(BGĐT) - Sau gần 10 năm thu thập, chắt lọc, chỉnh lý và hoàn thiện hồ sơ, “gõ cửa” nhiều cơ quan, ban ngành từ T.Ư tới địa phương, gia đình mẹ Dương Thị Nức (sinh năm 1902, xã Hương Gián, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) vừa nhận tin vui, mẹ vinh dự được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.
Xúc động và tự hào, cả làng, cả xã ai cũng mừng cho mẹ và gia đình. Và trong niềm vui chung ấy, trong hành trình đón nhận danh hiệu Anh hùng đó của mẹ là sự âm thầm, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của nhiều người; đặc biệt là sự vào cuộc, theo dõi, giám sát và nhiều lần kiến nghị của Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang khóa XIV (nhiệm kỳ 2016-2021); tất cả, vì một nghĩa tri ân.
Hai năm, mẹ mất ba người con, hai con trai liệt sĩ và một người con gái, tất cả đều chưa ai kịp sinh con, sinh cháu cho mẹ. Đến khi mẹ mất, mẹ vẫn đau đáu vì không thể mang hài cốt con về được. Đó là câu chuyện buồn có lẽ không chỉ của riêng mẹ Dương Thị Nức mà tựa như nỗi đau của những bà mẹ Việt Nam Anh hùng khác, trên dải đất hình chữ S này.
Trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Can, xã Hương Gián, bà Chu Thị Vạn (sinh năm 1942) - người con duy nhất còn sống của mẹ Việt Nam Anh hùng Dương Thị Nức nghẹn ngào khi nói về mẹ mình: “Mẹ tôi mất năm nay vừa tròn 50 năm. Cả đời mẹ vất vả, đến hôm nay được vinh dự, vẻ vang thì mẹ không còn”…
Ở tuổi 80, theo thời gian, tuổi tác, bà Vạn có thể quên nhiều thứ nhưng những câu chuyện về chiến tranh, về những ngày buồn của gia đình, của mẹ thì bà nhớ như in.
Bà Chu Thị Vạn xúc động nhớ lại những ký ức không quên của gia đình.
Bà kể, năm 1920, bố mẹ bà là cụ Dương Thị Nức và cụ Chu Đình Thố lấy nhau, sinh được 4 người con (3 gái, 1 trai), một người con nuôi. Năm 1922, khi chưa sinh con, cụ Nức nhận ông Nguyễn Ngọc Cạp lúc đó mới 4 tuổi làm con nuôi. Ông Cạp là con đẻ cụ Nguyễn Ngọc Đón ở làng bên. Vì đông con, gia cảnh khó khăn lại là chỗ thân tình nên cụ Đón cho ông Cạp sang bên này làm con nuôi. Mẹ đã đổi họ cho ông Cạp từ “Nguyễn Ngọc” của bố đẻ sang họ “Chu Đình” của bố nuôi và nuôi dưỡng đến lúc trưởng thành.
“Mãi sau này, tôi mới biết lúc đó mẹ tôi hiếm muộn. Nuôi anh Cạp mấy năm mẹ mới sinh bốn chị em tôi nên mẹ thương anh Cạp nhiều lắm” - bà Vạn nhớ lại.
Năm 1950, khi tham gia kháng chiến chống Pháp, làm công an viên của xã, ông Cạp bị địch vây bắt và sát hại trên núi Gáo đầu làng. “Dân làng đưa xác anh về, mẹ tôi thất thần, khóc không thành tiếng và gục xuống. Lúc đó mấy chị em tôi chỉ biết ôm lấy mẹ, mếu máo gọi anh và cùng bà con đưa anh ra đồng chôn cất tạm”.
Ông Cạp mất chưa được bao lâu, ông Chu Đình Thế là em trai lại xung phong đi bộ đội. Đi được một thời gian, năm 1952, gia đình nhận tin dữ, ông Thế bị giặc Pháp bắn và chôn chung với 7 người khác trên núi Ba Vì (Hà Tây). Cùng thời điểm đó, chị gái của ông Thế là bà Chu Thị Liếp bị giặc càn và mất ở quê.
“Hai năm, mẹ tôi mất ba người con. Không có nỗi đau nào hơn. Mẹ khóc cạn khô nước mắt. Mà còn đau hơn nữa là các anh chị tôi đều chết trẻ, chưa ai có con, có cháu cho mẹ. Bàn thờ lập vội lên, cả một hàng dài. Đến bữa cơm, bao năm mẹ vẫn để ba cái bát, ba đôi đũa bên cạnh. Và đến ngày mẹ về với tiên tổ (năm 1972), mẹ tôi vẫn canh cánh vì không thể đưa hài cốt anh Thế về”.
Năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 56 và năm sau (2014) Thông tư liên tịch số 03 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” nêu rõ: Bà mẹ có 2 con trở lên là liệt sĩ, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng “Tổ quốc ghi công”, bao gồm cả con đẻ, con nuôi và được pháp luật hoặc chính quyền cấp xã xác nhận là được xét/truy tặng “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Đối chiếu với quy định, cuối năm 2014, gia đình làm hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng cho mẹ.
Mấu chốt của vấn đề là căn cứ pháp lý để khẳng định cụ Dương Thị Nức là mẹ nuôi của liệt sĩ Chu Đình Cạp.
Những biên bản đầu tiên từ năm 2014 mà gia đình hai họ lập đã xác nhận mẹ Nức nuôi liệt sĩ Cạp từ nhỏ.
Bà Nguyễn Thị Sơn (89 tuổi) - thôn Dõng, xã Hương Gián, em dâu liệt sĩ Chu Đình Cạp cho biết: "Năm 1954, tôi về làm dâu nhà cụ Nguyễn Ngọc Đón. Bố mẹ chồng tôi kể các cụ có 9 người con, trong đó có anh Cạp được gia đình cụ Nức làng bên nhận nuôi từ nhỏ. Năm đó, anh Cạp hy sinh rồi và mọi việc thờ cúng nhà cụ Nức vẫn lo".
Là cháu dâu trưởng và hiện đang thờ cúng liệt sĩ Chu Đình Cạp, bà Chu Thị Thoa (71 tuổi), thôn Dõng kể lại: "Năm 1972, khi cụ Nức qua đời, bố chồng tôi là anh ruột liệt sĩ Chu Đình Cạp mới sang nhà cụ Nức xin được chuyển bát hương về và nhận việc thờ cúng chú Cạp. Còn trước đó, hơn 22 năm, từ lúc chú Cạp hy sinh, giấy báo tử, Bằng Tổ quốc ghi công, mọi thông tin liên lạc chính quyền đều liên hệ và gửi về nhà cụ Nức. Tên tuổi, giấy tờ của chú từ trước đến nay đều mang họ bên nuôi là “Chu Đình” chứ không phải họ “Nguyễn Ngọc” bên nhà chồng tôi".
Bà Chu Thị Thoa thắp hương liệt sĩ Chu Đình Cạp.
Cán bộ, lãnh đạo xã Hương Gián hiện nay đa phần là người trẻ, thuộc thế hệ 7X, 8X, có người luân chuyển từ nơi khác về song khi xác minh hồ sơ của mẹ Nức, họ đều cho biết rất thuận lợi vì trong làng, ngoài xóm, từ người già tới người trẻ, hỏi ai cũng biết chuyện mẹ Nức nuôi ông Cạp và chuyện ông Cạp anh dũng hy sinh ở đầu làng.
“Rất nhiều lần chúng tôi họp hai dòng họ, cả bên đẻ và bên nuôi; họp hội đồng chính sách mở rộng; ban quản lý thôn và mời các cụ cao tuổi trong làng để xác định liệt sĩ Chu Đình Cạp có phải là con nuôi cụ Dương Thị Nức hay không và tất cả mọi người đều xác nhận có mối quan hệ nuôi dưỡng này. Khi xác lập biên bản, niêm yết treo công khai ở xã và thông báo hằng ngày trên hệ thống loa truyền thanh, bà con nhân dân đều thống nhất cao và không có ý kiến nào khác”- Phó Chủ tịch UBND xã Hương Gián Nguyễn Văn Bách thông tin thêm.
Rõ ràng có mối quan hệ nuôi dưỡng giữa mẹ Nức và liệt sĩ Cạp tồn tại hàng chục năm trời, người làng, trong họ ai nấy đều biết và xác nhận. Rõ ràng liệt sĩ Cạp khi về làm con nuôi mẹ Nức đã được chuyển họ và tên đệm từ nhà đẻ sang nhà nuôi, từ họ “Nguyễn Ngọc” sang họ “Chu Đình”. Rõ ràng giấy báo tử, Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ đều mang tên Chu Đình Cạp và được gửi cho gia đình bố mẹ nuôi. Và rõ ràng, có việc thờ cúng suốt 22 năm, sau khi liệt sĩ hy sinh ở bên nhà cha mẹ nuôi.
Chừng ấy căn cứ, là mối quan hệ có thật, nhiều lần gửi đi, gửi lại; làm tờ trình đi, tờ trình lại, từ cấp xã tới tới cấp tỉnh song theo quy định vẫn “không đủ căn cứ pháp lý”, việc liệt sĩ Chu Đình Cạp là con nuôi mẹ Dương Thị Nức vẫn khó xác định theo pháp luật.
Bằng Tổ quốc ghi công, Huân chương Chiến thắng của liệt sĩ Chu Đình Cạp, Chu Đình Thế.
Hành trình gian nan, thậm chí nhiều lúc bế tắc trong việc tìm kiếm thông tin truy tặng danh hiệu Anh hùng của mẹ Nức cứ thế kéo dài.
Cán bộ chính xách xã Hương Gián thăm hỏi, trò chuyện với gia đình mẹ Nức.
Ý kiến bạn đọc (0)