Sơn Động: Nhân rộng điển hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều tập thể, cá nhân điển hình
Diện mạo thôn Lừa trước đây nay là tổ dân phố Lừa, thị trấn An Châu ngày càng đổi mới. Từng là một trong những địa bàn khó khăn nhất của huyện, đến nay, tổ dân phố có đầy đủ nhà văn hóa, sân thể thao, đường bê tông rộng giúp đi lại thuận lợi. Những công trình hoàn thành có phần đóng góp tích cực của ông Mông Văn Minh (SN 1967), Tổ trưởng tổ dân phố trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận vì việc chung.
Ông Mông Văn Minh và nhân dân tổ dân phố Lừa hiến đất mở rộng đường. |
Ông cho hay, năm 2015, khi bắt tay xây dựng nông thôn mới (NTM), địa bàn gặp nhiều khó khăn bởi không có nhà văn hóa, sân thể thao, tỷ lệ hộ nghèo cao. Khi ấy nhiều người lo ngại không huy động được nguồn lực triển khai, có ý định bàn lùi không triển khai.
Nhận thấy đây là cơ hội để thúc đẩy giao thương, phát triển KT - XH, giúp thay đổi đời sống người dân, ông cùng thành viên ban vận động của tổ dân phố thông qua các cuộc họp, gặp gỡ người dân để tuyên truyền chủ trương, vận động các gia đình có đất, hoa màu thuộc diện giải tỏa ủng hộ mở rộng đường, xây dựng thiết chế văn hóa.
Ghi nhận những đóng góp của các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua vùng đồng bào DTTS và miền núi, dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, Chủ tịch UBND huyện tặng Bằng khen, Giấy khen cho 100 tập thể, cá nhân. |
Kết quả từ năm 2016 đến nay, ông tham gia vận động 26 hộ hiến hơn 5 nghìn m2 đất để cho địa phương xây nhà văn hóa, sân tập thể thao và mở rộng mặt đường liên tổ dân phố. Trong đó, gia đình ông Mông Văn Đạm đã chặt bỏ cây ăn quả, hoa màu và hiến hơn 4,1 nghìn m2; ông Phan Văn Lợi cũng đóng góp 360 m2 đất ruộng. Khi xây dựng nhà văn hóa, gia đình ông Minh cũng tình nguyện hiến hàng chục m2 đất ruộng để công trình được thi công.
Gần đây, từ sự chung tay vì lợi ích chung của bà con mà tổ dân phố đã có khu an táng người đã khuất tập trung, cứng hóa giao thông nội đồng; cảnh quan môi trường phong quang, sạch đẹp.
Trong vùng đồng bào DTTS và miền núi ở huyện Sơn Động còn xuất hiện nhiều điển hình làm kinh tế giỏi. Đó là bà Nguyễn Thị Như, thôn Mật, xã Vĩnh An với mô hình nấu rượu kết hợp với chăn nuôi, trồng trọt cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 7 lao động địa phương.
Bà Nguyễn Thị Như với sản phẩm Rượu men lá Như Bảo được chứng nhận sản phẩm OCOP. |
Nhờ chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất an toàn, đến nay sản phẩm rượu men lá Như Bảo được nhiều người biết đến, tiêu thụ rộng rãi. Trên khu vườn của gia đình hiện có hơn 2 nghìn cây ăn quả và 50 con bò sinh sản. Ông Vi Văn Giới, thôn Nà Vàng, xã Vân Sơn thành công với mô hình nuôi gà 6 ngón. Trong lĩnh vực phát triển du lịch cộng đồng có ông Vũ Ngọc Huân, thôn Nà Ó, xã An Lạc thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.
Thi đua giảm nghèo nhanh, bền vững
Không chỉ làm giàu cho bản thân, những tập thể, cá nhân điển hình trong lao động, sản xuất có đóng góp đáng kể cho sự phát triển KT - XH trên địa bàn, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân địa phương, giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Cùng với sự nỗ lực của người dân, thời gian qua, UBND huyện triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng, vốn vay ưu đãi, đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao kỹ thuật.
Đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Sơn Động ngày càng đổi thay. Ảnh CTV. |
Trong hai năm 2021 - 2022, toàn huyện huy động các nguồn lực đầu tư hơn 440 tỷ đồng xây dựng NTM. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện đã hỗ trợ gần 1,4 nghìn hộ làm nhà ở, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt; xây dựng, duy tu, sửa chữa 60 công trình thủy lợi, y tế, giáo dục, hạ tầng giao thông tại các thôn đặc biệt khó khăn với số tiền hơn 222 tỷ đồng từ ngân sách T.Ư, tỉnh và huyện đối ứng.
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, các xã, thị trấn tổ chức các lớp đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp, điện dân dụng, chăn nuôi gà… cho người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cũng tích cực thẩm định, hoàn thiện hồ sơ, giải ngân vốn vay ưu đãi. Từ đầu năm đến nay, đơn vị giúp 104 hộ thiếu đất sản xuất được chuyển đổi nghề với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng.
Đồng bào dân tộc Dao huyện Sơn Động giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của địa phương tại Lễ hội Tây Yên Tử năm 2023. |
Nhờ được tiếp thêm sức mạnh, các hộ mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh doanh, đưa con giống, cây trồng vào sản xuất, bước đầu mang lại hiệu quả. Trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều sản phẩm đặc trưng được chứng nhận OCOP như: Mật ong, măng tre, nấm lim xanh, rượu men lá Tây Yên Tử, miến dong.... Đánh giá của UBND huyện, giai đoạn 2020-2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm bình quân 5%/năm, vượt so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra (mục tiêu là giảm 2,5 - 3 %/năm).
Sơn Động phấn đấu thoát khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước vào năm 2025. Để hiện thực hóa quyết tâm này, UBND huyện xác định tiếp tục quan tâm dành các nguồn lực ưu tiên phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh. Huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn bà con đổi mới tư duy sản xuất theo hướng đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị; thúc đẩy hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương thông qua sàn thương mại điện tử và các kênh tiêu thụ khác. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến có cách làm mới, hiệu quả, tạo sự lan tỏa phong trào thi đua trên địa bàn.
Bài, ảnh: Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)