Nghĩa tình gửi lại mai sau
BẮC GIANG - Tôi trở lại Vịnh Chèo, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) lần này để gặp Đại tá Đỗ Hà Thái, người con của quê hương Khả Lý Thượng, xã Quảng Minh (Việt Yên) rời quê hương vào Nam chiến đấu từ năm 1967, nguyên cán bộ Phòng Tuyên huấn, Trưởng Ban Quân lực Đoàn 6 Pháo binh Quân giải phóng miền Nam, nay là Lữ đoàn Pháo binh 6 (Quân khu 9), người lính một đời luôn nghĩ và làm vì đồng đội. Lý do là anh gọi điện mời tôi vào thăm công trình “Nghĩa tình gửi lại mai sau”.
Từ cuốn nhật ký Vũ Xuân
Để đồng đội yên nghỉ 6 năm tại rừng tràm chiến trường xưa, thực hiện lời hứa khi còn chiến đấu bên nhau, Đại tá Đỗ Hà Thái một mình đưa hài cốt bạn chiến đấu về quê nhà Thái Nguyên và lưu giữ cuốn nhật ký chiến tranh… Từ năm 2005 trở lại đây, độc giả, khán thính giả được biết tới một cuốn nhật ký (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân in và phát hành) chiến tranh đặc sắc mà người viết nó là một cán bộ quân đội từng trải tên là Vũ Xuân, Chính trị viên Tiểu đoàn 2311 thuộc Đoàn 6 Pháo binh Quân giải phóng miền Nam.
Cựu chiến binh Đỗ Hà Thái (trái) bên công trình tri ân đồng đội tại Vịnh Chèo. |
Cuốn nhật ký và nhân cách tác giả đã làm thổn thức và lay động tình cảm của nhiều người khi được những người làm báo ở tỉnh Thái Nguyên, quê hương Vũ Xuân, kể lại bằng hàng loạt bài báo và bộ phim ký sự tài liệu khởi đầu 8 tập, theo sát hành trình 11 năm hành quân và chiến đấu mà liệt sĩ Vũ Xuân đã lưu bút. Cũng đồng thời qua đây kể lại những năm tháng gian khổ, sự hy sinh lớn lao mà vô cùng anh dũng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, các đài địa phương đã phát nhiều lần bộ phim này.
Thời điểm đó, trước sự hy sinh của anh Xuân, thành tích to lớn của Đoàn 6 Pháo binh và Tiểu đoàn 2311, nhiều người đều có chung suy nghĩ: Sao Đoàn Pháo binh và Vũ Xuân lại chưa được phong tặng danh hiệu Anh hùng? Anh Đỗ Hà Thái nhấn mạnh: Vậy là chúng ta còn phải đi. Còn tôi - tác giả chính của bộ phim thì cho rằng phim còn phải làm tiếp vài tập… Anh Thái quê ở Bắc Giang, vợ con quê Hậu Giang, sống ở TP Cần Thơ, vì muốn tìm thêm tư liệu về liệt sĩ Vũ Xuân nên đã ra vào Bắc - Nam liên tục, lúc tìm đồng đội, xin tư liệu, chữ ký, lúc tham dự hội thảo, tọa đàm…
Đến danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang
Phần do trái tim thôi thúc, phần thương anh Thái vất vả dặm trường, chúng tôi lại cùng anh đi tiếp để tìm tư liệu vinh danh liệt sĩ Vũ Xuân. Được sự giúp đỡ và động viên của Tổng Biên tập Báo Kiên Giang, sau này là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang Đặng Tuyết Em, chúng tôi đi gặp anh Phan Tiếp Yến, Đại đội trưởng Đại đội 3 (lúc đó anh Xuân là Chính trị viên Đại đội) ở Rạch Giá; gặp anh Tỵ ở Ninh Bình, anh Thịnh ở Thanh Hóa, Tướng nghỉ hưu Tư Niên ở Trà Nóc (TP Cần Thơ). Rồi chúng tôi làm việc với các anh: Phạm Ngọc Soa, Phạm Xuân Thọ, Trịnh Văn Khắp ở Đoàn 6 Pháo binh; các cơ quan của Quân khu để có thêm tiếng nói. Tôi cũng được mời tham gia vài cuộc bỏ phiếu đề nghị tôn vinh liệt sĩ Vũ Xuân…
Cựu chiến binh Đỗ Hà Thái (bên phải) và tác giả bên bia công đức tri ân đồng đội tại Vịnh Chèo. |
Khi khai thác tư liệu tại Đoàn 6 Pháo binh, chúng tôi choáng ngợp trước những con số: Thành lập năm 1963, tính đến ngày giải phóng miền Nam năm 1975, đơn vị đã đánh 3.791 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 23.959 tên địch (trong đó có 922 tên Mỹ); bắn rơi 1.796 máy bay, phá hủy 319 khẩu pháo… Vậy mà cho đến thời điểm ấy chỉ có đồng chí Phan Công Nam (từ đơn vị khác chuyển về) là được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.
Những nỗ lực của chúng tôi cuối cùng cũng có kết quả: Ngày 29/4/2015, tôi và anh Đỗ Hà Thái được Đoàn 6 Pháo binh mời về TP Long Xuyên (An Giang) dự Lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho liệt sĩ Vũ Xuân. Vậy là sau gần 10 năm cuốn nhật ký được công bố và hành trình tiếp theo của đồng đội, niềm vui đã đến khá trọn vẹn. Anh Đỗ Hà Thái chuyển lại cho gia đình những kỷ vật cuối cùng của anh Xuân. Riêng tôi hiểu đến lúc này anh đã thực hiện trọn vẹn lời thề thứ 7 - lời thề đồng đội…
Và mười năm để có “Nghĩa tình gửi lại mai sau”
Tôi vào Hậu Giang nửa năm sau Lễ khánh thành Khu tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Đoàn 6 Pháo binh được xây dựng trên trận địa Vịnh Chèo xưa. Thành lập tháng 11/1963, thành tích Anh hùng của đơn vị vang dội nhưng cũng có 392 cán bộ, chiến sĩ người của nhiều tỉnh, thành hy sinh trên các chiến trường, trong đó có trận Vịnh Chèo ở ấp 6, xã Vĩnh Thuận Tây, là nơi 51 chiến sĩ Đoàn 6 Pháo binh đã anh dũng hy sinh trong trận huyết chiến ngày 20/12/1974.
Hôm nay bên hương án các liệt sĩ cùng đơn vị, nước mắt người lính già lại tiếp tục rơi. Anh cứ để giọt nước mắt từ từ chảy, bày tỏ: Ước nguyện cuối cùng của tôi và đồng đội đã hoàn thành rồi. Nghĩa tình gửi lại đời sau của chúng tôi đã thành hiện thực. |
Dẫn tôi đi tham quan một vòng khu tưởng niệm, Đại tá Đỗ Hà Thái kể câu chuyện về 51 đồng đội của anh đã hy sinh tại đây và cơ duyên đưa anh về sinh sống, lập nghiệp tại vùng đất này. Tất cả vì một chữ duyên, vì tình nghĩa đồng đội và tình người xứ này. Anh bảo: Quê vợ ở huyện Long Mỹ, nên không biết bao lần tôi đi qua cánh đồng Vịnh Chèo. Những ký ức về đồng đội năm xưa từng sống và chiến đấu, từng hy sinh tại đây luôn thôi thúc tôi phải làm một cái gì đó để ghi nhớ công ơn của những người đã ngã xuống. Phía trước Khu tưởng niệm là con đường rộng, tấp nập xe cộ, người qua lại, xung quanh là đồng lúa xanh mướt, vườn cây ăn trái trĩu quả. Khu tưởng niệm như nhắc nhở với mọi người trên cánh đồng này có không ít người lính đã ngã xuống, để giữ màu xanh cho đất.
Kết nối được với những người lính pháo binh xưa ở mọi miền Tổ quốc, Đại tá Đỗ Hà Thái xin ý kiến của người chỉ huy năm xưa - Thiếu tướng Trần Văn Niên, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9, Trưởng Ban Liên lạc Đoàn 6 Pháo binh cùng nhiều đồng đội khác trên mọi miền Tổ quốc, bắt tay vận động để xây dựng công trình. Đồng cảm với các ông, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã cấp đất để xây dựng. Công trình khởi công vào ngày 1/10/2020 với kinh phí hơn 27 tỷ đồng. Trong đó, nhà sư Thích Tuệ Hải, Trụ trì chùa Long Hưng (Đồng Nai), tài trợ lớn cho công trình, tổ chức Lễ cầu siêu và giỗ tập thể cho những liệt sĩ là con em của 32 tỉnh, thành trong cả nước nằm lại với sông nước Cửu Long… Công trình hoàn thành, Đại tá Đỗ Hà Thái tình nguyện ở lại trông nom, hàng ngày nhang khói cho các liệt sĩ…
Hôm nay bên hương án các liệt sĩ cùng đơn vị, nước mắt người lính già lại tiếp tục rơi. Anh cứ để giọt nước mắt từ từ chảy, bày tỏ: Ước nguyện cuối cùng của tôi và đồng đội đã hoàn thành rồi. Nghĩa tình gửi lại đời sau của chúng tôi đã thành hiện thực.
Ý kiến bạn đọc (0)