Đội lão du kích, tiếng thơm còn truyền
Những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng, người dân xã Cảnh Thụy vùng lên đánh giặc với khí thế như nước vỡ bờ. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, giặc Pháp trở lại chiếm nhiều vùng của tỉnh, chúng thực hiện chính sách xây bốt lập tề, bắt lính, khủng bố phong trào cách mạng.
Cụ Hoàng Minh kể về sự hy sinh của 7 lão du kích. |
Hầu hết làng mạc ở xã Cảnh Thụy nói riêng, huyện Yên Dũng nói chung đều bị chúng bắt thành lập Đội cảm tử quân, lính hương dũng… Không ai trong thôn, trong xã chịu đi lính cho Pháp. Thực hiện đường lối “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc” của Đảng, cùng với xây dựng lực lượng kháng chiến, xã đã chú trọng xây dựng căn cứ hậu phương vững mạnh. Các gia đình đều động viên con cháu tham gia bộ đội, du kích để diệt ác trừ gian.
Tháng 7/1947, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chi bộ Đảng và lòng nhiệt tình cách mạng, Đội lão du kích xã Cảnh Thụy được thành lập với 37 thành viên ở 8 thôn do đồng chí Ong Văn Ân làm Trung đội trưởng, hai anh em ruột Trần Đức Vẻ, Trần Đức Phang làm Trung đội phó, ông Vũ Văn Đương làm cố vấn quân sự trực tiếp chỉ huy. Xã đã bán 2 mẫu ruộng công điền, mua 12 khẩu súng, rèn 12 giáo mác trang bị cho đội du kích và tự vệ, sẵn sàng chiến đấu khi giặc đến càn quét.
Sáng 24/11/1947, quân Pháp ồ ạt tiến vào xã Cảnh Thụy với quân đông, hỏa lực mạnh. Biết địch sẽ càn qua xã nên Ủy ban kháng chiến hành chính, Đội tự vệ, du kích xã đã chuẩn bị tinh thần đón đầu. Trước khi địch càn quét vào làng, Trung đội Lão du kích đã tổ chức ăn thề với quyết tâm tiêu diệt địch đến cùng. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt.
Các cụ ấy đã hy sinh, nhưng lòng yêu nước, chí quật cường, tinh thần dũng cảm của các cụ sẽ ở trong lòng tất cả đồng bào, tất cả mọi người du kích. Và tiếng thơm của các cụ sẽ giai truyền với non sông của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thống nhất và độc lập”. Trích thư của Bác Hồ. |
Đội lão du kích tuy chỉ có giáo mác, mã tấu song đã kiên cường, anh dũng chiến đấu, giành giật từng mái nhà, ngõ xóm trong suốt 4 giờ liền. Tuy nhiên, do lực lượng hai bên quá chênh lệch nên lực lượng ta không thể cản bước của chúng. Giặc đã đốt phá, cướp bóc và tàn sát dã man 70 người dân vô tội, trong đó có 7 lão du kích bạch đầu quân đã anh dũng hy sinh.
Tinh thần chiến đấu dũng cảm của các phụ lão du kích xã Cảnh Thụy đã được Bác Hồ biểu dương trong bức thư đề ngày 5/5/1948. Bác viết: “Thư gửi đội lão du kích huyện Yên Dũng, Bắc Giang (5-5-1948)!
Tôi kính cẩn thay mặt Chính phủ nghiêng mình trước anh linh những vị lão du kích đã hy sinh vì nước là các cụ: Vũ Văn Dân, 73 tuổi; Văn An, 67 tuổi; Khắc Vỡm, 63 tuổi; Trần Đức Ve, 58 tuổi; Hoàng Văn Đan, 55 tuổi; Hoàng Hữu Thọ, 50 tuổi; Trần Đức Phương, 50 tuổi.
Các cụ ấy tuy tuổi già tóc bạc, nhưng vẫn hăng hái giết giặc, hy sinh cho Tổ quốc. Các cụ ấy thật xứng đáng với bô lão đời Trần. Tổ tiên ta đời Trần, vì già trẻ một lòng trường kỳ kháng chiến, mà đánh tan giặc Nguyên. Nay chúng ta cũng già trẻ một lòng, trường kỳ kháng chiến, chúng ta nhất định sẽ đánh tan giặc Pháp.
Các cụ ấy đã nêu cao gương oanh liệt. Toàn thể dân quân du kích cả nước phải noi gương anh dũng ấy, mà thi đua nhau giết cho nhiều địch, cướp cho nhiều súng. Giặc đi đến đâu cũng bị dân quân du kích chặn đánh, phá hoại, khuấy rối, tiêu diệt chúng từng tốp nhỏ đến nhóm to. Như thế thì trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi.
Các cụ ấy đã hy sinh, nhưng lòng yêu nước, chí quật cường, tinh thần dũng cảm của các cụ sẽ ở trong lòng tất cả đồng bào, tất cả mọi người du kích. Và tiếng thơm của các cụ sẽ giai truyền với non sông của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thống nhất và độc lập”.
Nội dung thư khen của Bác Hồ đã được cấp ủy, Mặt trận Việt Minh, Liên Việt, chính quyền các tổ chức học tập, tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân và lực lượng vũ trang. Tinh thần chiến đấu anh dũng ấy đã lan tỏa đến các lực lượng khác trong đó có phong trào toàn dân tòng quân giết giặc cứu nước, thi đua giúp đỡ bộ đội, đỡ đầu du kích.
Đầu năm 1949, nhân dân xã Cảnh Thụy thực hiện phương châm “vườn không nhà trống” để cản bước quân thù. Ở các làng tiến hành đào hầm bí mật, đào giao thông hào liên thôn, liên xóm... sẵn sàng chiến đấu. Người dân đốt kho gạo không để rơi vào tay giặc; phá nhà cửa, công sở, dinh thự, không để cho địch có thể ở hoặc đóng quân.
Nhiều năm làm Hiệu trưởng Trường THPT Yên Dũng số 1, thầy giáo Hoàng Minh (SN 1938), 60 năm tuổi Đảng ở thôn Dưới có điều kiện nghiên cứu, sưu tầm tư liệu về sự hy sinh của 7 cụ. Cụ Minh cho biết, khu đất gia đình đang ở là một phần của địa đạo điếm Chợ. Đây là nơi hội tụ những chàng trai to khỏe đua tài trong những dịp lễ hội xuân.
Những lão nông sau những ngày cuốc bẫm cày sâu trở về làng vận lên mình tấm áo the, đội khăn xếp, đôi tay chắc nịch cầm nhịp tiếng trống vật, trống chèo. Điếm Chợ cũng là nơi hội tụ dân làng bàn việc làng, việc nước; chiều đến đón khách 4 phương tụ về bàn chuyện làm ăn, buôn bán. Điếm Chợ xã trở thành khu hầm địa đạo kiên cố của du kích và bộ đội địa phương.
Chính nơi này, khi biết tin giặc sẽ đến Điếm Chợ rồi tràn vào làng cướp bóc của cải, giết hại dân làng, các cụ đã bừng bừng khí thế, chân đất, cầm giáo mác mai phục ở cả những bụi tre, không để cho chúng vào sâu trong làng. Nhưng vì chênh lệch lực lượng, 7 cụ đã chiến đấu và hy sinh anh dũng.
Ông Nguyễn Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Cảnh Thụy cho biết: 7 lão du kích hy sinh đó đều xuất thân từ những người công dân yêu nước bị áp bức, các cụ đều có vợ, có con; hiện đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã. Địa phương đang xúc tiến xây dựng Nhà lưu giữ bức thư Bác Hồ gửi cho Đội lão du kích Yên Dũng, kinh phí từ nguồn ngân sách xã và xã hội hóa, ước hơn 1 tỷ đồng.
Mỗi độ Tết đến xuân về, hay vào những ngày kỷ niệm Thương binh - liệt sĩ, trên tấm bia của 7 lão du kích đều nghi ngút khói hương của người thân, của bà con làng xã. Người dân đều dành sự ngưỡng mộ, kính trọng các cụ lão du kích như những người anh hùng đã yên nghỉ cho nước nhà độc lập, quê hương nở hoa.
Bài, ảnh: Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)