Mang yêu thương đến trò nghèo
Cuối tháng 5-2019, trên mạng xã hội facebook xuất hiện thông tin một cậu bé chừng 11 tuổi bị lạc. Hình ảnh bé trai ngơ ngác lạc trong đêm tối ám ảnh nhiều người. Qua mạng xã hội, cô Trần Thị Tập biết được cháu bé là người ở cùng xã nên đã liên hệ với tất cả giáo viên và Hội phụ huynh học sinh của nhà trường tìm thông tin gia đình.
Qua anh Giáp Văn Tùng, Hội trưởng Hội cha mẹ học sinh nhà trường (cùng thôn với cháu bé), cô Tập biết cháu bé đó là Nguyễn Văn Cường hiện còn bà ngoại và mẹ nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên từ nhỏ đã được gửi nuôi dưỡng tại chùa Yên Liễn, xã Minh Đức (Việt Yên). “Cháu bé sinh năm 2008, chạc tuổi con mình mà đã bao lâu không được đi học, thiếu tình thương của gia đình, thật xót xa!”- cô Tập chia sẻ. Vì vậy cô Tập bàn với anh Tùng ngỏ ý với bà ngoại của cháu Cường và báo cáo UBND xã Việt Lập, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đón cháu từ chùa về trường nuôi dạy.
Cô Trần Thị Tập trao xe đạp cho học sinh nghèo từ nguồn ủng hộ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm. |
Khi tiếp cận thông tin về Cường qua người thân và hàng xóm, nhiều ý kiến nói rằng đây là một đứa trẻ hư. Thời gian đầu về trường, Cường vẫn giữ thói quen và nếp sinh hoạt cũ, học tập, sinh hoạt thiếu nền nếp do bấy lâu thiếu sự uốn nắn, yêu thương. Với tấm lòng của một người mẹ, một nhà giáo, cô Tập dang rộng vòng tay bao dung, giúp đỡ Cường. Cô bàn với Ban Giám hiệu nhà trường bố trí cho em một phòng ở tại trường, giao đồng chí bảo vệ hằng ngày trông nom. Bản thân cô Hiệu trưởng gần gũi chăm sóc Cường từ bữa ăn, giấc ngủ, nhắc nhở, bảo ban từ những điều nhỏ nhất. Ngoài học văn hóa trên lớp, cô Tập quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho cậu bé. Cường được miễn chi phí các khóa học bơi, võ, tham gia các câu lạc bộ bóng đá, cờ vua… do nhà trường tổ chức. Đặc biệt dịp hè, cô Hiệu trưởng đưa cháu tham gia chuyến tham quan nghỉ mát với giáo viên, hoặc cùng gia đình cô đi nhiều nơi để tăng cường kỹ năng sống. Được yêu thương, đùm bọc và dạy bảo, Cường trở nên hoạt bát, ngoan ngoãn, biết vâng lời và hòa đồng với các bạn.
Nhận thấy để Cường ở trường không bảo đảm việc chăm sóc theo quy định của Luật trẻ em, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp đã tích cực vào cuộc, phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND xã, nhà trường và các đoàn thể vận động bà ngoại của Cường đón cháu về nuôi có sự giúp đỡ của mọi người, trong đó có cô Tập, nhà trường vẫn tiếp tục hỗ trợ bữa trưa và đồ dùng học tập. Từ nguồn hỗ trợ của các tập thể, cá nhân, ngoài chi phí cho việc học, cô Tập lập cho Cường một quỹ tiết kiệm riêng để phục vụ việc học sau này.
Biết được việc làm đầy tính nhân văn của cô Tập, các cấp, ngành, địa phương đã cùng vào cuộc, vận động tặng xe đạp, đồ dùng học tập cho Cường. Từ một đứa trẻ ba năm không được tới trường, cậu bé Cường ngày nào đã trở thành học sinh tiên tiến của lớp 3A, được thầy cô và bạn bè yêu quý.
Không chỉ yêu thương, giúp đỡ cháu Cường, cô Tập cũng quan tâm hỗ trợ nhiều hoàn cảnh học sinh nghèo khác; tích cực vận động và ủng hộ các hoạt động từ thiện, nhân đạo ở địa phương.
Giáp Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc (0)