Đào tạo nghề, tạo sinh kế để giảm nghèo bền vững
BẮC GIANG - Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm được các cấp chính quyền, ngành chức năng huyện Tân Yên quan tâm thực hiện góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Trang bị kiến thức, kỹ năng nghề
Huyện Tân Yên là một trong những địa phương làm tốt công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn. Năm 2021, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Kế hoạch số 35-KH/HU về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. UBND huyện, phòng chức năng huyện đã xây dựng các kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm trên địa bàn; rà soát nhu cầu của người lao động và phân bổ vốn vay giải quyết việc làm từ nguồn quỹ quốc gia kịp thời, hiệu quả.
Cán bộ chuyên môn của tỉnh hướng dẫn người dân xã Phúc Hòa kiểm tra chất lượng nguồn nước ao để nuôi thả cá. |
Theo ông Nguyễn Công Lực, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện, hằng năm, Phòng phối hợp với các xã, thị trấn điều tra, thu thập, tổng hợp thông tin thị trường lao động nhằm tạo cơ sở dữ liệu cung - cầu, dự báo thị trường. Đồng thời rà soát, thống kê số người trong độ tuổi lao động không có việc làm; khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, trong đó đặc biệt chú ý đến hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Từ đó xây dựng kế hoạch và phối hợp tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề phù hợp, gắn với nhu cầu của các doanh nghiệp (DN) trong, ngoài địa bàn cũng như thế mạnh kinh tế địa phương.
Thực hiện chỉ đạo của huyện, 100% trường THCS, THPT đã bố trí chương trình giáo dục hướng nghiệp; tăng cường hoạt động ngoại khóa liên quan đến nghề nghiệp, việc làm, xác định, nắm bắt số học sinh có nguyện vọng học nghề hoặc tiếp tục theo học cao đẳng, đại học. 3 năm học vừa qua, học sinh cuối cấp của các trường THCS, THPT đều được tư vấn, định hướng nghề nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, mỗi bậc học có 23-27% học sinh theo học trung cấp nghề, cao đẳng nghề và tương đương.
Đại diện DN tư vấn nghề nghiệp cho người lao động tại ngày hội việc làm huyện Tân Yên. |
Thực hiện chính sách về hỗ trợ tạo việc làm theo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong 3 năm, phòng chức năng huyện phối hợp với các đơn vị tổ chức 23 lớp dạy nghề miễn phí cho 722 lao động, chủ yếu là người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, mới thoát nghèo. Các nghề được đào tạo là: May công nghiệp, sửa chữa, lắp đặt điện dân dụng, trồng trọt, chăn nuôi giúp người học có thể áp dụng ngay kiến thức vào sản xuất. Đến nay, gần 14 nghìn lao động trên địa bàn huyện được đào tạo nghề trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đạt gần 80% kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Tỷ lệ qua đào tạo đạt hơn 79% tổng số lao động trong độ tuổi, vượt chỉ tiêu tỉnh giao.
Tạo việc làm, tăng hiệu quả sản xuất
Sau thời gian tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về nông nghiệp, nhiều hội viên nông dân, phụ nữ các xã Lan Giới, Phúc Sơn, Phúc Hòa… đã có thêm kinh nghiệm chăm sóc, phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt tại gia đình. Nhiều hộ mạnh dạn mở rộng diện tích trồng các loại cây có giá trị kinh tế như: Bưởi, ổi, vải sớm hoặc nuôi ốc nhồi, ếch. Nhờ nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh cho cây trồng, vật nuôi nên các mô hình sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chị Nguyễn Hồng Nguyệt (SN 1991) ở xã Cao Xá sau thời gian học nghề may công nghiệp, được giới thiệu vào làm việc tại cơ sở may gần nhà. Chị chia sẻ: “Trước kia tôi chỉ cấy lúa, trồng khoai vừa vất vả, thu nhập không cao. Nhưng năm nay làm tại xưởng may gần nhà tôi vừa có thu nhập 6-8 triệu đồng/mỗi tháng lại thuận tiện chăm sóc 2 con nhỏ đang tuổi ăn học”. Được biết, xưởng may gia công này của chị Đỗ Thị Quế ở thôn Xuân Tân 2, xã Cao Xá chuyên gia công quần áo phụ kiện trẻ em cho các DN xuất khẩu, tạo việc làm thường xuyên cho 20-25 lao động địa phương với thu nhập ổn định.
Người lao động được dạy nghề, tạo việc làm tại cơ sở may ở xã Cao Xá. |
Hiện nay, qua rà soát, trên địa bàn huyện Tân Yên có từ 3-4 nghìn người đến tuổi lao động và khoảng 2 nghìn học sinh THPT, sinh viên các trường chuyên nghiệp có nhu cầu tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện là đổi mới, tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với thị trường lao động và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau đào tạo. Phòng LĐTBXH huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các xã, thị trấn tuyên truyền tư vấn, giới thiệu, cung cấp kịp thời thông tin cho người lao động, nhất là thanh niên, sinh viên được biết về chính sách học nghề, cơ hội việc làm tại thị trường lao động, các DN trong và ngoài tỉnh.
Giới thiệu hàng chục DN có đủ hồ sơ, năng lực tư vấn, xuất khẩu lao động về địa bàn tuyển dụng. Sau đào tạo nghề, người lao động được các đơn vị giới thiệu công việc hoặc tự tạo việc làm tại địa phương. Nhờ có tay nghề, hơn 85% học viên trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên có việc làm; 95% học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, trung cấp được các DN trong và ngoài huyện tuyển dụng, bố trí công việc phù hợp. Cũng như 2 năm trước, năm 2024, huyện Tân Yên tạo việc làm cho khoảng 3 nghìn người. Hiện huyện có khoảng 800 DN, hợp tác xã đăng ký hoạt động, tạo việc làm cho hơn 14 nghìn người với thu nhập bình quân hơn 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Một trong các xã điển hình về công tác này là xã Ngọc Lý. Toàn xã có hơn 4,3 nghìn người trong độ tuổi lao động. Qua khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, UBND xã phối hợp tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề phù hợp, gắn với nhu cầu của các DN trong, ngoài địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn xã có 18 DN, hợp tác xã và 248 hộ kinh doanh cá thể hoạt động ở một số lĩnh vực như: Xay xát, may đo, sản xuất bánh phở, gia công cơ khí, chế biến gỗ. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương như: Cơ sở nghiền, phân loại nhựa Hải Phong; Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp Huyền Trang.
Không chỉ giới thiệu, kết nối việc làm cho lao động ngay tại địa phương, hằng năm, Đảng ủy, UBND xã Ngọc Lý giao các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, giới thiệu hội viên, đoàn viên đến làm việc ở các DN, nhà máy tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ các hộ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế hoặc đi lao động ở nước ngoài. Hiện nay, tại xã có gần 1 nghìn người làm việc tại các DN trong và ngoài huyện. Từ đẩy mạnh các chương trình mục tiêu giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm ở xã Ngọc Lý giảm dưới mức bình quân của huyện.
Việc quan tâm đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực góp phần tạo sinh kế cho lao động, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Theo kết quả sơ bộ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024, huyện Tân Yên còn 687 hộ nghèo, chiếm 1,35%, giảm 417 hộ so với năm 2023, vượt kế hoạch đề ra. Số hộ cận nghèo là 1.357 hộ, chiếm 2,67%, giảm 0,69%.
Theo ông Nguyễn Huy Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, thời gian tới, Huyện ủy, UBND huyện Tân Yên tiếp tục quan tâm thực hiện hiệu quả công tác dạy nghề, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 82%. Đặc biệt tăng cường gắn kết GDNN với giải quyết việc làm, giúp người lao động sau khi học có nghề ổn định, nâng cao đời sống.
Ý kiến bạn đọc (0)