Giữ tình làng, nghĩa xóm
Mới đây, mâu thuẫn nhiều năm giữa gia đình bà Trần Thị L và ông Tạ Văn Kh được thành viên tổ hòa giải cơ sở thôn Khả Lý Thượng, xã Quảng Minh hóa giải. Hai gia đình cuối ngõ và chung một lối đi. Sau khi sửa nhà của ông Kh, con đường bê tông phần nào xuống cấp. Lúc này, ông bàn với gia đình bà L cùng làm lại giúp việc đi lại đỡ bất tiện. Song vì không thể thống nhất được thời gian, phương án giải quyết nên hai gia đình thường xuyên đôi co, xích mích.
Thành viên tổ hòa giải thôn Khả Lý Thượng, xã Quảng Minh (Việt Yên) hoà giải thành nhiều vụ việc. |
Giữa tháng 9/2023, gia đình ông Kh tự làm lại nửa đường, chừa nửa phần còn lại bên gia đình hàng xóm. Con đường bên cao bên thấp thiếu thẩm mỹ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Nghe bà con cùng thôn phản ánh sự việc, tổ hòa giải thôn Khả Lý Thượng nhanh chóng họp bàn để thuyết phục, vận động. Qua nắm bắt tình hình, tổ đã giao cho ông Tạ Thanh Tuấn, Trưởng ban Mặt trận khu dân cư đứng ra phân tích lý lẽ, thiệt hơn.
Qua nhiều lần ông Tuấn đến gặp gỡ, trao đổi, bà L và ông Kh đã thống nhất phương án, mâu thuẫn dần được tháo gỡ. Ông Trần Văn Tấn, Tổ trưởng tổ hòa giải, Trưởng thôn cho biết: “Tùy từng vụ việc, dựa vào tính chất, mức độ, chúng tôi lựa chọn thành viên đứng ra phân tích thiệt hơn. Bên nào cũng được lắng nghe, chia sẻ, quyền lợi và trách nhiệm của các bên ngang bằng nhau, không bên nào hơn bên nào”.
Để hòa giải một vụ việc cần nhiều thời gian, công sức, vì thế, các thành viên tổ hòa giải thôn gặp gỡ những người liên quan không chỉ một lần mà còn nhiều lần vào thời điểm khác nhau. Bà Nguyễn Thị Đăng, Bí thư Chi bộ, thành viên của tổ thông tin, vài năm gần đây, xã Quảng Minh là địa bàn triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng nên phát sinh nhiều vụ việc yêu cầu tổ phải tích cực vào cuộc. Trong đó có những vụ mâu thuẫn, tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân, hộ với hộ hay giữa hộ dân với doanh nghiệp… Trong buổi họp, hay khi nghỉ ngơi, hóng mát ở đầu làng, người dân đều được thành viên tổ hòa giải giải đáp, tháo gỡ những khúc mắc. Bà con hiểu ra, hướng đến lợi ích chung để xóa bỏ mâu thuẫn.
Không riêng thôn Khả Lý Thượng, trên địa bàn huyện Việt Yên còn có nhiều tổ hòa giải cơ sở ở các thôn, tổ dân phố hoạt động tích cực. Đó là tổ hòa giải thôn Hà, xã Việt Tiến; tổ hòa giải thôn Phù Tài, xã Tiên Sơn; tổ hòa giải thôn Phúc Ninh, xã Ninh Sơn... Các tổ đã góp phần giải quyết nhiều vụ việc tranh chấp đất đai, xây dựng, hôn nhân - gia đình, góp phần giữ bình yên thôn xóm.
Công tác hòa giải ở cơ sở trở thành một biện pháp quan trọng để giải quyết tranh chấp trong đời sống xã hội. Ông Phạm Văn Tĩnh, Phó trưởng Phòng Phổ biến và Theo dõi thi hành pháp luật, Sở Tư pháp đánh giá huyện Việt Yên là địa phương có các tổ hòa giải cơ sở hoạt động hiệu quả. Các thành viên nắm chắc quy định của pháp luật, vận dụng hợp lý để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp. Qua đó đã góp phần ngăn ngừa những vụ việc có tính chất phức tạp, giảm các vụ việc, vụ án có yếu tố hình sự...
Hằng năm, UBND huyện đều ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải. Triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở, yêu cầu UBND cấp xã xây dựng kế hoạch thực hiện; củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật; tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền, hòa giải cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở. Riêng năm 2023, toàn huyện có gần 1 nghìn hòa giải viên được tập huấn nghiệp vụ, kiến thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp ở thôn, tổ dân phố.
Trao đổi với ông Đặng Khắc Lạng, Phó trưởng Phòng Tư pháp huyện được biết, Việt Yên hiện có 136 tổ hòa giải với 982 hòa giải viên; thành phần các tổ được kiện toàn đầy đủ với Trưởng ban Mặt trận khu dân cư, Trưởng thôn, Bí thư chi bộ, trưởng đoàn thể ở thôn, tổ dân phố. Tất cả các xã đã xây dựng mô hình điểm; chất lượng hòa giải viên được nâng cao. Tất cả hòa giải viên có trình độ từ THCS trở lên, trong đó: trình độ Đại học chiếm 21%; Trung cấp chiếm 22,5%; bậc THPT chiếm 40%... Từ năm 2014 đến nay, huyện đã tổ chức hòa giải hơn 1,3 nghìn trường hợp, trong đó tỷ lệ hòa giải thành đạt 88% trên tất cả các lĩnh vực, trong đó chủ yếu là tranh chấp đất đai, xây dựng, hôn nhân-gia đình.
Những mâu thuẫn, va chạm trong cuộc sống ban đầu đơn giản thế nhưng nếu không được quan tâm giải quyết kịp thời có thể nhanh chóng trở nên căng thẳng, phức tạp. Thậm chí đây có thể là nguyên nhân và điều kiện phát sinh các loại tội phạm như: Giết người, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản hoặc “điểm nóng” về khiếu kiện. Công tác hòa giải ở cơ sở sẽ giúp giải quyết kịp thời các vụ mâu thuẫn, ngăn ngừa mầm mống tội phạm.
Theo đồng chí Thân Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện, để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải, huyện tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác này. Bố trí kinh phí và các điều kiện cơ sở, vật chất hỗ trợ hoạt động hòa giải nhằm khơi dậy tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt tình của các hòa giải viên. Tiếp tục phổ biến, quán triệt Luật Hòa giải ở cơ sở đến nhân dân; củng cố, kiện toàn tổ hòa giải, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho các hòa giải viên.
Bài, ảnh: Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc (0)