Nghị lực phi thường của thầy giáo thương binh
Ký ức không quên
Ngôi nhà có ba thế hệ nhà giáo của thương binh Nguyễn Mạnh Hiền nằm gần quốc lộ 31. Trong câu chuyện về khói lửa chiến tranh chống Mỹ, hoài niệm về vùng đất thép Quảng Trị những năm 1971- 1972 khiến ông lặng đi vì xúc động. Ký ức về đồng đội, về những thời khắc lịch sử ông được chứng kiến và kể lại giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về sự hy sinh, mất mát của cha anh trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Thương binh Nguyễn Mạnh Hiền dạy các cháu học tiếng Anh. |
Vốn là học sinh xuất sắc, mong muốn được tiếp nối nghề dạy học của cha, năm 1970, cậu học trò Nguyễn Mạnh Hiền thi đỗ vào Khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Lúc này, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn khốc liệt, nhiều sinh viên tạm "gác bút nghiên lên đường ra trận". Ông Hiền và hai người bạn cùng khoa đã xung phong “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, trở thành lính pháo binh trên chiến trường Quảng Trị.
Mỗi trận đánh với muôn vàn gian khổ đã tôi luyện cho những người lính như ông tinh thần thép. Dưới làn mưa bom bão đạn, một ngày tháng 5/1971, chiến sĩ Nguyễn Mạnh Hiền bị nhiều mảnh đạn găm vào nửa đầu bên phải và cánh tay trái rồi ngất lịm, khi tỉnh dậy, khuôn mặt hoàn toàn biến dạng, cánh tay không thể cử động như bình thường. Đau đớn lắm nhưng ông nghĩ mình còn sống đã là may mắn hơn nhiều đồng đội bởi trong trận đánh này, hai người bạn cùng Khoa Tiếng Anh với ông mãi mãi nằm lại chiến trường.
Trở thành thương binh khi đang ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời song ước mơ dạy học vẫn cháy bỏng, ông được điều trở lại trường đại học tiếp tục học tập. Mảnh đạn ở đầu tạo nên những cơn đau dữ dội nhưng ông đã nỗ lực vừa rèn luyện sức khỏe, vừa vươn lên để hoàn thành khóa học.
Điều hạnh phúc với ông là dù thương tật mất 41% sức khỏe nhưng người bạn gái ở cùng thôn Núm hẹn ước từ trước ngày nhập ngũ vẫn một mực yêu thương và hai người nên duyên vào năm 1974. Chiến tranh vẫn diễn ra ác liệt ở các tỉnh miền Nam, gần kết thúc năm học thứ 4, ông một lần nữa nhận nhiệm vụ lên đường làm phiên dịch cho quân đội ta tại Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh) trong thời điểm cận kề ngày miền Nam được giải phóng (4/1975).
Tâm huyết với nghề dạy học
Sau ngày thống nhất đất nước, ông Hiền trở về dạy học tại Trường THPT Quế Võ (khi đó thuộc tỉnh Hà Bắc). Hồi đó, đời sống giáo viên thiếu thốn, sách ngoại ngữ hiếm nhưng thầy giáo Hiền vẫn luôn trích một phần lương mua sách vở, giấy bút tặng các em hoàn cảnh khó khăn, con em gia đình thương binh, liệt sĩ. Không có sách tham khảo, thầy miệt mài tự soạn những bài tập tiếng Anh để bồi dưỡng kiến thức cho học sinh.
Sau 4 năm gắn bó với học sinh miền quê ven sông Cầu, thầy giáo Hiền được điều về giảng dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm Ngô Gia Tự Bắc Giang. Niềm vui lớn của bao thế hệ sinh viên nhà trường là được nghe thầy giảng bài. Giờ học không đơn thuần là học ngôn ngữ mới mà mỗi học trò còn được thầy truyền dạy kiến thức mở rộng về văn hóa, lịch sử và hơn hết là học để làm người có ích cho xã hội. Do sinh viên chủ yếu từ các huyện xa ở nội trú trong ký túc xá.
Nhiều khi các em đau ốm, thầy lại cùng ban cán sự lớp đưa đến trạm xá nhà trường hoặc về TP Bắc Giang khám, chữa bệnh. Không chỉ là giáo viên giỏi, Phó trưởng Khoa Tiếng Anh, thầy giáo Hiền là tấm gương sáng về đức hy sinh, tinh thần vượt khó, lối sống giản dị, khiêm nhường.
Nhiều lần đi khám sức khỏe, thầy mong muốn được gắp những mảnh đạn trên thân thể nhưng đều bất lực bởi chúng nằm ở những vị trí nguy hiểm đến tính mạng. Những vết thương ấy vẫn ngày đêm âm ỉ hành hạ người thầy giáo thương binh. Năm 2007, trong lúc đang soạn bài, ông bỗng gục ngã bất tỉnh. Dù được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng thầy vẫn bị liệt nửa người bên phải và phải chia tay giảng đường từ đó.
Sức khỏe tiến triển dần nhờ bền bỉ luyện tập nhưng thầy Hiền vẫn không tự di chuyển được mà phải nhờ vào nạng gỗ, xe lăn. Vừa để luyện tay vừa không ngừng tìm hiểu kiến thức, thầy Hiền vẫn mang những cuốn sách ngoại văn ra đọc và tổng hợp, ghi chép lại như soạn giáo án cho mỗi bài giảng ngày nào. 15 năm ngồi xe lăn là chừng ấy thời gian những cuốn sổ tự viết, tự soạn bài về môn ngoại ngữ cứ dày lên.
Dù đã bước sang tuổi 70 nhưng thầy Hiền vẫn trao đổi, giao tiếp tiếng Anh với con trai út Nguyễn Mạnh Dũng cũng là giáo viên dạy môn Tiếng Anh ở Trường THCS Thái Đào (Lạng Giang). Lúc rảnh rỗi, thầy còn làm thơ, bồi đắp tâm hồn thêm phong phú. Vợ chồng thầy giáo thương binh có 3 con. Tiếp nối truyền thống dạy học của gia đình, 2 trong 3 người con trở thành giáo viên, lặng lẽ cống hiến cho ngành giáo dục tỉnh nhà như ông nội và bố.
Dù cuộc sống còn khó khăn, vết thương vẫn nhức nhối hằng ngày nhưng thầy Hiền đã chọn cho mình hành trình sống lạc quan, nghị lực phi thường ấy đã góp phần lan tỏa hình ảnh cao đẹp của người lính giữa đời thường.
Bài, ảnh: Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)