Tấm lòng son của hai vợ liệt sĩ
Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Tiến Dũng luôn quan tâm chỉ đạo, thực hiện tốt các chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công trên địa bàn.
Phát huy truyền thống quê hương, gia đình, các đối tượng người có công luôn thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, các phong trào, cuộc vận động ở địa phương. Tiêu biểu là hai vợ liệt sĩ là bà Ngô Thị Lại (SN 1942) ở thôn Huyện và bà Trần Thị Bé (SN 1936) ở thôn Thuận Lý.
Bà Ngô Thị Lại (bên phải) và bà Trần Thị Bé. |
Theo giới thiệu của đồng chí Ngô Thị Thảo, cán bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xã, mới đây tôi đến thăm gia đình bà Ngô Thị Lại. Qua trò chuyện được biết, năm 17 tuổi bà Lại kết hôn với ông Trần Văn Huân ở cùng thôn. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1963 ông Huân lên đường nhập ngũ.
Chồng vào chiến trường, ở nhà, bà Huân làm tròn bổn phận của người vợ, người con trong gia đình. Trong hoàn cảnh chiến tranh, bà ngày đêm mong ngóng tin chồng nhưng càng mong ngóng càng không có kết quả. Và rồi, điều không mong muốn đã đến. Ngày 30/4/1964, bà Lại nhận được tin sét đánh, ông Trần Văn Huân đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ ở tỉnh Nghệ An.
Nén nỗi đau thương mất chồng, hai năm sau, bà Lại xin vào làm việc tại Xí nghiệp may quân nhu tỉnh Bắc Ninh. Do sức khỏe yếu, năm 1984, được tổ chức cho nghỉ chế độ mất sức, từ đó bà Lại ở vậy một mình trong ngôi nhà cấp 4. Theo thời gian, vì hoàn cảnh khó khăn, ngôi nhà dần xuống cấp song bà không có điều kiện sang sửa, xây mới.
Chia sẻ với khó khăn của người vợ liệt sĩ đơn thân, năm 2015 một doanh nghiệp may của Quân khu 7 và nhiều tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ xây dựng tặng bà ngôi nhà tình nghĩa khang trang. Trước đó năm 2013, bà Lại cùng gia đình vào tỉnh Nghệ An đón hài cốt ông Trần Văn Huân về an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.
Như bà Lại, bao năm qua, bà Trần Thị Bé một lòng thờ chồng là liệt sĩ Nguyễn Văn Bài (SN 1936). Bà Bé năm nay 86 tuổi, dù đi lại khó khăn song trí nhớ còn khá minh mẫn. Qua lời kể của bà, tôi được biết ông Bài nhập ngũ năm 1966 rồi đi B, hy sinh tại chiến trường miền Nam một năm sau đó. Bao năm qua, gia đình vẫn chưa biết mộ phần ông Bài ở đâu. May mắn hơn bà Lại, trước khi ông Bài nhập ngũ đã kịp để lại cho bà Bé hai người con (1 trai, 1 gái).
Sau ngày ông Bài hy sinh, bà Bé ở vậy nuôi con khôn lớn trưởng thành, nay đã duyên nào phận nấy. Năm 2015 các ban, ngành, đoàn thể địa phương, bà con lối xóm và người thân đã chung tay sang sửa ngôi nhà khang trang để bà Bé hương khói chồng. Hỏi lý do không đi bước nữa, bà Bé nhẹ lời đại ý, đi bước nữa chẳng biết sướng khổ thế nào nhưng nếu tôi làm thế là sai với lời hứa với ông ấy coi như mình có tội với liệt sĩ đã hy sinh vì nước, vì dân.
Tấm lòng son của hai người vợ liệt sĩ ở xã Tiến Dũng đã để lại xúc động với nhiều người. Dù cuộc sống còn những khó khăn song hai bà luôn động viên con cháu, người thân tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương; đồng thời là tấm gương cho con cháu về đức hy sinh, tinh thần tận tụy trong lao động, sản xuất cũng như khi đã có tuổi ở địa phương.
Ý kiến bạn đọc (0)