Khát vọng làm giàu của chàng trai 9x
Anh Du chăm sóc cá cảnh. |
Nhìn vào dáng người nhỏ nhắn, tính tình có chút rụt rè, ít nói và nước da trắng mang dáng dấp khá thư sinh của Du, có lẽ ít ai nghĩ anh lại từng có một quyết định liều lĩnh như vậy.
Trao đổi với tôi, Du chia sẻ, khi đang là sinh viên, từ năm thứ 2 anh bắt đầu đi làm thêm để san sẻ gánh nặng chi phí học tập với bố mẹ. Ngoài thời gian đi học, anh đi làm thêm theo dạng bán thời gian ở 1 tiệm bánh mì, bánh ngọt và bánh sinh nhật tại Hà Nội. Quá trình này cũng được coi là giai đoạn “học nghề” của Du.
Sau đó 1 thời gian, anh dần có niềm yêu thích với công việc này, nhất là khi cửa hàng có thời điểm thiếu người, chủ cửa hàng thấy anh nhanh nhẹn, chịu thương chịu khó nên ngỏ ý muốn nhờ anh làm cả ngày.
Lúc này anh thực sự rơi vào tình cảnh khó nghĩ, một bên là tương lai của chàng học viên kỹ thuật quân sự, một bên là niềm yêu thích của anh. Anh đã suy nghĩ trong nhiều ngày rồi đi đến 1 quyết định liều lĩnh, đó là nghỉ học và bắt đầu với nghề làm bánh ngọt.
Được một thời gian, sau khi đã có tay nghề thành thạo, Du quyết định nghỉ làm ngoài Hà Nội và năm 2015, anh bắt đầu con đường khởi nghiệp của mình bằng việc mở 1 cửa hàng sản xuất bánh mì, bánh ngọt và bánh sinh nhật tại phường Thọ Xương.
Trong tay anh lúc này gần như không có đồng vốn nào nhưng được sự ủng hộ và tận lực giúp đỡ của bố mẹ, anh càng quyết chí với ý định khởi nghiệp của mình.
Anh cho biết, rất may mắn với anh là những mẻ bánh của anh làm ra đã dần được khách hàng tin tưởng, đón nhận, vì vậy khi công việc tạm ổn, anh đã mạnh dạn mở thêm 1 cửa hàng nữa tại khu vực ngã 3 Quán Thành.
Lý do chọn mở cửa hàng tại đây vì theo anh, đây là khu vực có nhiều công ty nên lượng công nhân qua lại đông, dễ kinh doanh.
Vậy là từ hai bàn tay trắng, đến nay sau hơn 3 năm, chàng trai sinh năm 1990 hiện đã là ông chủ của 2 cửa hàng sản xuất bánh ngọt với lượng khách hàng khá đông và ổn định.
Anh cho biết, trung bình mỗi ngày, cơ sở xuất ra thị trường 1.300 - 1.400 chiếc, trong đó có cả bánh sinh nhật, tạo việc làm cho 3 lao động chính với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng/người. Trừ chi phí, mỗi năm Du thu được khoảng 200 - 300 triệu tiền lãi.
Không chỉ vậy, khát vọng làm giàu bằng chính sức lao động của mình một lần nữa lại thôi thúc Du mạnh dạn lấn sân sang lĩnh vực khác, đó là nuôi cá thủy sinh.
Nói về công việc này, Du cho biết: ban đầu chỉ đơn giản là do đam mê, yêu thích nên anh thường xuyên sưu tầm, nghiên cứu các loại bể cá thủy sinh. Sau anh nhận thấy đây là một thú chơi khá mới, ít người chơi ở TP nên anh quyết định đầu tư và phát triển kinh doanh thêm lĩnh vực này.
Hiện nay, tất cả các bể cá cảnh, cá thủy sinh mà Duy đang kinh doanh đều là những bể cá do tự tay anh mua nguyên liệu về và tự thiết kế, tự làm, có bể nhanh thì mất vài ngày, cũng có bể phải đầu tư kì công theo đơn đặt hàng của khách, phải tìm tòi và dày công hàng tháng, đến 2 tháng mới hoàn thành.
Cũng bởi thế mà anh cho rằng, với công việc này nếu ai không có đam mê thì khó lòng mà làm nổi. Đầu óc kinh doanh nhanh nhạy cộng với đam mê và nhờ đến cả sự khéo léo của đôi bàn tay đã giúp Du đứng vững qua những khó khăn bước đầu.
Đến nay công việc kinh doanh của anh cũng đã đi vào ổn định với mạng lưới khách hàng khá rộng tại khu vực TP Bắc Giang. Công việc này mang lại thu nhập trên dưới 200 triệu đồng mỗi năm. Như vậy, cả hai mô hình sản xuất, mỗi năm chàng trai 9x thu về lợi nhuận 400-500 triệu đồng.
Nhìn thành quả mà Du đạt được ngày hôm nay, có lẽ những hoài nghi về quyết định liều lĩnh của anh cách đây hơn 3 năm đã phần nào được xóa bỏ.
Dù chưa phải thực sự thành công như nhiều doanh nghiệp lớn nhưng tấm gương về khát vọng làm giàu chính đáng của chàng thanh niên Nguyễn Văn Du thực sự là tấm gương để nhiều thanh niên noi theo.
Dương Hồng
Ý kiến bạn đọc (0)