Ông Nguyễn Văn Tuấn: Điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi
Thực hiện chủ trương của tỉnh về xóa lò gạch thủ công, năm 2017, anh Tuấn xin chuyển đổi khu vực lò gạch cũ của gia đình sang chăn nuôi.
Nhận thấy khu gò cao giữa vùng đất trũng thuận lợi cho nuôi thủy sản, anh Tuấn đi thăm một số mô hình phát triển kinh tế tại TP Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh rồi quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi vịt thương phẩm.
Ông Nguyễn Văn Tuấn chăm sóc đàn vịt. |
Từ nguồn vốn của gia đình và vay mượn bạn bè, anh Tuấn đầu tư gần 2 tỷ đồng xây dựng ba khu nhà chăn nuôi vịt với diện tích 720m2/nhà. Các khu nhà được thiết kế hiện đại, ấm vào mùa đông, mát về mùa hè, có hệ thộng uống nước tự động, đèn sưởi, lò sưởi.
Giống được anh lựa chọn là vịt super bởi theo anh đây là giống vịt siêu thịt, năng suất cao, mỗi ngày chỉ phải cho ăn hai lần theo giờ cố định và trọng lượng đạt 3,5 kg/con chỉ sau 50 ngày nuôi. Từ đầu năm đến nay, gia đình anh Tuấn thu 3 lứa với hơn 40 nghìn con.
Với giá bán trung bình từ 45 đến 46 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, gia đình anh thu về gần 500 triệu đồng tiền lãi. “Nuôi vịt thương phẩm quan trọng nhất là khâu vệ sinh, phòng bệnh nên sau mỗi lứa, tôi đều xử lý, tẩy rửa chuồng trại. Quá trình nuôi phải giữ nhiệt độ trong chuồng phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của vịt”, anh Tuấn chia sẻ.
Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình, anh Tuấn còn tạo việc làm cho 4 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 6 triệu đến 7 triệu đồng/người/tháng và trở thành điểm đến tin cậy cho người dân trong vùng đến tìm hiểu, học tập từ đó nhân rộng mô hình.
Ông Hà Văn Cư, Chủ tịch Hội nông dân xã Quế Nham cho biết: “Nhờ mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, anh Tuấn đã tìm cho mình hướng đi phù hợp với đồng đất quê hương và trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương. Thời gian qua, Hội nông dân xã đã tổ chức cho nhiều hội viên nông dân ở các chi hội trong xã tới tham quan, học tập và làm theo”.
Kim Anh
Ý kiến bạn đọc (0)