Đêm chợ Mía
Cam Hà Giang được tập kết tại chợ Mía. |
Xem Clip tại đây |
Lấy đêm làm ngày
22 giờ 30 phút, hai dãy hàng quán trên tỉnh lộ 295B chạy qua các thôn Giếng và Đồng, xã Tân Mỹ tấp nập, đông đúc. Bóng đèn được mắc khắp nơi, trên sạp hàng, trong thùng xe ô tô, cạnh lán trại và trên các cột đèn cao áp. Mấy chiếc xe tải chở đầy cam vừa đến, xung quanh có hàng chục người hối hả nhận, giao hàng. Tiếng cười nói hòa cùng tiếng bước chân đi.
“Cam sạch, tươi ngon, bổ, rẻ đây”! - Tôi giật mình bởi tiếng rao lớn từ phía sau, ngoảnh lại bắt gặp nụ cười của người đàn ông trung niên dáng cao gầy.
- Bán được nhiều hàng chưa anh? - Tôi bắt chuyện khi anh vừa chuyển 8 thùng cam cho khách.
- Bán túc tắc, đến sáng cũng được vài tấn chú ạ.
Qua trò chuyện được biết, anh là Lê Văn Quỳnh, ở thôn Giếng, xã Tân Mỹ ra đây thuê địa điểm kinh doanh. Năm nay, anh Quỳnh 46 tuổi nhưng đã có thâm niên buôn bán hoa quả ngót ba chục năm. Từ nhỏ, anh đã cùng người thân đi khắp các chợ trong vùng. Khi lớn lên lấy vợ sinh con, anh vẫn theo nghề này.
Xoài được thu mua từ các tỉnh miền Nam về chợ Mía. |
Cũng như những người buôn bán tại chợ, hằng ngày anh Quỳnh điện báo cho các đầu mối trong và ngoài tỉnh thu mua đủ loại hoa quả chở về. Từ đây, vợ chồng anh bán lại cho những khách hàng khác. Theo anh Quỳnh, thời điểm xe hàng về tới chợ rất quan trọng. Sớm hoặc muộn quá đều không tốt mà phải đúng lúc khách tập trung đến lấy hàng để kịp chuyển tới những điểm bán lẻ vào đầu giờ sáng. Khi đó hoa quả tươi ngon, người tiêu dùng dễ lựa chọn. Trung bình, mỗi đêm anh Quỳnh bán 5-7 tấn quả, có đêm lên đến 10 tấn, trừ chi phí lãi khoảng 20 triệu đồng/tháng. “Chợ Mía có từ ngày nào, tôi có mặt từ ngày đó”, anh Quỳnh tự hào khoe.
Chợ Mía ngày càng thu hút đông khách hàng. Số hộ kinh doanh hoa quả tại chợ cũng tăng nhanh, hiện có khoảng 60 hộ. Hộ ở xa thì thuê lại mặt bằng trước cửa nhà dân để kinh doanh. Bên cạnh đó, họ còn thuê hàng trăm nhân công trong vùng để vận chuyển, đóng gói hàng hóa. |
Giữa đêm, đèn điện trong các nhà dân xung quanh đã tắt. Mọi người chìm trong giấc ngủ nhưng hoạt động mua bán hoa quả ở chợ Mía vẫn sôi động như ban ngày. Chị Lương Thị Xuân, 46 tuổi ở dãy đối diện với cửa hàng nhà anh Quỳnh đang cùng người con trai kiểm tra mấy tấn thanh long vừa nhập từ các tỉnh phía Nam. Số hàng này sẽ được chị chuyển lên tỉnh Sơn La cho khách đặt từ mấy hôm trước.
- Khi nào mẹ con chị dọn hàng đi ngủ?- Tôi hỏi.
- Đã ra đây kinh doanh thì không có chuyện ngủ tối!- Chị Xuân tươi cười trả lời trong khi tay vẫn thoăn thoắt xếp thanh long vào thùng giấy.
Chị Xuân ở thôn Miễu, xã Tân Mỹ làm nghề buôn bán hoa quả từ nhỏ. Lúc đầu, chị bán rong trên những con phố ở TP Bắc Giang, sau có thêm ít vốn thì mở sạp hàng tại thị trấn Bích Động (Việt Yên). Đến năm 2010, chị ra chợ Mía thuê mặt bằng trước cửa một gia đình để buôn bán hoa quả, giá 5 triệu đồng/tháng.
- Đêm nay có vẻ vắng khách?- Tôi tò mò hỏi.
- Hôm nay là ngày “rửa bát”, vắng khách vì vừa qua ngày mồng Một - Chị Xuân trả lời.
Theo chị Xuân, trong một tháng, hàng bán chạy nhất thường rơi vào thời điểm giữa và cuối tháng. Trong năm, từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch không đắt hàng bởi hoa quả ở quê nhiều, các ngày còn lại dễ bán hơn, khi đó chủ yếu lấy hàng từ miền Nam.
Mong vào kinh doanh trong chợ mới
Chợ Mía được hình thành từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Lúc đầu chợ chủ yếu bán mía tím với vài điểm tập kết quanh cổng đền Ngọc Lâm và tên chợ cũng được hình thành từ đó. Đầu năm 2006, các hộ kinh doanh ở đây chuyển sang buôn bán hoa quả. Họ tìm kiếm nguồn hàng tại những vùng cây ăn quả nổi tiếng trong, ngoài tỉnh. Mùa cam thì lấy hàng từ các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình; mùa na lấy hàng từ thị trấn Đồng Bành, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), Lục Nam (Bắc Giang); mùa bưởi lấy từ Phú Thọ; ổi nhập từ Hải Dương; xoài, thanh long, nhãn… lấy từ miền Nam và một vài địa phương trong tỉnh; một phần khác nhập từ Trung Quốc… Khách hàng cũng từ khắp nơi đến đây. Trung bình, mỗi ngày lượng hoa quả được tiêu thụ lên đến hàng trăm tấn.
Một chủ hàng tại chợ đang vận chuyển hoa quả cho khách. |
Vừa cầm đèn pin soi vào thùng hàng để chọn lựa kỹ càng, chị Hòa - một khách hàng đến từ tỉnh Bắc Ninh vừa xởi lởi trò chuyện: “Hằng đêm, vợ chồng tôi lái xe ô tô về đây mua vài tấn quả rồi chuyển đi tiêu thụ ở khu vực chợ Lim. Hoa quả ở đây tươi ngon, đủ cân, giá phải chăng, thậm chí rẻ hơn so với chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội)". Bởi vậy, chợ Mía ngày càng thu hút đông khách hàng. Số hộ kinh doanh hoa quả tại chợ cũng tăng nhanh, hiện có khoảng 60 hộ. Những hộ này tập trung ở các thôn: Giếng, Đồng và Miễu. Hộ ở xa thì thuê lại mặt bằng trước cửa nhà dân để kinh doanh. Bên cạnh đó, họ còn thuê hàng trăm nhân công trong vùng để vận chuyển, đóng gói hàng hóa.
Càng về gần sáng, tỉnh lộ 295B đoạn chạy qua khu vực chợ Mía dường như chật hẹp hơn. Những chiếc ô tô chở hoa quả đỗ nối đuôi nhau lấn ra gần hết mặt đường, thỉnh thoảng lại bị ùn ứ, tắc cục bộ. “Mặc dù an ninh trật tự ở đây khá tốt song các hộ kinh doanh vẫn mong muốn có điểm buôn bán rộng rãi, bảo đảm chỗ ăn nghỉ và không gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông”, anh Đỗ Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ cho biết.
Thực tế, từ tháng 1-2016, khu chợ mới xây dựng rộng 9,1 nghìn m2 đã hoàn thành, trong đó có 30 ki ốt bán hàng. Thế nhưng, đến nay chợ vẫn chưa đưa vào sử dụng vì không đủ số ki-ốt theo nhu cầu. “Chúng tôi đã kiến nghị UBND TP đầu tư xây dựng tiếp giai đoạn 2, mở rộng chợ để đáp ứng nhu cầu của các hộ kinh doanh hoa quả”, anh Đức nói.
Cam vừa chuyển về, các chủ hàng nhanh chóng phân loại đóng gói. |
5 giờ sáng, lác đác có tiếng gà gáy, một số nhà dân trong các thôn, xóm xung quanh thức dậy cũng là lúc lượng người và phương tiện đến mua hàng ở chợ Mía vãn hẳn. Vợ chồng anh Quỳnh thu dọn hàng gọn vào phía trong quầy. Chiếc chiếu to được trải dưới nền xi măng cạnh mấy thùng xốp - đó là chỗ nghỉ tạm của anh chị sau thời gian nhận, giao hàng vất vả. “Chúng tôi mong muốn sớm được vào chợ mới để có chỗ ăn nghỉ đàng hoàng, bảo đảm sức khỏe lâu dài”, anh Quỳnh tâm sự.
Một ngày mới bắt đầu. Nhờ có những tiểu thương ở chợ Mía, các loại hoa quả được đưa đi muôn nơi góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho nông dân nhiều vùng miền trong cả nước.
Đỗ Thành Nam
Ý kiến bạn đọc (0)