Tân An khắc ghi lời Người
Nơi đây ghi dấu chân Người
Trong kháng chiến Mỹ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân An (nay là thị trấn Tân An) đã đạt nhiều thành tích trong chiến đấu, lao động và sản xuất, được Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Ngày 6/4/1961, tại sân vận động trung tâm xã Tân An, Bác đã ân cần nói chuyện cùng cán bộ và nhân dân trong xã. Bác căn dặn: “Tân An là hợp tác xã (HTX) cấp cao phải phấn đấu sản xuất có năng suất cao; thu nhập riêng của xã viên và thu nhập chung của tập thể phải cao; cán bộ và nhân dân phải đoàn kết nhất trí; cán bộ HTX phải dân chủ, công bằng, chí công vô tư và luôn quan tâm đến đời sống xã viên…”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm giếng nước của một gia đình nông dân xã Tân An, huyện Yên Dũng, ngày 6 tháng 4 năm 1961. Ảnh tư liệu. |
Sân vận động xã Tân An-nơi ghi dấu hình ảnh Bác Hồ nói chuyện, căn dặn cán bộ và nhân dân sau này một nửa diện tích được bố trí cho Trường THPT Yên Dũng số 2. Phần còn lại dành để tôn tạo di tích Địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm Tân An như ngày nay. Khu lưu niệm nằm trên khuôn viên đất bằng phẳng khoảng 150m2.
Khuôn viên di tích trồng nhiều cây xanh, chính giữa là nhà bia được xây dựng theo lối chồng diêm (nhiều lớp mái chồng lên nhau) gồm 1 gian, 2 chái với 8 mái đao cong. Đây là một trong những nơi lưu giữ tình cảm thiêng liêng, sự biết ơn vô hạn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân An đối với Bác. Với những giá trị to lớn đó, Địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm Tân An được xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia năm 1994.
Trên địa bàn thị trấn còn có di tích lịch sử Địa điểm làng chiến đấu Long Trì được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia vào tháng 3/2023. Trước đây di tích này thuộc làng Long Trì, xã Tân An, sau một số lần thay đổi địa giới, địa danh hành chính, nay làng Long Trì trở thành tổ dân phố Long Trì, thị trấn Tân An. Đây là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử, minh chứng cho sự đấu tranh kiên cường của nhân dân làng Long Trì trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Vị trí hết sức trọng yếu, Long Trì luôn là mục tiêu đánh phá của thực dân Pháp xâm lược. Được sự chỉ đạo của cấp trên, từ những năm 1950-1951, chính quyền và nhân dân quyết định xây dựng Long Trì thành một pháo đài vững chắc để ngăn chặn những đợt tấn công của giặc Pháp vào sâu trong huyện lỵ. Làng chiến đấu có hệ thống giao thông hào, hầm ngầm, hầm bí mật, hầm chông, hố thụt, cạm bẫy theo địa hình chiến lũy được xây dựng công phu, sẵn sàng đánh địch.
Xung quanh làng được rào kiên cố, toàn bộ hàng rào dài phía trước cổng làng bao bọc bởi các ụ chiến đấu. Dưới lòng đất có hệ thống đường hầm địa đạo chạy dài hàng nghìn mét theo hình chữ chi. Đây là nơi dự phòng khi địch tiến công mạnh vào làng, ta có thể rút xuống trú ẩn. Những năm kháng chiến, nơi đây diễn ra nhiều trận chiến quyết liệt của nhân dân địa phương chống lại thực dân Pháp xâm lược. Nhiều người con của Long Trì đã chiến đấu, anh dũng hy sinh trên mảnh đất này để bảo vệ quê hương, xóm làng trước sự đàn áp, càn quét của giặc Pháp.
Với thành tích đánh giặc và sản xuất giỏi, năm 1999, làng Long Trì được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đồng chí Hà Đình Hồi, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Long Trì cho biết: Hiện nay, trên địa bàn có 15 điểm di tích gắn với sự kiện lịch sử diễn ra tại đây, như: Chòi gác, cửa hầm địa đạo, ụ chiến đấu, hầm bí mật...
Xứng danh vùng đất anh hùng
Khắc ghi lời Bác, trong 2 cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, thị trấn Tân An đã huy động sức người, sức của cho tiền tuyến. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Tân An đánh trả gần 300 trận càn lớn nhỏ của giặc, tiêu diệt hơn 270 tên địch.
Bia di tích Địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm Tân An. |
Trong kháng chiến chống Mỹ, thực hiện khẩu hiệu “thóc không thiếu 1 cân, quân không thiếu 1 người", Tân An đã đóng góp hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến, đồng thời động viên gần 1.600 con em tham gia quân đội, thanh niên xung phong. Tân An có 187 liệt sĩ anh dũng hy sinh trên các chiến trường, 19 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 130 thương binh, bệnh binh, 13 cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt tù đày.
Trong kháng chiến chống Mỹ, thực hiện khẩu hiệu “thóc không thiếu 1 cân, quân không thiếu 1 người", Tân An đã đóng góp hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến, đồng thời động viên gần 1.600 con em tham gia quân đội, thanh niên xung phong. |
Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thị trấn Tân An luôn chung sức, đồng lòng xây dựng cuộc sống mới, tích cực đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đưa Tân An từ vùng đất nghèo khó trở thành vùng quê phát triển. Đặc biệt, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn Tân An lần thứ XXIV, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn đã phát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ thị trấn đề ra.
Hằng năm, thị trấn đều hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH. Giá trị sản xuất tăng bình quân hằng năm là 11,3%. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt 138 triệu đồng/năm. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực. Đời sống của người dân ngày một cải thiện. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng từng bước được nâng lên.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Hương, Bí thư Đảng ủy thị trấn Tân An, cùng với phát triển KT-XH, việc giáo dục truyền thống lịch sử, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích được thị trấn quan tâm. Thời gian qua, từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ và xã hội hóa, kinh phí đầu tư tu bổ, tôn tạo đối với di tích Địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm Tân An là hơn 1,3 tỷ đồng. Di tích đã được lập bản đồ, khoanh vùng bảo vệ. Hiện nay, UBND thị trấn Tân An giao cho Đoàn Thanh niên thị trấn và Đoàn Trường THPT Yên Dũng số 2 quản lý, bảo vệ di tích.
Thời gian tới, UBND huyện Yên Dũng có chủ trương lập dự án, quy hoạch mở rộng, bảo tồn giá trị di tích Địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm Tân An. Nơi đây sẽ xây dựng tượng đài Bác Hồ, mở rộng nhà bia, nhà trưng bày, sân tổ chức dâng hương báo công dâng Bác, các công trình phụ trợ, khuôn viên cây xanh. Cùng đó, xây dựng, tu bổ, tôn tạo nâng cấp nhà lưu niệm Bác Hồ, khôi phục giếng nước trong cụm di tích lịch sử Địa điểm làng chiến đấu Long Trì.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng cho biết: Huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu được giá trị lịch sử của các di tích. Phối hợp với đơn vị liên quan sớm xây dựng tour, tuyến du lịch Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, di tích lịch sử Địa điểm làng chiến đấu Long Trì, Địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm Tân An, chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) và Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động).
Bài, ảnh: Phương Ngân
Ý kiến bạn đọc (0)