Đào tạo nghề cho lao động nông thôn - giải pháp giảm nghèo bền vững
Trang bị kiến thức, kỹ năng nghề
Huyện Tân Yên là một trong những địa phương làm tốt công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn. Theo ông Trương Bắc Lâm, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện, hằng năm, các xã, thị trấn rà soát, thống kê số người trong độ tuổi lao động không có việc làm; khảo sát nhu cầu học nghề của người dân.
Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và phối hợp tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề phù hợp, gắn với nhu cầu của các doanh nghiệp trong, ngoài địa bàn và thế mạnh kinh tế địa phương. Các ngành nghề mà huyện tập trung đào tạo cho lao động nông thôn là: May công nghiệp; sửa chữa, lắp đặt điện dân dụng; trồng trọt, chăn nuôi. Trong hai năm 2021 - 2022 toàn huyện đã đào tạo được gần 7,5 nghìn lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 76%. Trung bình mỗi năm huyện Tân Yên tạo việc làm mới cho khoảng 3 nghìn người.
Sau thời gian tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Lượng, thôn Trung, xã Ngọc Thiện (Tân Yên) đã có thêm kinh nghiệm chăm sóc, phát triển mô hình nuôi cá giống của gia đình. Từ những ao nuôi nhỏ lẻ ban đầu, ông đã mở rộng diện tích hơn 3 ha; chuyên cung cấp các loại cá giống cho nhiều tỉnh, thành phố lân cận. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 đạt gần 1 tỷ đồng.
Trại ươm cá giống của ông Nguyễn Văn Lượng, thôn Trung, xã Ngọc Thiện (Tân Yên). |
Xưởng may của gia đình chị Giáp Thị Phương ở thôn Thanh Vòng, xã Thanh Vân (Hiệp Hòa) lúc nào cũng nhộn nhịp không khí làm việc. Trước đây chị theo học nghề may qua sự giới thiệu của xã rồi mở tiệm tại nhà. Từ một cơ sở nhỏ lẻ nay chị đã mở rộng quy mô sản xuất với hàng chục máy may, chuyên gia công các mặt hàng xuất khẩu. Xưởng may đã duy trì việc làm ổn định cho 30 công nhân, chủ yếu là lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 7-10 triệu đồng/tháng.
Theo lãnh đạo UBND xã Thanh Vân, những năm qua, nghề may gia công ngày càng phát triển. Không chỉ tạo việc làm, các xưởng sản xuất còn sẵn sàng đào tạo nghề cho lao động có nhu cầu. Những mô hình kinh doanh như gia đình chị Phương đã tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Kiên trì mục tiêu, từng bước giảm nghèo bền vững
Năm 2022, toàn tỉnh còn hơn 17,9 nghìn hộ nghèo, chiếm 3,81%, giảm 1,46% so với năm 2021; 10/10 huyện, TP đều hoàn thành kế hoạch giảm nghèo. Kết quả đó cho thấy sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác đào tạo, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện để người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho gần 17 nghìn lao động, đạt hơn 50% kế hoạch năm.
Cán bộ LĐTBXH huyện Lục Nam trao đổi kinh nghiệm triển khai công tác đào tạo nghề, giảm nghèo bền vững. |
Lục Nam là huyện làm tốt công tác đào tạo nghề gắn với giảm nghèo bền vững. Chia sẻ về kinh nghiệm, theo ông Vũ Hòa Sơn, Trưởng Phòng LĐTBXH huyện, quá trình thực hiện cần quan tâm chọn các ngành nghề có nhu cầu cao về nhân công, phù hợp với khả năng cũng như nguyện vọng của người dân. Trên cơ sở đó giúp họ dễ dàng tìm được việc làm và phát triển mô hình kinh tế tại địa phương. Năm 2022, huyện Lục Nam đã tổ chức 12 lớp đào tạo nghề cơ khí và trồng cam, bưởi cho gần 400 người, trong đó hơn nửa là bà con thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.
Tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo/tổng số lao động trong độ tuổi năm 2023 là 76%. Để hoàn thành, theo lãnh đạo Sở LĐTB&XH, ngành tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá và xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và giải quyết việc làm. Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, trong đó tập trung hỗ trợ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tham gia học nghề, ưu tiên đối tượng là người dân tộc thiểu số, vùng đồng bào dân tộc và miền núi, khó khăn, lao động nông thôn bị thu hồi đất nông nghiệp. Gắn trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tổ chức đào tạo hoặc đặt hàng với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề, đào tạo, đào tạo lại cho người lao động được tuyển dụng vào làm việc.
Bài, ảnh: Khôi Nguyên
Ý kiến bạn đọc (0)