Ứng phó với thiên tai mùa mưa bão: Chú trọng khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét
Nguy cơ thường trực
Xã Long Sơn nằm dọc theo sông Bè nối với sông Dãng ở xã Dương Hưu luôn có nguy cơ xảy ra lũ quét. Năm 2018, lũ đã làm 10 hộ bị nước tràn vào nhà, hàng chục ha lúa, hoa màu bị ngập, nhiều gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, một số công trình thủy lợi, giao thông sạt lở, hư hỏng, ước tính thiệt hại hơn 2 tỷ đồng.
![]() |
Ngầm tràn Đồng Dầu, xã An Bá vừa được đầu tư nâng cấp. |
Từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp. Cụ thể vào tháng 4 và 5, trên địa bàn xã xảy ra hai đợt mưa lớn, xuất hiện lũ quét, sạt lở đất tại một số khu vực. Nước dồn từ các đồi núi cao xuống vùng thấp khiến nước sông Bè và các con suối dâng cao, làm 5 hộ ở thôn Tẩu, Hạ, Thượng bị ngập 1-2 m, sập 40 m tường rào Trạm Y tế xã, sạt lở hơn 100 m đường giao thông. Lũ cuốn trôi 7,5 mẫu lúa, hoa màu và nhiều gia súc, gia cầm…
Ngay sau khi xảy ra mưa lũ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) xã Long Sơn đã huy động lực lượng xung kích xuống trợ giúp người dân di dời tài sản lên cao, huy động máy xúc để san gạt, khơi thông dòng chảy, khắc phục sạt lở đường giao thông.
Xác định mưa lũ năm nay đến sớm, diễn biến phức tạp, khó lường, xã Long Sơn đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, bổ sung vật tư dự phòng, thiết bị, phương tiện. Đối với những hộ ở ven sông, suối, vùng thấp nguy cơ bị ngập úng, xã đã lên kế hoạch bảo đảm các điều kiện an toàn khi có thiên tai ập đến.
Chủ động trước các tình huống
Theo Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện, năm 2019, Sơn Động xác định có 4 nhánh sông chính (Cẩm Đàn, Tuấn Đạo, Dãng, An Châu) và ba khu vực trọng điểm gồm các xã: An Lạc, Dương Hưu, Long Sơn, Tuấn Đạo, Phúc Thắng, Chiên Sơn, An Bá, Lệ Viễn, Yên Định, Cẩm Đàn thường xuyên xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, nước sông dâng cao, chia cắt thôn, xã. Các điểm cầu, ngầm tràn trên tuyến quốc lộ 31, 279, đường tỉnh 293, 291 và một số tuyến đường huyện, xã đều bố trí lực lượng trực 24/24 giờ để hướng dẫn giao thông.
Theo bà Hoàng Thị Ninh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, hiện các phương án PCTT đã được huyện phê duyệt chi tiết ở các khu vực cụm xã, mỗi xã đều thành lập các tổ, đội xung kích với lực lượng chủ lực là cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, y tế, đoàn thanh niên, dân quân tự vệ… Khi có thiên tai, lực lượng này có nhiệm vụ cứu hộ, sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn. Sau lũ tiến hành khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân.
Để chủ động PCTT, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện đã kiện toàn lại; triển khai 7 phương án PCTT - TKCN, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, thành viên và thực hiện phương châm "4 tại chỗ”. Đồng thời, huyện chỉ đạo khi có mưa, lũ xảy ra ở địa bàn, khu vực nào thì huy động lực lượng nhân dân và cán bộ nơi ấy tham gia phòng, chống. Riêng các xã, thị trấn thì sử dụng lực lượng xung kích để tham gia TKCN, cứu hộ.
Năm nay, huyện trích ngân sách khoảng 30 tỷ đồng đầu tư cải tạo, nâng cấp 6 hồ đập và 4 ngầm tràn giao thông, sửa chữa, thay thế mới hệ thống các biển báo, cảnh báo ở các điểm xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Huyện được Tổng cục Đường bộ Việt Nam đầu tư xây dựng hai cầu dân sinh tránh lũ tại xã An Châu và Yên Định với tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Việt Ước, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp khai thác khoáng sản xây dựng kế hoạch, phương án PCTT - TKCN. Phối hợp huyện Đình Lập (Lạng Sơn) thường xuyên cập nhật thông tin mỗi khi có mưa lũ, nước ở thượng nguồn dồn về để có phương án đối phó, không bị bất ngờ… Bên cạnh đó, thường xuyên dự báo và theo dõi về tình hình thời tiết, khí tượng - thủy văn để nhân dân chủ động có biện pháp phòng, chống, sơ tán kịp thời; theo dõi lượng mưa trên địa bàn để báo cáo, tổng hợp, đề phòng tình hình lũ ở các khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt phòng lũ quét, lũ ống, sạt lở đất xảy ra. Tổ chức hiệp đồng lực lượng với các đơn vị trên địa bàn; vận động nhân dân trong mùa mưa lũ dự trữ lương thực và các nhu yếu phẩm khác phục vụ cho sinh hoạt khi có tình huống bất trắc. Khi xảy ra bão lũ, việc đầu tiên là phải bảo đảm an toàn tính mạng con người, sau đó mới tính đến các phương án khác.
Quốc Phương - Xuân Thỏa
Ý kiến bạn đọc (0)