Phát huy giá trị lịch sử và tiềm năng văn hóa du lịch
Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng tọa lạc trên dãy núi Nham Biền. |
Giá trị bền vững
Từ xa xưa, Yên Dũng đã mang nhiều nét văn hóa đặc thù, có tính liên vùng tạo nên mối đan xen, hòa đồng với nhau. Toàn huyện có hơn 270 di tích, trong đó có hơn 70 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 4 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 2 di tích quốc gia đặc biệt (chùa Kem, xã Nham Sơn và chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên). Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm với hơn 3.000 bản khắc được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Như vậy, chỉ tính riêng chùa Vĩnh Nghiêm đã có tới ba điểm nhấn quan trọng đặc biệt về văn hóa, di sản mang tầm quốc gia. Nhiều ngôi chùa trên đất Yên Dũng từng là những danh lam cổ tự của dòng Thiền Trúc Lâm như: Chùa Nham Nguyệt (xã Tân Liễu); chùa Lao, chùa Tiên La (xã Đức Giang); đặc biệt là chùa Kem (xã Nham Sơn) được xây dựng từ thế kỷ thứ XV tọa lạc dưới chân núi Nham Biền huyền thoại, từng là nơi đồn trú, đóng binh của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám. Phía trước chùa, hướng tầm nhìn ra sông Cầu là hệ thống các đình, đền, chùa nổi tiếng. Bên cạnh chùa là khu Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng tọa lạc trên đỉnh dãy núi Nham Biền.
Yên Dũng được bao bọc bởi ba con sông (sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam) nhưng lại chia làm hai phần với các lằn ranh văn hóa tương xứng, đồng đều. Phía Đông Bắc có chùa Vĩnh Nghiêm và Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Tân An; khu Ba Tổng có chùa Kem và Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng.
Sân golf dịch vụ là một trong những điểm nhấn trong bức tranh văn hóa du lịch huyện Yên Dũng. |
Giải pháp bảo tồn, khai thác
Tuy là vùng đất không rộng lớn về diện tích nhưng Yên Dũng lại chứa đựng khá nhiều các trầm tích văn hóa, các di tích lịch sử cách mạng, có tầm ảnh hưởng lớn. Điều đó đặt ra vấn đề phải có cách tiếp cận, quan điểm tiếp cận linh hoạt, bảo đảm cho phương án bảo tồn giá trị văn hóa lịch sử, đồng thời khai thác kinh tế du lịch hiệu quả, phát huy tối đa ưu điểm nổi trội của địa phương và từng di tích. Để làm được điều này, huyện Yên Dũng phối hợp với các cấp, ngành, các doanh nghiệp từ T.Ư đến địa phương phát huy thế mạnh, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch, giá trị văn hóa ra ngoài không gian của quốc gia, khu vực. Kết hợp nhiều nguồn lực để tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị vốn đang nằm sâu trong tiềm thức của không gian văn hóa đặc trưng vùng Yên Dũng.
Nhằm kết hợp giữa bảo tồn, lưu giữ, khai thác và phát huy giá trị văn hóa du lịch tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng ở Yên Dũng, hàng loạt các công trình được xây dựng và đi vào hoạt động, phục vụ công tác nghiên cứu tư liệu lịch sử, nhu cầu sinh hoạt tâm linh, nghỉ dưỡng của du khách và nhân dân địa phương. Có thể kể đến Nhà lưu giữ mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm; Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng, sân golf và dịch vụ Yên Dũng, các khu đô thị Lạc Phú, GWIN… bảo đảm cho khả năng gắn kết di sản với phát triển kinh tế văn hóa du lịch. Đồng thời, phục dựng, mở rộng khai thác sản phẩm làng nghề truyền thống của địa phương, phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa văn nghệ như: Nghe hát chèo, chuyện kể dân gian từ những làng cười truyền thống; sinh hoạt ẩm thực từ sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như: Tương Trí Yên, bánh đa Cảnh Thụy, kẹo bỏng Tư Mại, cua da, gạo thơm Yên Dũng. Tham quan, chiêm ngưỡng sản phẩm làng nghề thủ công mỹ nghệ như: Mộc Lãng Sơn, mây tre đan Tiến Dũng, gốm làng Ngòi (Tư Mại)… Những sản phẩm này trở thành nét đặc trưng, đồng thời là món quà ý nghĩa của mỗi du khách khi đến vùng đất này. Năm 2017, ước tính có gần 200.000 lượt khách đến Yên Dũng tham quan (khách quốc tế hơn 4.000 người). Đặc biệt, những tháng đầu năm 2018 lượng khách tương đương của cả năm qua.
Có thể thấy tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, du lịch, cơ sở hạ tầng, môi trường tự nhiên và xã hội ở huyện là các bộ phận cấu thành tổng thể tạo nên diện mạo đồng bộ mới cho các giá trị văn hóa lịch sử bền vững ở vùng đất này. Với những thế mạnh ấy, tương lai gần, Yên Dũng hứa hẹn sẽ là điểm nhấn quan trọng phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ gắn với phát triển không gian văn hóa của tỉnh Bắc Giang.
Trương Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng
Ý kiến bạn đọc (0)