Xét nghiệm sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh cho khoảng 7 nghìn học sinh huyện Sơn Động
Đây là một trong những nội dung triển khai nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh “Thực trạng thiếu máu do thiếu sắt và bệnh thalassemia ở trẻ 12 - 18 tuổi tại huyện Sơn Động và đề xuất một số giải pháp phòng ngừa giai đoạn 2023 - 2030” do Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang thực hiện.
Các bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm cho học sinh trên địa bàn huyện Sơn Động. |
Trong ngày 3 và ngày 6/1, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc miễn phí cho hơn 2,2 nghìn học sinh tại 9 trường THCS trên địa bàn các xã, thị trấn: An Châu, Tây Yên Tử, Vĩnh An, Thanh Luận, Tuấn Đạo và Yên Định.
Theo kế hoạch, từ nay đến hết tháng 1/2024, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang sẽ lấy thêm gần 4,8 nghìn mẫu xét nghiệm tại 21 trường THCS, THPT, dân tộc nội trú còn lại.
Tan máu bẩm sinh là bệnh lý huyết học di truyền phổ biến nhất, ước có khoảng 7% dân số thế giới mang gen bệnh. Tại Việt Nam, tỷ lệ người mang gen bệnh chiếm gần 14% dân số, tương đương hơn 14 triệu người. Mỗi năm, có thêm khoảng 8 nghìn trẻ em sinh ra bị bệnh tan máu bẩm sinh, trong đó có hơn 2 nghìn trẻ bị bệnh ở mức độ nặng, khoảng 800 trẻ không thể chào đời do bị phù thai.
Tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang, mỗi năm đơn vị tiếp nhận và điều trị truyền máu cho hơn 100 trẻ bị bệnh (chủ yếu ở các huyện miền núi), điều trị cho 20 - 30 bà mẹ mang thai những em bé bị bệnh tan máu bẩm sinh và sử dụng khoảng 1,2 nghìn đơn vị máu để truyền máu định kỳ cho những trẻ bị bệnh bẩm sinh. Đây là bệnh di truyền nguy hiểm, trẻ bị bệnh không chỉ phải truyền máu suốt đời mà còn gặp phải nhiều biến chứng, nguy cơ tử vong cao.
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang cho biết: “Việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, nghiên cứu ở lứa tuổi học sinh THCS, THPT góp phần phát hiện sớm người mang gen bệnh, từ đó bác sĩ sẽ tư vấn cho người dân cách phòng bệnh. Với những trường hợp mang gen bệnh cần xét nghiệm tiền hôn nhân để tránh kết hôn với người cùng mang gen bệnh hoặc xét nghiệm chẩn đoán trước sinh để tránh sinh ra trẻ mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Với những trường hợp thiếu máu do thiếu sắt, cha mẹ và trẻ sẽ được tư vấn, điều trị kịp thời để hồi phục số lượng máu”.
Tin, ảnh: Hiền Chúc
Ý kiến bạn đọc (0)