Tân Yên mở rộng vùng cây ăn quả chất lượng cao
Lãnh đạo huyện Tân Yên thăm mô hình vải sớm sản xuất theo quy trình VietGAP ở xã Phúc Hòa. |
Đa dạng cây trồng giá trị kinh tế cao
Hàng chục năm về trước, khu đồi rộng hơn 13 ha thuộc thôn Bãi Đình, xã An Dương là vùng đất hoang hóa bởi địa hình dốc, đất khô cằn, khó canh tác. Từ năm 2012 đến nay, vùng đất này được phủ xanh bởi nhiều loại cây trái. Người làm hồi sinh vùng đất ấy là ông Đỗi Văn Lậm, người dân trong thôn. Ông Lậm cho biết: “Sau gần một năm thuê máy móc cải tạo, san phẳng khu đồi, tôi chia thành một số khu riêng biệt để trồng một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Cam đường Canh, bưởi Diễn, ổi lai lê… Do chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên năm ngoái, gia đình tôi thu về hàng tỷ đồng từ cây ăn quả. Dự kiến năm nay, mức thu tăng lên do nhiều diện tích mới bắt đầu cho thu hoạch”.
Nhận thấy cam đường Canh, bưởi Diễn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, giá trị kinh tế cao, nhiều hộ dân trong xã đã cải tạo vườn tạp, đưa các cây trồng này vào thay thế cây ăn quả hiệu quả kinh tế thấp và từng bước mở rộng diện tích ở các xã. Theo ước tính, toàn huyện hiện có gần 400 ha trồng bưởi Diễn và cam đường Canh.
Khai thác lợi thế đất đồi bãi rộng, người dân ở vùng vải sớm xã Phúc Hòa còn tích cực cải tạo đất đồi bãi chăm sóc vải theo quy trình VietGAP. Nhiều hộ dân ở các xã khác như Cao Thượng, Liên Sơn, Tân Trung cũng chú trọng chăm sóc nên năng suất vải năm nay cao hơn so với năm trước. Đến nay, huyện có 200 ha vải sớm được chứng nhận đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP. Vải sớm Tân Yên được mùa, dự kiến sản lượng hơn 12 nghìn tấn, gấp gần hai lần so với năm trước. Cùng với vải, người dân xã Phúc Hòa còn trồng hàng trăm ha nhãn chín muộn, hiệu quả kinh tế cao thay thế giống nhãn “thóc” truyền thống.
Ngoài các loại cây ăn quả trên, nhiều hộ dân tại các xã Ngọc Thiện, Cao Xá, Ngọc Vân, An Dương, Cao Thượng, Lam Cốt… cũng cải tạo vườn tạp, trồng đa dạng các loại cây ăn quả khác nhau như: Ổi lai lê, thanh long ruột đỏ, cam Vinh, táo, dứa.
Nhiều giải pháp khuyến khích
Từ trồng cây ăn quả, nhiều hộ dân trong huyện đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, có hộ thu nhập 300-500 triệu đồng/năm. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm mạnh, hiện còn khoảng 6%. |
Được biết, huyện Tân Yên hiện có khoảng 3 nghìn ha cây ăn quả, trong đó vải thiều sớm 1,6 nghìn ha, còn lại là nhãn, vú sữa, bưởi Diễn, ổi, thanh long, cam đường Canh. Sản lượng quả mỗi năm hàng chục nghìn tấn, giá trị thu nhập từ 150 - 180 tỷ đồng. Cuối năm 2015, xác định cây ăn quả có vị trí quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, Huyện ủy Tân Yên ban hành Nghị quyết chuyên đề phát triển cây ăn quả và nâng cao hiệu quả kinh tế vườn đồi.
Theo đó định hướng phát triển cây ăn quả của huyện giai đoạn 2016- 2020 là cải tạo, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm diện tích cây ăn quả hiện có, đồng thời phấn đấu đến năm 2020 trồng mới khoảng 1 nghìn ha. Đặc biệt phát triển cây ăn quả thành vùng tập trung theo hướng trang trại, gia trại với từng loại cây trồng phù hợp.
Để thực hiện các mục tiêu đề ra, huyện quy hoạch một số vùng trồng cây ăn quả chủ lực để phát huy thế mạnh của từng địa phương, như: Nhãn muộn, vải sớm ở các xã: Phúc Hòa, Hợp Đức, Cao Thượng, Liên Sơn, An Dương, Đại Hóa; bưởi ở các xã Ngọc Vân, Việt Ngọc, Song Vân, Lam Cốt, An Dương; cam đường Canh ở các xã: An Dương, Lam Cốt; vú sữa ở các xã: Hợp Đức, Liên Chung, Quế Nham… UBND huyện giao cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ giúp người dân mạnh dạn đưa những giống cây ăn quả mới vào trồng.
Đặc biệt, huyện đã tạo điều kiện cho các hộ tích tụ ruộng đất sản xuất theo quy mô lớn như: Hỗ trợ 20 triệu đồng/tổ chức, cá nhân có quy mô từ 2 ha trồng cây ăn quả theo quy hoạch trên đất vườn đồi, vườn tạp; 25 triệu đồng cho các tổ chức, cá nhân có quy mô 2 ha trở lên trên đất vàn cao cấy lúa, trồng màu không ăn chắc; 5-15 triệu đồng khi có quy mô từ 2 ha cây ăn quả trở lên sản xuất theo hướng VietGAP… Đi đôi với đó, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm được quan tâm. Hằng năm UBND huyện tổ chức hội nghị gặp mặt, thu hút doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân theo hợp đồng.
Châu Giang
Ý kiến bạn đọc (0)