Tây Yên Tử trước ngày khai hội
Du khách dâng hương tại chùa Hạ. |
Điểm đến mới
Những ngày qua, công tác chuẩn bị cho Lễ khai hội xuân Tây Yên Tử đang được tiến hành khẩn trương. Mặc dù chưa hoàn tất nhưng hai ngày nghỉ cuối tuần, Khu du lịch Tây Yên Tử đã đón nhiều đoàn khách từ các nơi về lễ Phật, vãn cảnh. Đi qua đèo Bụt, du khách đã cảm nhận không khí lễ hội thông qua hệ thống pano tuyên truyền và hàng trăm cờ, băng zôn. Vẻ đẹp vốn có của miền sơn cước Tây Yên Tử được tô điểm thêm bởi những công trình văn hóa tâm linh đậm nét truyền thống càng làm tăng sức hấp dẫn cho nơi đây. Do hệ thống cáp treo chưa thể vận hành nên sau khi dâng hương tại chùa Hạ, du khách tiếp tục đi bộ chinh phục núi Yên Tử để lên chùa Đồng qua lối mòn kết hợp khám phá vẻ đẹp của rừng nguyên sinh.
Yên Tử mùa này có nhiều sương mù song từ sớm mùng 9 tháng Giêng, vợ chồng bà Nguyễn Thị Tuyết, phường Long Bình, TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã có mặt tại chùa Hạ. Bà cho biết: "Đã nhiều lần đến Yên Tử từ Quảng Ninh nhưng đây là lần đầu tiên tôi lên chùa Đồng từ phía tỉnh Bắc Giang. Qua báo chí và các kênh thông tin, tôi được biết Bắc Giang đang xây dựng một khu du lịch tâm linh gắn với Thiền phái Trúc Lâm. Do còn mới mẻ nên tại đây chưa có nhiều dịch vụ, hy vọng không lâu nữa khu du lịch sẽ sôi động hơn, xứng đáng là khu du lịch quy mô lớn". Anh Nguyễn Thế Đông ở thị trấn Thanh Sơn (Sơn Động) có quầy bán đồ lưu niệm, nước giải khát tại Khu du lịch cũng rất phấn chấn và có niềm tin khu du lịch sẽ ngày càng phát triển, thu hút đông du khách và giải quyết được nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trong vùng.
Háo hức chờ đón song do Lễ khai hội xuân Tây Yên Tử không vào ngày nghỉ nên dịp nghỉ cuối tuần qua, tại đây đã đón nhiều đoàn khách là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ nhiều địa phương. Nhờ tìm hiểu trước nên hành trang cho chuyến đi của du khách được chuẩn bị khá chu đáo từ lễ vật đến đồ ăn, thức uống. Khi chia tay vùng đất này, một số du khách đã kịp mua cho mình những sản phẩm rau rừng, dược liệu, nông sản làm quà cho gia đình, người thân.
Du khách đến Tây Yên Tử trước ngày khai hội. |
Bảo đảm cho thành công của lễ hội
Theo Công ty Điện lực Bắc Giang, đến nay, các phương án bảo đảm cấp điện an toàn, thông suốt cho các khu vực tổ chức Lễ khai hội đã hoàn thành. Điện lực các huyện Yên Dũng, Sơn Động, Lục Ngạn đã kiểm tra, khắc phục những tồn tại, thiếu sót của lưới điện và trạm biến áp; xử lý kịp thời những cách điện kém, loại bỏ nguy cơ gây sự cố; kiểm tra cân pha lưới điện hạ thế, san tải các máy biến áp phân phối... Bố trí nhân lực, nhanh chóng xử lý khi xảy ra sự cố, thiếu nguồn, thực hiện cấp điện theo mức độ ưu tiên cao cho khu vực chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên (Yên Dũng) và chùa Hạ, xã Tuấn Mậu (Sơn Động). |
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, nếu Đông Yên Tử (Quảng Ninh) là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu tập, thì Tây Yên Tử (Bắc Giang) là con đường hoằng dương Phật pháp của vị vua từng rũ bỏ ngai vàng, chuyên tâm tu hành và tạo dựng một dòng Thiền mang bản sắc dân tộc. Sau khi Phật hoàng nhập niết bàn, tổ đệ nhị Pháp Loa và tổ đệ tam Huyền Quang cũng theo con đường phía Tây này thực hiện nhiệm vụ Phật sự của Trúc Lâm, cho mở mang, xây dựng chùa tháp, phát triển đạo Phật rộng khắp ở Bắc Giang.
Ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Khai thác hệ thống di tích, danh thắng vùng Yên Tử nói chung, sườn Tây Yên Tử nói riêng là một nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh. Qua đây từng bước khôi phục, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh khu vực, kết nối với khu danh thắng Đông Yên Tử, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tâm linh, nghỉ dưỡng của người dân, tạo ra động lực mới góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. Đồng thời khẳng định giá trị văn hóa Phật giáo Trúc Lâm suốt hơn 700 năm qua và khôi phục con đường hành hương trong không gian văn hóa chung Đông - Tây Yên Tử. Lễ khai hội xuân và khánh thành giai đoạn 1 dự án Khu du lịch đã đánh dấu một mốc mới của du lịch tỉnh nhà. Các điểm chùa cùng hệ thống hạ tầng, dịch vụ tại đây dần được hình thành đồng bộ. Đó là kết quả bước đầu sau nhiều năm quyết tâm thực hiện của các cấp, ngành, huyện Sơn Động và nhà đầu tư. Để hoàn thiện dự án phải mất nhiều năm nữa nhưng từ những bước đi đầu tiên này có thể khẳng định trong tương lai nhân dân trong vùng sẽ được thụ hưởng những thành quả khi du lịch phát triển sôi động.
Xe chuyên dụng làm công tác vệ sinh môi trường khu vực tổ chức lễ hội. |
Chuẩn bị cho Lễ khai hội xuân Tây Yên Tử, nhiều ngày qua, cơ quan chức năng và huyện Sơn Động đã hoàn tất các nội dung như dựng sân khấu, trang trí khánh tiết, vệ sinh môi trường, dựng trại văn hóa trưng bày các sản phẩm đặc trưng, phương án bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Ông Mã Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã An Lạc (Sơn Động) cho biết: "Xác định Lễ khai hội Tây Yên Tử là sự kiện văn hóa, du lịch lớn nên xã tham gia dựng trại văn hóa và giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh Khu du lịch sinh thái Khe Rỗ đến du khách thông qua các sản phẩm đặc trưng như: Mật ong rừng, bánh cóc mò, ốc suối, nấm lim, bánh gio, thuốc nam và một số nông sản khác". Trong khi đó, bộ phận chuyên môn cũng đã chuẩn bị tham gia thi đấu các môn thể thao mang đậm bản sắc dân tộc như kéo co, đẩy gậy...
Quanh khu du lịch đã hình thành một số quầy dịch vụ cung cấp đồ lưu niệm, đồ lễ và dịch vụ giải khát, ăn uống sẽ phần nào đáp ứng nhu cầu của du khách. Hơn 200 học sinh Trường THPT Sơn Động số 3 cũng tình nguyện làm vệ sinh môi trường quanh khu du lịch… Sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ, tích cực của các ngành, địa phương đến thời điểm này có thể khẳng định công tác chuẩn bị cho lễ khai hội đã sẵn sàng. Chắc chắn buổi lễ sẽ mang đậm bản sắc và tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với du khách.
Chương trình Lễ khai hội xuân Tây Yên Tử * Ngày 26- 2 (tức 11 tháng Giêng) - Lễ rước tượng Tam Tổ Trúc Lâm từ chùa Vĩnh Nghiêm lên chùa Hạ - Tổ chức dựng trại văn hóa huyện Sơn Động; - Thi đấu các môn thể thao, trò chơi dân gian; - Trưng bày giới thiệu quảng bá tiềm năng du lịch tỉnh Bắc Giang; - Chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân (buổi tối). * Ngày 27-2 (tức 12 tháng Giêng): - 8 giờ 30 phút: Lễ khánh thành chùa Hạ và lễ cầu quốc thái dân an; - 9 giờ: Lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ; - 9 giờ 30 phút: Màn trống hội, múa lân, diễn văn khai hội, đánh trống, thỉnh chuông, chương trình nghệ thuật; - 13 giờ 30 phút đến 16 giờ: Tiếp tục các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, tổng kết trao giải các hội dung thể thao, trại văn hóa. |
Nguyễn Hưởng
Ý kiến bạn đọc (0)