Sức sống ở làng kháng chiến kiểu mẫu
Nhớ rừng Lai, ngòi Ảm, vòng Lịm...
Làng Ảm cách TP Bắc Giang không xa, lại là cửa ngõ thông thương của thị trấn Nham Biền - trung tâm huyện Yên Dũng. Người dân nơi đây còn gọi là làng Ảm Dài bởi từ đầu làng đến cuối làng dài tận 2 km, có 36 ngõ như cài răng lược, ngõ này cách ngõ kia một cái ao. Đầu làng là khu rừng Lai (còn gọi là đầu rừng) - cửa ngõ vào làng.
Cụ Thân Văn Mẹo (bên trái) kể về làng kháng chiến xưa. |
Rừng Lai có vị trí đặc biệt, là nơi giáp ranh giữa 3 xã: Tiền Phong, Song Khê, Nội Hoàng. Khu này ngày xưa cây cối rậm rạp, là nơi du kích thường tập kết để chống càn. Nhiều nhất là tre, tre mọc ken dày để cản bước lính Tây, là nơi du kích ém quân chống càn; tre ngăn làng rào cổng, tạo điều kiện cho quân ta đánh du kích; tre cũng là nguyên liệu để bà con vót chông, gia cố hầm hào chiến đấu; tre được bà con gửi đi cắm kè, cắm cọc chống quân địch nhảy dù ở Bến Đám.
Phía sau làng là con ngòi Ảm đầy vơi theo con nước, nối giữa sông Cầu với sông Thương, có bến thuyền nhộn nhịp, là tuyến giao thông đường thủy quan trọng, vừa giao thương hàng hóa vừa để du kích bí mật lặn ngụp, tiếp cận các vị trí cần thiết.
Khi xây dựng làng chiến đấu, quân và dân Ảm Trứ đã đào giao thông hào ngay sát con ngòi này, bên dưới những lũy tre. Phía trên con ngòi là vòng Lịm đi sang làng tề (làng bị chiếm đóng). Với vị trí địa lý như vậy nên những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, làng Ảm được chọn xây dựng làng kháng chiến kiểu mẫu.
Ở tuổi 100 tròn, cụ Thân Văn Mẹo hiện là người cao tuổi nhất làng. Trong câu chuyện kể về những ngày nhân dân làng Ảm đứng lên chống giặc Pháp, cụ bảo: Ngày ấy, nhân dân ai cũng hừng hực khí thế, tích cực đào hầm bí mật, giao thông hào và ụ tác chiến. Vừa nói cụ vừa lấy ra mấy tờ giấy đã ngả vàng cùng những dòng chữ do chính cụ viết tay mấy chục năm trước.
“Tháng 6/1945, Đội tự vệ làng Ảm được thành lập gồm 32 người. Vũ khí của đội gồm 2 khẩu súng trường, trong đó 1 khẩu dân góp tiền mua; một khẩu do người dân bí mật lấy được của địch. Ngay sau khi thành lập, Đội tự vệ làng đã phối hợp phá kho thóc, lấy về hơn 10 tấn chia cho nông dân trong làng. Cùng đó, Đội cử một số anh chị em mặc áo tơi, bên trong có giấu vũ khí, giả làm người đi cắt cỏ, bắt cua để trinh sát”, ông Mẹo nói.
Bên cạnh thành lập Đội tự vệ, tháng 7/1945, làng thành lập đội du kích gồm 40 người cả thanh niên, phụ lão và một Đội lão du kích gồm 12 người có nhiệm vụ vận động nhân dân xây dựng, củng cố làng kháng chiến và tham gia chiến đấu; thăm hỏi, nuôi bộ đội khi về đóng quân tại làng.
Thôn xóm đều được rào kín, có giao thông hào bao quanh và dân quân du kích thường xuyên canh gác ngày đêm, kiểm soát người lạ mặt, giữ gìn trật tự an ninh trong nhân dân. Khi nghe kẻng thì du kích ở lại làng, đồng thời báo động cho dân làng chạy đi sơ tán ở các làng ven núi Phượng Hoàng. Nhiều nhà lớn của nhân dân và những công trình công cộng như đình, chùa, đường xá, cầu cống bị triệt phá để tiêu thổ kháng chiến, làm chậm bước tiến công của quân địch, không cho chúng có nơi ẩn nấp.
Lực lượng dân quân du kích Ảm Trứ luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, cùng nhân dân thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến. Ảm Trứ được tỉnh đánh giá là một làng kháng chiến kiểu mẫu. Năm 2003, xã Tiền Phong được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp”.
Nông thôn mới hôm nay
Cách mạng Tháng Tám thành công, từ thành thị đến nông thôn đã có bao bước chuyển vượt bậc, đổi thay. Làng Ảm Trứ cũng vậy, dấu tích của một thời trường kỳ kháng chiến nay đã phai mờ dần theo thời gian. Trên mảnh đất ghi dấu những địa danh, di tích xưa nay đã mọc lên trường học, xưởng máy. Con đường độc đạo xưa kia tre mọc ken dày bao bọc cho làng kháng chiến giờ được mở rộng, bê tông chạy đến cuối làng, hai bên san sát nhà cao tầng, cửa hàng, cửa hiệu.
Nông thôn mới Ảm Trứ hôm nay. |
Làng Ảm Trứ giờ đây chia thành hai thôn, từ đầu rừng Lai đến giữa làng mang tên Quyết Tiến; nửa còn lại có tên Thành Công. Theo ông Nguyễn Hữu Lâm, Trưởng thôn Quyết Tiến, cả thôn có 442 hộ với gần 2.000 nhân khẩu. Nông nghiệp trước kia mang lại thu nhập chính thì giờ đây lại là thứ yếu. Hộ nào cũng có người buôn bán hoặc làm công nhân trong các công ty, xưởng máy. Cả thôn còn 7 hộ nghèo đều là những hộ đơn thân, đau ốm, bệnh tật.
Trên địa bàn thôn có khoảng 1.000 công nhân thuê trọ, nhiều gia đình xây nhà ở cho công nhân thuê, thu nhập cả chục triệu đồng mỗi tháng. Ông Nguyễn Văn Tích, một người dân trong thôn có 3 ki-ốt cho thuê để mở cửa hàng làm đẹp, bán trà sữa và hàng chục phòng trọ, thu nhập mỗi tháng cả chục triệu đồng phấn chấn: “Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân làng Ảm Trứ giờ khá lắm rồi. Giao thông đi lại thuận lợi, người dân năng động với kinh tế thị trường”.
Chiến tranh đã lùi xa, trên quê hương Ảm Trứ dấu vết của một thời đau thương không còn nữa, thay vào đó là bức tranh tươi vui với những gam màu sáng. Làng xóm yên vui, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được cải thiện, nâng cao. |
Triển khai xây dựng xã nông thôn mới (đạt chuẩn năm 2020), thôn hoàn thành Nhà văn hóa rộng hơn 2.200 m2, kinh phí hơn 2,35 tỷ đồng do nhà nước và nhân dân cùng xây dựng.
Thôn vừa thành lập CLB quan họ Bắc sông Thương. Các CLB cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền hơi, dưỡng sinh... cũng thường xuyên luyện tập, giao lưu, thi đấu tạo không khí vui tươi, phấn chấn trong nhân dân.
Chiến tranh đã lùi xa, trên quê hương Ảm Trứ dấu vết của một thời đau thương không còn nữa, thay vào đó là bức tranh tươi vui với những gam màu sáng. Làng xóm yên vui, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Tôi nhẩm đếm những ngôi nhà đẹp, những cửa hàng, cửa hiệu ở Ảm Trứ, những sinh hoạt văn hóa, văn nghệ thể thao hằng ngày thấy tràn sức sống của một làng quê đang trên đường đổi mới. Sức sống đó đã và đang được tiếp thêm bởi truyền thống cách mạng, từ lịch sử quê hương Tiền Phong anh hùng.
Bài, ảnh: Tuấn Minh
Ý kiến bạn đọc (0)