Gà Sâm núi Dành
Đây là mô hình chăn nuôi gà độc đáo đang được Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Thìn Dung (Công ty Thìn Dung) áp dụng. Kỹ thuật chăn nuôi gà bằng thảo dược không mấy khác biệt so với chăn nuôi gà nói chung. Điểm khác biệt duy nhất là nguồn nước uống cho gà từ cây sâm nam núi Dành.
Gà nuôi từ cây sâm nam có giá bán cao hơn khoảng 10 nghìn đồng/kg so với gà thông thường. |
Ông Nguyễn Văn Thìn, Giám đốc Công ty Thìn Dung chia sẻ: “Doanh nghiệp trồng sâm nam trên diện tích gần 20 ha và chăn nuôi. Trong quá trình hoạt động, chúng tôi nghiên cứu và nuôi thử nghiệm cho đàn gà uống nước từ thân, lá, rễ của cây sâm; không dùng kháng sinh. Từ lứa thử nghiệm đầu tiên đã mang lại hiệu quả cao”.
Với tỷ lệ gà sống đạt hơn 90%, đàn gà sinh trưởng và phát triển tốt, trọng lượng đạt khoảng 2,5 kg/con. Được biết, doanh nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chấp nhận đơn bảo hộ cho sản phẩm Gà thảo dược.
Mô hình nuôi gà thảo dược thả vườn được Công ty Thìn Dung triển khai từ đầu năm 2021, ban đầu là 1 nghìn con gà mía số 1 tại gia đình anh Vi Văn Bằng, thôn Phúc Lễ, xã Phúc Hòa. Công ty hỗ trợ giống, kỹ thuật. Trong 60 ngày đầu chăn nuôi theo phương pháp truyền thống.
Theo đó, đàn gà kháng bệnh tốt, khỏe mạnh, chất lượng thịt thơm ngon được thương lái thu mua để tiêu thụ chủ yếu tại thị trường TP Hà Nội với giá bán cao hơn khoảng 10 nghìn đồng/kg so với gà thông thường. Gia đình anh Vi Văn Tốt (cùng thôn Phúc Lễ) có diện tích trang trại hơn 5 nghìn m2 trồng vải thiều sớm và sâm nam núi Dành kết hợp chăn nuôi gà thả vườn. Ban đầu nghe thông tin nuôi gà sâm anh rất ngỡ ngàng.
Khi thấy người hàng xóm Vi Văn Bằng nuôi cho hiệu quả, anh mạnh dạn tham gia với quy mô hơn 4 nghìn con. Anh phấn khởi cho biết: “Sẵn có kinh nghiệm nên việc tiếp thu kỹ thuật chăn nuôi gà thảo dược được áp dụng thuần thục. Với giá bán buôn tại chuồng hơn 90 nghìn đồng/kg; giá bán lẻ đến 120 nghìn đồng/kg. Trừ chi phí thu lãi gần 200 triệu đồng”.
Năm nay, Công ty tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi lên 9 nghìn con tại 3 hộ ở xã Hợp Đức và Phúc Hòa. Các hộ tham gia phải đạt tiêu chí quy mô trang trại. Doanh nghiệp sẽ hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm.
Huyện Tân Yên có tổng diện tích cây sâm nam khoảng 30 ha, thu nhập hơn 10 tỷ đồng mỗi năm. Từ hiệu quả của cây sâm nam, huyện đã quy hoạch vùng trồng với diện tích khoảng 200 ha ở các xã Liên Chung, Việt Lập và mở rộng sang các xã An Dương, Tân Trung, Lan Giới và Hợp Đức. Mô hình nuôi gà bằng sâm nam đã và đang mở ra hướng đi mới để Tân Yên mở rộng quy mô chăn nuôi, từng bước hình thành vùng sản xuất rộng lớn gắn với chăn nuôi gà thảo dược, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Thanh Định
Ý kiến bạn đọc (0)