Niềm vui nhân đôi
Đậm dấu ấn lịch sử - văn hóa-tâm linh
Chiến thắng Xương Giang năm 1427 đã chấm dứt 20 năm đô hộ của nhà Minh giúp cho đất nước Đại Việt thái bình, thịnh trị; mở ra thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc. Để ăn mừng chiến thắng, năm 1428, sau khi lên ngôi, vua Lê Lợi đã mở hội khao quân, úy lạo tướng sĩ, tuyên đọc “Đại cáo Bình Ngô”.
Các đoàn rước tham gia Lễ hội 596 năm Chiến thắng Xương Giang (1427-2023). Ảnh tư liệu. |
Trong niềm vui chung đó, ở Kinh Bắc (Bắc Đạo) có trị sở là thành Xương Giang cũng được hưởng lộc và tổ chức lễ hội lớn để cáo tế trời đất, ban phúc lộc cho nhân dân. Từ đó về sau, nhân dân vùng Xương Giang đều tổ chức lễ hội vào ngày 6 và 7 tháng Giêng. Đây cũng là dịp các làng cổ nơi đây tổ chức hội làng, khơi dậy niềm tự hào về chiến công này và làm lễ cầu siêu tại ngôi đền trong thành Xương Giang cho các anh hùng, nghĩa sĩ Lam Sơn tử trận.
Không gian lễ hội không chỉ diễn ra ở khu vực quanh thành Xương Giang như các làng: Thành, Vẽ, Hòa Yên (tên gọi cũ) mà còn trải khắp các phường khác ở TP Bắc Giang. Trung tâm khai hội hiện nay là khu di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Xương Giang. Nhiều năm nay, lễ hội được UBND TP Bắc Giang chủ trì tổ chức với quy mô lớn.
Ai đã từng dự hội sẽ không thể quên không gian linh thiêng, hào hùng và đậm sắc màu văn hóa truyền thống tại khu di tích đã được đầu tư xây dựng khang trang, đẹp đẽ. Từ sớm mùng 6 tháng Giêng, các phường, xã của TP lần lượt rước kiệu, lễ vật về đền Xương Giang làm lễ khai hội. Trải qua thời gian, nghi lễ rước kiệu vẫn được gìn giữ với sự tham gia của đông đảo người dân ở mọi lứa tuổi. Đó là các bô lão trong đội tế lễ, các vị trung niên, nam, nữ thanh niên khênh kiệu, cầm cờ quạt, bát bửu, trống chiêng, lọng. Từ những ngả đường, các đoàn rước tiến về đền với không khí náo nức, lực lượng hùng hậu gợi lại hào khí của chiến thắng Xương Giang năm xưa.
Mọi người tập trung tại sân đền thành kính hướng tâm, dự lễ tế và dâng hương Đức Thái Tổ, các anh hùng, nghĩa sĩ Lam Sơn. Tiếp theo là lễ phóng ngư, phóng điểu cầu mong bình an, mưa nắng thuận hòa, kinh tế phát triển. Chương trình khai hội bắt đầu với các hoạt động sôi nổi tại khu trung tâm di tích như: Hát quan họ, chèo, ca trù, trình diễn thư pháp, xem phim hoạt hình về lịch sử chiến thắng Xương Giang, chơi đu, kéo co, đi cầu kiều...
Ông Nguyễn Văn Yên, 85 tuổi ở tổ dân phố Nam Giang 1, phường Xương Giang đã nhiều năm tham gia đoàn rước. Ông kể: “Từ nhiều năm trước, khi khu di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Xương Giang chưa xây dựng, ngày hội hằng năm, tôi đi cùng đoàn rước từ đình làng Thành đến ngã ba tượng đài. Từ năm 2017, các hạng mục của khu di tích được đầu tư xây dựng, lễ rước diễn ra hoành tráng hơn. Đặc biệt, chương trình nghệ thuật sử thi tái hiện Chiến thắng Xương Giang với chủ đề “Hào khí Xương Giang - Muôn thuở lưu truyền” do các nghệ sĩ Nhà hát chèo Bắc Giang thể hiện rất ý nghĩa, giúp người dân hình dung được khí thế hào hùng của cuộc chiến năm đó”. Những ngày này, ông Yên đã chuẩn bị áo dài đỏ - trang phục dành cho các bậc cao niên 80 tuổi trở lên để mặc tham gia đoàn rước kiệu năm nay.
Vào dịp này, người dân phường Xương Giang và khu vực lân cận không chỉ hào hứng, phấn chấn đi dự hội quê hương mà còn tự hào, hãnh diện khi tại địa phương có lễ hội lớn, đậm dấu ấn lịch sử - văn hóa - tâm linh. Cùng với đông đảo khách thập phương, hầu hết người dân nơi này đều sắp xếp thời gian, công việc để tham gia khiến lễ hội thêm đông vui.
Sẵn sàng cho ngày khai hội
Với những ý nghĩa lịch sử, tháng 11/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ hội Xương Giang vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo ông Nguyễn Hữu Đính, Phó Chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban tổ chức lễ hội, đây là niềm vinh dự, tự hào cho nhân dân TP Bắc Giang. Xuân Giáp Thìn này, TP sẽ tổ chức Lễ hội 597 năm Chiến thắng Xương Giang và công bố quyết định đưa Lễ hội Xương Giang vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tối mùng 5 Tháng Giêng, sớm hơn ngày khai hội mọi năm một ngày.
CLB Trống hội Xương Giang (phường Xương Giang) tập luyện cho ngày khai hội. |
Không gian tổ chức buổi tối sẽ lung linh hơn. Mặt khác, tạo điều kiện cho đông đảo nhân dân TP và du khách thập phương tham dự buổi lễ trước khi bắt đầu ngày làm việc đầu tiên của năm Giáp Thìn 2024. Sáng mùng 6 sẽ tổ chức lễ rước, thỉnh chuông, các hoạt động của phần hội. Được biết, năm nay, thay vì chương trình nghệ thuật sử thi như những năm trước là chương trình nghệ thuật đặc sắc với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.
Theo Ban tổ chức lễ hội, thời điểm này, công tác chuẩn bị cơ bản hoàn tất, bảo đảm kế hoạch. Trong đó đã hoàn thành xây dựng không gian chợ quê tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Xương Giang để trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng của TP. Năm nay, lễ hội có 14 đoàn rước của các phường, xã với hàng trăm thành viên mỗi đoàn. Hiện các địa phương đã chọn xong đội hình và tập luyện. Gần 1 tháng nay, mỗi buổi sớm, các thành viên CLB Trống hội Xương Giang tích cực tập luyện. Buổi tối, đội lân sư rồng tranh thủ ôn luyện kỹ thuật để bảo đảm trình diễn đẹp mắt trong ngày khai hội.
Là địa bàn có di tích đứng chân, ông Nguyễn Mạnh Chung, Phó Chủ tịch UBND phường Xương Giang cho biết: Phường đã xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trên địa bàn, phân công lực lượng trông giữ phương tiện giao thông của đại biểu, nhân dân đi trẩy hội. Tại các tổ dân phố Chùa Thành, Vẽ đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị tổ chức hội làng góp phần làm cho không gian Lễ hội Xương Giang đậm sắc màu.
Trên những nẻo đường TP ngập tràn sắc xuân. Trong niềm háo hức chờ đón năm mới, người dân địa phương và nhiều du khách mong đến ngày đầu xuân đi trẩy hội Xương Giang, thành kính dâng hương tưởng nhớ anh linh, công ơn ông cha, lắng nghe hào khí Xương Giang vọng về và cùng ước nguyện an bình, thịnh vượng .
Bài, ảnh: Lệ Thanh - Hoài Thu
Ý kiến bạn đọc (0)