Sơn Động: Hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng tỷ lệ trường chuẩn
Nhiều công trình được xây mới
Về thăm Trường Tiểu học xã Dương Hưu, tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi cơ sở khang trang, khuôn viên sạch đẹp. Còn nhớ cách đây vài năm, cơ sở vật chất của nhà trường thuộc diện kém nhất huyện với vẻn vẹn 8 phòng học được xây dựng từ cách đây hơn 20 năm.
Trường Tiểu học Dương Hưu được đầu tư bài bản, đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn trong năm nay. |
Khu nhà hiệu bộ xuống cấp, không có phòng chức năng. Nhằm tạo thuận lợi cho dạy và học của nhà trường, từ năm 2018 đến nay, UBND huyện quan tâm, dành các nguồn lực cải tạo, xây mới nhiều hạng mục. Đặc biệt, sau khi Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Chỉ thị, UBND huyện xây dựng kế hoạch, đề ra lộ trình đưa trường đạt chuẩn vào cuối năm nay. Theo đó, năm 2021, huyện dành 6 tỷ đồng xây mới 13 phòng học; các phòng chức năng cũng được sửa chữa, cải tạo.
Có đủ phòng học, năm học này, nhà trường đưa hơn 100 học sinh tại 4 khu lẻ ở các thôn: Bán, Mùng, Mùng Thượng và Đồng Riễu về điểm chính.
Thầy giáo Vi Văn Tuyến, Hiệu trưởng nhà trường nói: “Trước đây, mỗi khi thời tiết dự báo có mưa lớn, chúng tôi đều phải thông báo để phụ huynh đến đón con em về, tránh bị mắc kẹt tại các ngầm tràn. Nhưng giờ thì khác, nhà trường có đủ cơ sở vật chất để học sinh có thể lưu trú tại trường vào buổi tối khi nước tại các ngầm tràn dâng cao”.
Sau hơn một năm thực hiện Chỉ thị số 07, bằng các nguồn lực, UBND huyện bố trí hơn 220 tỷ đồng xây mới 195 phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng và các hạng mục phụ trợ; cải tạo 52 sân, nhà, lớp học, công trình vệ sinh. Qua đó nâng tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 95,13%, cao hơn 3,83% so với mặt bằng chung toàn tỉnh; huyện có thêm 2 trường được công nhận đạt chuẩn. |
Thống kê của UBND huyện, sau hơn một năm thực hiện Chỉ thị số 07, bằng các nguồn lực, UBND huyện bố trí hơn 220 tỷ đồng xây mới 195 phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng và các hạng mục phụ trợ; cải tạo 52 sân, nhà, lớp học, công trình vệ sinh. Qua đó nâng tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 95,13%, cao hơn 3,83% so với mặt bằng chung toàn tỉnh.
Có trường lớp khang trang, đủ điều kiện, chất lượng giáo dục của các nhà trường tăng lên đáng kể. Năm học 2021-2022, ở bậc tiểu học, tỷ lệ học sinh hoàn thành môn Tiếng Việt đạt 97,68% (tăng 0,39%), môn Toán 97,74% (tăng 0,04%), môn Tiếng Anh đạt 98,4% (tăng 1,4%) so với kết quả năm học trước. Ở bậc THCS, học sinh đạt học lực giỏi, khá tăng; học lực yếu, kém giảm 4,66%.
Điển hình như tại Trường Tiểu học và THCS Đại Sơn, sau khi được UBND huyện bố trí hơn 4 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa nhà hiệu bộ, 8 phòng học, phòng chức năng, chất lượng giáo dục nâng lên. Tỷ lệ học sinh lên lớp trong năm học 2021- 2022 đạt 98% (các năm trước đạt 96%), có 2 học sinh được vào đội tuyển thi học sinh giỏi của huyện; nhà trường đạt danh hiệu lao động xuất sắc.
Thầy giáo Vi Văn Điệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đại Sơn chia sẻ: “Cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của huyện, hai năm gần đây, chúng tôi kêu gọi xã hội hóa được hơn 300 triệu đồng để xây mới nhà vệ sinh cho học sinh, trang bị thêm quạt cho các phòng học. Hiện trường đáp ứng đủ các yếu tố để đề nghị công nhận đạt chuẩn trong tháng 11 này”.
Tiếp tục ưu tiên nguồn lực
Tìm hiểu được biết, để Chỉ thị 07 phát huy hiệu quả, ngay sau khi ban hành, Ban Thường vụ Huyện ủy đã yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; phát huy nội lực, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ để xây dựng cơ sở vật chất trường học, xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Thực hiện chỉ đạo này, UBND huyện, các xã, thị trấn tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường hợp lý, lâu dài, bảo đảm đủ diện tích theo tiêu chuẩn; xây dựng kế hoạch cũng như lộ trình đưa các trường đạt chuẩn.
Nhờ đó, sau hơn một năm ban hành Chỉ thị, toàn huyện có thêm hai trường được công nhận đạt chuẩn (Tiểu học An Bá và THCS Giáo Liêm), qua đó nâng tổng số trường được công nhận đạt chuẩn lên 51 trường (đạt 85%), trong đó có 21/22 trường mầm non, 14/15 trường tiểu học và 16/23 trường THCS.
Mặc dù vậy, qua đánh giá công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia vẫn còn những tồn tại, hạn chế, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp so với tỷ lệ chung toàn tỉnh; số điểm trường lẻ còn nhiều (55 điểm). Thiết bị dạy học ở một số đơn vị đã xuống cấp, hiệu quả sử dụng không cao; tỷ lệ giáo viên giỏi cấp tỉnh thấp; số lượng, chất lượng học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh hằng năm không cao.
Đáng chú ý, nguồn lực đầu tư cho các nhà trường vẫn chủ yếu từ ngân sách, việc bố trí vốn của các địa phương cũng như huy động xã hội hóa còn khó khăn.
Bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện nói: “Với quyết tâm có 95% trường đạt chuẩn vào năm 2025, hằng năm căn cứ vào nguồn lực, huyện sẽ bố trí khoảng 100 tỷ đồng đầu tư cho giáo dục, trong đó ưu tiên những trường chưa đạt chuẩn, trường đến thời gian công nhận lại. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất được thực hiện đồng bộ với đổi mới phương pháp dạy và học để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện” .
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)