lên hơn 3 nghìn con, chiếm khoảng 70% tổng đàn. Ông Liệu cho biết, ngoài cung cấp đủ dinh dưỡng, những ngày nhiệt độ xuống thấp như hiện nay sẽ không thả gà ra ngoài mà sử dụng thùng phuy hun trấu đặt trong chuồng tạo hơi ấm. Gà ri lai hiện bán 63 - 65 nghìn đồng/kg, cao hơn gà mía lai 10-12 nghìn đồng/kg. Thời điểm này, nhiều thương nhân đã đặt mua gà để bán Tết.
Hai năm qua, huyện hỗ trợ nhiều hộ dân nuôi gà ri lai theo quy trình an toàn thay thế gà mía lai. Theo ông Lương Văn Hiến, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, tỷ lệ gà ri lai ở Yên Thế hiện đạt khoảng 60% tổng đàn, tăng 30 % so với năm 2016. Giống được chuẩn hóa, kết hợp chăn nuôi theo quy trình an toàn nên chất lượng gà đồi ngày càng khẳng định được uy tín. Tín hiệu vui cho sản phẩm này là cuối tháng 11 vừa qua, gà đồi Yên Thế được Viện Chất lượng Việt Nam vinh danh “Sản phẩm, thương hiệu chất lượng cao năm 2018”.
Theo kế hoạch, dịp Tết Nguyên đán năm nay, toàn huyện cung ứng cho các tỉnh, TP lân cận khoảng 2,5 triệu con gà, nâng tổng số gia cầm tiêu thụ trong năm lên 14 triệu con, doanh thu dự kiến 1,4 nghìn tỷ đồng.
Ổn định tổng đàn
Để bảo đảm chất lượng sản phẩm gà đồi, giải pháp trước tiên được huyện khuyến cáo đối với các hộ dân những năm gần đây là duy trì ổn định tổng đàn 4,3-4,5 triệu con/lứa/năm, không tăng ồ ạt khi giá lên cao, thay vào đó là chú trọng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Hằng năm, địa phương trích ngân sách từ 1 tỷ đồng trở lên để hỗ trợ nông dân chăn nuôi; thực hiện một số đề án: Chăn nuôi gà bố mẹ giống địa phương, nuôi gà đồi bền vững, theo hướng VietGAHP...
Theo kế hoạch, dịp Tết Nguyên đán năm nay, toàn huyện cung ứng cho các tỉnh Quảng Ninh, Nam Định, Hải Dương, Hòa Bình, TP Hà Nội... khoảng 2,5 triệu con gà, nâng tổng số gia cầm tiêu thụ trong năm lên 14 triệu con, doanh thu dự kiến 1,4 nghìn tỷ đồng. |
Ông Thân Minh Sâm, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, chăn nuôi gà là hướng phát triển kinh tế mũi nhọn của địa phương nên giai đoạn 2016 -2020, huyện ưu tiên kinh phí từ nguồn ngân sách thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi gà đồi hàng hóa bền vững. Theo đó, địa phương bố trí 2,5 tỷ đồng hỗ trợ người dân tập huấn quy trình VietGAHP, chuẩn hóa giống ri lai… nhằm tránh tình trạng mua con giống trôi nổi, khó kiểm soát chất lượng, từng bước bảo vệ và phát triển thương hiệu.
Đi liền đó, huyện phối hợp với Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) nghiên cứu giống gà VP34 được lai tạo, chuẩn hóa có đầy đủ tính ưu việt của gà đồi Yên Thế như: Lớn nhanh, kháng bệnh tốt, thịt thơm ngon... Giống gà này bước đầu được lai tạo thành công, một số hộ nuôi thí điểm, cho hiệu quả kinh tế cao.
Cùng với các giải pháp trên, huyện khuyến khích thu hút đầu tư, thành lập mới các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác chế biến, tiêu thụ gà đồi. Đồng thời, huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở Trung ương, tỉnh để tổ chức nhiều lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi an toàn, sinh học cho bà con; xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi, tạo ra số lượng sản phẩm lớn, chất lượng đồng đều...
Minh Linh
Ý kiến bạn đọc (0)