Một đời đam mê diều sáo
Ông Ngô Văn Bội hướng dẫn giáo viên tại Thủ đô Hà Nội cách làm diều. |
"Nghiện" diều sáo
Biết chơi diều từ năm 10 tuổi, đến nay thú vui ấy trong ông Bội không hề giảm đi mà luôn tìm tòi, sáng tạo để cho ra đời những con diều mới lạ, độc đáo. Không những thế, ông còn tích cực “truyền lửa” cho trẻ em trò chơi dân gian giàu chất lãng mạn này. Nhiều người nói vui, ông Bội sinh ra là để dành cho diều sáo quả không sai. Trò chuyện với tôi, ông bảo: “Ở đất Song Vân này nhiều người biết làm diều lắm, đến trẻ con chỉ cần có người hướng dẫn qua là làm được ngay. Tuy nhiên cái gì cũng có kỹ thuật, bí quyết riêng. Diều lên rồi nhưng lên như thế nào, có đứng vững được lâu trên không trung và trời mưa gió hay không thì không phải ai cũng làm được”.
Ông Ngô Văn Bội hướng dẫn giáo viên, học sinh tại Thủ đô Hà Nội cách làm diều. |
Trong căn nhà gỗ của gia đình, ông Bội treo chi chít những diều. Chiếc để trên màn, treo trên tường, chiếc được móc lên cửa sổ. Thậm chí, trên bàn thờ cũng có hàng chục chiếc sáo diều được xếp ngăn nắp, kèm đó là cả bộ sưu tập bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận giải thưởng cuộc thi, liên hoan diều trong toàn quốc.
Ông Bội nói: “Sinh thời các cụ nhà tôi rất thích thả diều nên tôi để sáo lên bàn thờ để các cụ vui”. Điều đáng nói, dù đạt nhiều giải thưởng nhưng tiền giải thưởng chưa bao giờ đủ chi phí cho mỗi chuyến đi thi diều, tuy vậy, hễ được mời là ông tích cực tham dự dù phải bỏ thêm tiền túi. Chỉ về một con diều đang treo trong nhà, ông hóm hỉnh: “Con diều này của tôi bay cao tận hơn 10 nghìn mét trên trời. Nó mới được đi máy bay vào miền Nam thi đấu về đấy”.
Bộ sáo diều do ông Bội thiết kế từ phế liệu được trao Giải Đặc biệt trong cuộc thi diều tại Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2016. |
Mới đây ông Bội và Câu lạc bộ (CLB) Diều Song Vân do ông làm Chủ nhiệm được một số trường học ở Thủ đô Hà Nội mời đến hướng dẫn cách làm và chơi diều cho học sinh. "Chơi diều sáo là thú chơi thanh tao, không tốn kém vật chất nhưng mất thời gian. Nhiều khi thả diều ở Song Vân nhưng diều đổ ở tận xã Lam Cốt hay Ngọc Vân. Quê tôi ngày xưa nhiều người không có gạo ăn, nhưng nói tới diều thì ai cũng đam mê, yêu thích. Tôi cũng mê diều từ nhỏ”, ông Bội chia sẻ.
Trước kia, tôi giữ một số bí quyết riêng làm diều. Nay, ngần này tuổi rồi, tôi quyết định sẽ truyền lại cho những ai muốn học. Chơi diều sáo là thú chơi thanh tao, không tốn kém vật chất, chỉ mất thời gian. Thậm chí thả diều ở Song Vân nhưng diều đổ ở tận xã Lam Cốt hay Ngọc Vân". Ông Ngô Văn Bội |
Những năm trước phong trào này ở Tân Yên nở rộ, ông Bội kiếm được hàng chục triệu đồng mỗi năm từ bán diều. Có lúc làm cả ngày đêm vẫn không kịp để bán, thậm chí có lần bán được một số cánh diều cho du khách nước ngoài. Nay phong trào tuy có lắng xuống nhưng những người chơi diều chuyên nghiệp vẫn luôn giữ đam mê. Hôm tốt gió, hàng trăm chiếc diều đủ sắc màu, âm thanh bay lơ lửng trên không trung tạo thành một khung trời thật bình dị và tươi đẹp. Nhiều lúc dù bận rộn công việc nhưng thấy có gió về là lập tức mấy bố con ông Bội mang diều ra đồng thả. Diều Song Vân có hai loại: Diều nghịch và diều hiền.
Diều nghịch là khi bay lên bầu trời cứ chao đảo, lượn lên lượn xuống liên tục còn diều hiền là khi no gió chỉ đứng im một chỗ. Tùy vào cách chơi, sở thích mà mỗi người tìm cho mình loại diều như ý. Sáo cũng có nhiều loại, từ đu đu, vô vô, de de, zô zô đến đì đì...
Nhiều đêm ông Bội thức trắng không phải vì sợ mất diều mà do nghe sáo diều nhiều đến nỗi "nghiện". Ông hứng khởi thổ lộ: “Nghe sáo diều ban đêm mới thấy hay, lúc đó không gian thanh vắng, âm thanh lúc trầm khi bổng làm người nghe rất vui tai, nếu ham mê sẽ không ngủ được”.
Chủ nhân của nhiều giải thưởng
Tiếp xúc với ông Bội tôi cảm nhận ở ông sự sôi nổi, đa tài và rất chịu mày mò, sáng tạo. Không chỉ biết làm diều sáo, ông còn có thể tự sáng chế và chơi được một số nhạc cụ dân tộc, nhiều đồ dùng sinh hoạt bằng gỗ trong nhà cũng do ông tự làm. Đến giờ ông không nhớ nổi đã làm bao nhiêu con diều. Chỉ biết ông từng làm được con diều và bộ sáo thuộc hàng “khủng” nhất Việt Nam. Diều có sải cánh dài hơn 13m, rộng gần 5m và bộ sáo nặng tới 8 kg với 13 cây sáo được xếp theo thứ tự âm thanh từ to đến nhỏ. Bộ dụng cụ làm sáo của ông có cưa, đục, dao nhọn, lưỡi để bào, khoét, múc... Tất cả đều được tự chế bằng thép hay thậm chí là vỏ đạn được ông nhặt về từ thời quân ngũ và được giữ gìn cẩn thận cho đến nay.
Ông Ngô Văn Bội hướng dẫn cách làm diều tại trường học ở Thủ đô Hà Nội. |
Ông Bội có thể nói về diều suốt cả ngày. Theo ông, các cụ truyền dạy cách làm diều nhưng chính các cụ không biết làm thế nào để diều có thể đỗ được trong mưa. Cũng vì lý do này, ông đang nghiên cứu ra con diều độc chiêu này. Xưa chưa có điều kiện mua dây cước, người dân phải tước cây tre xoắn lại để làm dây thả diều nhưng nay dây diều của ông bao giờ cũng nhỏ và bền nhất bởi kỹ thuật cuộn dây sao cho các sợi tre kết chặt vào nhau”. Thông thường sáo diều làm bằng ống cây mai được lấy từ các tỉnh Tây Bắc, mặt sáo thường làm bằng gỗ mít (với đặc tính nhẹ, bền) được khoét giữa, gió sẽ luồn vào khe và phát ra âm thanh khi diều chao lượn trên không trung.
Thông thường diều nào sáo ấy, tùy theo kích thước diều mà gắn sáo phù hợp. Diều 80cm đeo sáo de de; 1,2m đeo sáo zô zô; 1,8m (sáo vô vô) và to hơn là đì đì. Trong trường hợp diều nhỏ mà người chơi ép đeo sáo to nếu có gió lớn sẽ không sao nhưng gió nhỏ sẽ không những không lên nổi mà còn bị rơi tan xác.
Với dân chơi chuyên nghiệp, sáo dàn không có ý nghĩa, âm thanh hỗn độn, nó chỉ kêu to mà không lắng đọng trong lòng người nghe. Còn sáo một, người chơi sẽ điều chỉnh được các cung bậc khác nhau. Sáo chuẩn bao giờ cũng phải đanh, âm vang uyển chuyển va đập vào nhau để hợp nhất thành một âm vọng.
Ngược lại cũng có người làm ra bộ sáo nhưng không dùng được bởi nghe chói tai và khiến người khác phải khó chịu. Người chơi diều lâu năm chỉ cần quan sát là biết hướng gió và gió ở tầm cao hay thấp, gió một hay gió đôi, từ đó sẽ điều chỉnh diều cho phù hợp. “Tôi có rất nhiều mẹo và chiêu trò làm diều. Có đêm tôi gắn những chiếc đèn nhấp nháy nhiều màu sắc vào diều và mang ra giữa đồng thả tạo thành những luồng ánh sáng lấp lánh, lơ lửng trên bầu trời rất đẹp mắt”- ông Bội kể.
Thanh niên vùng lân cận đến Song Vân mua diều. |
Với nhiều “chiêu độc”, ông Bội đã giành những giải thưởng lớn về diều. Đơn cử, năm 2005, trong một cuộc thi diều diễn ra ở Bắc Ninh, con diều của ông Bội giành giải Đặc biệt vì trong điều kiện rất ít gió, các con diều khác không thể lên nổi nhưng diều của ông vẫn “khuất mây” và đứng vững trong không trung. Hay tại cuộc thi thả diều Việt Nam tổ chức tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2016, diều của ông giành Giải Đặc biệt nội dung “Diều chế tác bằng vật liệu truyền thống đạt đẳng cấp quốc tế”. Điểm đặc biệt của con diều này nằm ở dàn sáo được tạo từ những vỏ lon bia, nước ngọt, chai nhựa có ý nghĩa trong việc bảo vệ môi trường nên ban tổ chức đánh giá rất cao. Mới đây, ông sáng chế ra loại sáo diều độc đáo, đó là loại sáo hai lỗ nhưng có thể phát ra âm thanh ở 4 chỗ…
Hiện ông Ngô Văn Bội đang được UBND tỉnh trình hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước xét công nhận là nghệ nhân ưu tú. Đã nhiều năm, người cựu binh ấp ủ ước mơ được ra Trường Sa tặng cán bộ, chiến sĩ hải đảo những chiếc diều sáo do chính tay ông làm ra, góp phần để lính đảo vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Ông Bội đã chuẩn bị sẵn một chiếc diều gắn cờ Tổ quốc rộng 54m biểu tượng cho 54 dân tộc Việt Nam để thả trên bầu trời hải đảo. Từng là một người lính tham gia chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ (năm 1973), hiểu được những khó khăn, thiếu thốn của người lính đảo, ông mong muốn những cánh diều của mình sẽ được thả lên bầu trời biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nguyễn Hưởng
Ý kiến bạn đọc (0)