eMagazine
Thứ 5: 21:40 ngày 30/06/2022
Thứ 5: 21:40 ngày 30/06/2022
bacgiang-emagazine
{keywords}
{keywords}

Thực tế, mẹ Dương Thị Nức có hai con trai là liệt sĩ; từng nuôi dưỡng liệt sĩ Chu Đình Cạp từ nhỏ tới khi trưởng thành, hy sinh; làng xã, họ hàng ai nấy đều xác nhận nhưng về pháp lý lại khó có cơ sở. Đau đáu từ một lá thư gửi tới Quốc hội, Đoàn ĐBQH Bắc Giang đã quyết định xác minh, thẩm định lại và trực tiếp trao đổi với các bộ, ngành Trung ương để cùng tìm giải pháp, sao cho thấu tình đạt lý. Bởi hơn hết, đó là trách nhiệm, là tình cảm, là tri ân.

{keywords}

Khi là Trưởng Đoàn ĐBQH Bắc Giang khóa XIV (nhiệm kỳ 2016-2021), tiếp xúc nhiều cử tri, nhận nhiều đơn thư, kiến nghị nhưng có một lá thư tay dài 2 trang của ông Chu Đức Đại (sinh năm 1940), ở thôn Can, xã Hương Gián (Yên Dũng) kiến nghị xem xét xác nhận truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho thím mình là cụ Dương Thị Nức khiến bà Lê Thị Thu Hồng, hiện là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang rất suy nghĩ.

“Tôi đọc thấy có vấn đề, dù trước đó nội dung này đã được tỉnh giải quyết, làm tờ trình, Trung ương trả lại hồ sơ vì chưa đủ căn cứ pháp lý. Tôi giao anh em đi xác minh, thẩm định lại, ngồi với các ngành để cùng tìm giải pháp, thêm một lần nữa kiến nghị mạnh hơn với các bộ, ngành trên diễn đàn Quốc hội”- bà Hồng chia sẻ.

{keywords}

Lá thư tay của gia đình mẹ Nức và rất nhiều công văn gửi đi của Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang.

Là người trực tiếp xử lý hồ sơ của gia đình mẹ Nức, ông Trần Văn Lâm- Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Bắc Giang lúc đó, hiện là Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội cho biết: Tôi trực tiếp tới làm việc với gia đình, thôn, xã và người dân; nghiên cứu lại toàn bộ hồ sơ; các văn bản pháp luật liên quan và những đề xuất trở đi, trở lại của tỉnh và Trung ương và thấy có 3 căn cứ quan trọng để theo đến cùng được. Đó là liệt sĩ Chu Đình Cạp đã đổi từ họ bố đẻ sang họ bố nuôi; Bằng Tổ quốc ghi công cấp năm 1962 ghi theo họ bố nuôi “Chu Đình” và hiếm có mối quan hệ nuôi dưỡng nào từ hàng chục năm mà khi xác minh, lại được cả làng cả xã, các cụ cao niên, hai họ đều đồng thuận, không một chút gợn. Tuy nhiên, đúng như hướng dẫn của Trung ương, lại thiếu về căn cứ pháp lý, giấy tờ. Cái đó mới cần tháo gỡ và làm chúng tôi rất trăn trở.

{keywords}

Ông Chu Đức Đại (thứ hai từ trái sang) trao đổi với phóng viên.

{keywords}

Đi vào từng căn cứ, thấy có quá nhiều vướng mắc, dù hiển nhiên ai cũng thấy đúng.

Ông Bùi Quang Phát- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Bắc Giang cho biết: Không biết do chiến tranh hay kê khai thế nào mà hồ sơ liệt sĩ Chu Đình Cạp hiện lưu giữ tại Sở chỉ có họ và tên bố đẻ là Nguyễn Ngọc Đón; không có họ và tên mẹ, kể cả mẹ đẻ và mẹ nuôi. Thành ra rất khó để xác nhận cụ Dương Thị Nức là mẹ nuôi liệt sĩ Chu Đình Cạp.

Hay như việc thờ cúng liệt sĩ suốt từ năm 1950 đến năm 1972 do gia đình nhà cụ Nức thờ; giấy báo tử, Bằng Tổ quốc ghi công chính quyền gửi cho bên họ nuôi từ năm 1962 song trên văn bản, không có cơ quan nào thẩm định được, chỉ là xác nhận, chứng thực của hai gia đình.

{keywords}

Bà Vạn thắp hương bên ban thờ mẹ Nức.

Để xác định giữa cụ Nức và liệt sĩ Cạp có mối quan hệ mẹ nuôi- con nuôi hay không, Thông tư số 03/2014 quy định: Hoặc là phải được pháp luật thừa nhận, tức là được đăng ký và cấp chính quyền theo quy định công nhận. Hoặc là được chính quyền cấp xã xác nhận.

Đối chiếu thì tại thời điểm cụ Chu Đình Thố và cụ Dương Thị Nức nhận liệt sĩ Chu Đình Cạp làm con nuôi (từ năm 1922), pháp luật chưa có chế định quy định cụ thể về nuôi con nuôi nên không thể thừa nhận.

Vấn đề còn lại là chính quyền cấp xã, cụ thể ở đây là UBND xã Hương Gián xác nhận thì chỉ căn cứ vào biên bản họp hai dòng họ, họp hội đồng chính sách mở rộng và ý kiến các cụ cao niên trong thôn, trong xã, theo Ban Thi đua- Khen thưởng Trung ương, đó chỉ là tài liệu tham khảo, không phải là căn cứ pháp lý.

{keywords}

Một trong nhiều công văn của bộ, ngành Trung ương gửi Đoàn ĐBQH Bắc Giang xung quanh hồ sơ của mẹ Nức.

Anh Hà Văn Mắn (sinh năm 1967), cháu ngoại và hiện đang thờ cúng cụ Nức tâm sự: “Gia đình chúng tôi đã làm hồ sơ nhiều lần và các cơ quan, ban ngành từ Trung ương tới tỉnh, huyện, xã đều trả lời. Đúng là khó về lý thật nhưng về tình thì không ai là không công nhận. Nếu không tìm cách gỡ cho bà tôi thì thiệt thòi cho cụ và gia đình quá”.

{keywords}
{keywords}
{keywords}

Trong các văn bản của UBND tỉnh Bắc Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh gửi ra Bộ Nội vụ, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Ban Thi đua- Khen thưởng Trung ương, Ban Dân nguyện về trường hợp của mẹ Nức, sau phần trình bày căn cứ đều có đề nghị “trường hợp cần có quy trình cụ thể nào khác, đề nghị Ban/cơ quan chức năng hướng dẫn để gia đình và địa phương tiến hành thuận lợi”.

{keywords}
{keywords}

Sự tận tụy, trách nhiệm của Đoàn ĐBQH Bắc Giang và sự lắng nghe, cầu thị của phía các cơ quan tỉnh Bắc Giang đã chắt chiu, gạn lọc từng thông tin, hóa giải từng bước trong hồ sơ của mẹ Nức.

Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Giang Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Nguyễn Tiến Cơi sau khi rà lại hồ sơ của mẹ Nức nhận thấy có hai điểm cần minh bạch và làm rõ.

Một là, ngoài xác nhận (đã có) của UBND xã Hương Gián về việc cụ Dương Thị Nức có 4 người con đẻ, 1 người con nuôi cần bổ sung thêm văn bản khẳng định lại, chắc chắn và rõ ràng, liệt sĩ Chu Đình Cạp là con nuôi của cụ Dương Thị Nức, dựa trên hồ sơ, tư liệu, nhân chứng và công khai toàn xã. 

Hai là tại thời điểm làm tờ trình, người hưởng chế độ trợ cấp và đang thờ cúng liệt sĩ có tiếng nói quan trọng trong việc xác nhận hay ủy quyền các việc liên quan tới liệt sĩ, đặc biệt là chứng minh mối quan hệ nuôi dưỡng của mẹ Nức và liệt sĩ Cạp.

{keywords}

Anh Hà Văn Mắn kể về hành trình làm hồ sơ đề nghị truy tặng "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" cho mẹ Nức.

Ngay sau khi nêu hai điểm cần làm rõ, được sự nhất trí của các cơ quan Trung ương, gia đình và địa phương đã làm lại từ đầu và đáp ứng đúng, đủ yêu cầu, từ người thật việc thật. Bà Chu Thị Thoa- người đang thờ cúng liệt sĩ Chu Đình Cạp đã làm giấy ủy quyền cho anh Hà Văn Mắn, là cháu ngoại và đang thờ cúng cụ Nức đứng tên kê khai, làm hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng cho mẹ.

“Ngoài ra, hồ sơ của mẹ Nức có những điểm rất rõ, đặc biệt khi chúng tôi cùng Đoàn ĐBQH trực tiếp trao đổi với Ban Thi đua- Khen thưởng Trung ương, các anh đều đồng tình. Ví dụ như tất cả hồ sơ, giấy tờ của ông Cạp đều mang tên bố nuôi, không phải bố đẻ; kể cả hồ sơ liệt sĩ không có tên mẹ thì họ bố và họ con cũng khác nhau, chứng tỏ có mối quan hệ nuôi dưỡng thực sự. Thêm nữa, là sự đồng thuận, nhất trí cao của nội tộc hai họ, làng xã. Cộng với những căn cứ mới đã củng cố, bổ sung chắc chắn hơn hồ sơ nên sau nhiều lần trình và đề nghị, ngày 10/5/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho mẹ”- Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Mạnh Hùng thông tin thêm.

{keywords}
{keywords}
{keywords}

*

*      *

Sinh con ra, nuôi con khôn lớn và trưởng thành, cho con vào chiến trường để mong ngày chiến thắng, đón con trở về, có con bồng cháu bế chứ không mẹ nào mong nhận giấy báo tử, mong sau này được danh hiệu vẻ vang. Nhưng chiến tranh là thế và các mẹ luôn lặng lẽ, nén nỗi đau hiến dâng những người con thương yêu của mình cho Tổ quốc.

50 năm ngày mẹ ra đi mãi mãi, gần 10 năm thu thập, chắt lọc và hoàn thiện hồ sơ, cuối cùng, hành trình trả tên về cho mẹ đã cập bến. Mẹ Dương Thị Nức vinh dự được Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.

{keywords}
{keywords}

Trên bước hành trình ấy, là công sức, là tâm huyết, là tình cảm, là lương tâm, là trách nhiệm của con cháu, gia đình, nhiều vị ĐBQH, nhiều thế hệ cán bộ từ Trung ương tới địa phương đã trực tiếp, gián tiếp giải quyết hồ sơ cho mẹ. Vì không chỉ với mẹ Nức, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc luôn có trong mỗi con người và với sự hy sinh to lớn của các mẹ, biết ơn bao nhiêu cho vừa./.

{keywords}

Bà Chu Thị Thoa và anh Hà Văn Mắn, giữa họ đẻ và họ nuôi liệt sĩ vẫn thường xuyên qua lại, thân tình.



me-duong-thi-nuc-va-hanh-trinh-don-nhan-danh-hieu-anh-hung-ky-2.bbg

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...