Vi Đức Thăng - Danh tướng thời Lê
Nghi thức rước lễ vào đền để tưởng nhớ công lao của tướng quân Vi Đức Thăng. |
Tướng quân Vi Đức Thăng là thủy tổ họ Vi ở khu An Châu, An Lập (Sơn Động). Ông là người xã Vạn Phần, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, xứ Nghệ An. Vào đầu thế kỷ XV, ông cùng Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa chống giặc Minh ở Lam Sơn (Thanh Hóa) rồi được cử lên chốt giữ vùng Sơn Động hiểm yếu, chặn đánh quân Minh. Ông dựng bản doanh tại An Châu, tổ chức xây dựng lực lượng, tích trữ lương thực, giữ yên một vùng, góp công lớn vào thắng lợi của nghĩa quân Lam Sơn. Ghi nhớ công lao vì dân, vì nước của danh tướng thời Lê Vi Đức Thăng, nhân dân địa phương lập đền thờ, lấy tên là đền Đức Ông.
Vì người dân trong vùng tôn ông như một vị vua nên đền Đức Ông còn được gọi là Vua Ông. Nơi thờ tự được xây dựng trên một gò đất cao, thoáng, nằm gọn trong khuôn viên rộng khoảng 200 m2, cây xanh rợp bóng quanh năm. Ông Ngọc Văn Sướng (78 tuổi), thôn Mật, xã An Lập, người thủ nhang miếu thờ cho biết: "Người già trong làng kể rằng, đền vốn được dựng quay mặt về hướng Đông Nam. Từ khi An Châu bị thực dân Pháp chiếm đóng, do Đức Ông linh thiêng nên mỗi khi quan Pháp cưỡi ngựa qua miếu là ngựa lồng lên, nhiều quan Pháp bị hất ngã, sứt đầu, mẻ trán. Muốn yên ổn phải xuống ngựa dắt bộ khiến nhuệ khí của chúng bị giảm sút. Vì lẽ đó, bọn quan quân thực dân phong kiến bắt người vùng này dỡ bỏ đền cũ và cho xây dựng quay mặt về hướng Tây Bắc như ngày nay”.
Đền Đức Ông ngày nay có bình đồ kiến trúc theo kiểu chữ "Nhất”, gồm 2 gian được liên kết vì mái theo kiểu kèo kìm cánh bang, quá giang vượt, các cấu kiện kiến trúc bào trơn, không chạm khắc trang trí. Trong đền có một ban thờ nhỏ, trên ban thờ là tượng Vi Đức Thăng và một số đồ thờ tự khác. Phía sau tượng treo một lá cờ ngũ sắc viết chữ Hán, chữ Nôm có nội dung ôn lại những chiến tích của tướng quân Vi Đức Thăng cùng nghĩa quân. Hàng năm, vào ngày mùng 3 tháng Giêng, người dân lại làm lễ Mở cối - khai việc làm ăn cho dân làng. Lễ cúng Đức Ông Vi Đức Thăng được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng 4 âm lịch và cũng là ngày diễn ra lễ hội bơi chải bằng thuyền mộc trên sông An Châu (đoạn chảy qua thôn Làng Chẽ), tái hiện cảnh luyện thủy quân của tướng quân Vi Đức Thăng…
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc, ngày 2 - 2 - 2004, miếu thờ tướng quân Vi Đức Thăng được cấp Bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Ý kiến bạn đọc (0)