Hội thảo về tổ chức Lễ hội Tây Yên Tử
![]() |
Quang cảnh hội thảo. |
Đồng chí Bùi Văn Hải, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự; PGS. TS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương chủ trì.
Phát biểu tại đây, đồng chí Bùi Văn Hải thông tin đến các đại biểu về chủ trương của tỉnh Bắc Giang, tình hình đầu tư hạ tầng giao thông, công trình văn hóa tại Khu văn hóa, tâm linh Tây Yên Tử trong những năm gần đây. Được sự quan tâm của T.Ư, sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh, những năm qua bên cạnh việc tập trung đầu tư phát triển KT-XH, tỉnh còn quan tâm xây dựng, phát triển đời sống văn hóa tinh thần tại khu vực này. Qua đây, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cảm ơn, đồng thời mong muốn các GS, TS, nhà khoa học tiếp tục ủng hộ, đóng góp trí tuệ nhằm tư vấn giúp Bắc Giang chuẩn bị tổ chức lễ hội Tây Yên Tử trang trọng, ý nghĩa, phát huy bản sắc dân tộc.
Đề dẫn hội thảo do đồng chí Lê Ánh Dương trình bày khẳng định: Từ thời Lý, Trần và các triều đại phong kiến sau này, khu vực Tây Yên Tử thuộc địa phận Bắc Giang đã có nhiều dấu tích các thiền sư đến tu hành, dựng chùa. Đến nay, việc xây dựng, phục dựng các di tích tại đây được thực hiện tập trung trong không gian thôn Đồng Thông, xã Tuấn Mậu (Sơn Động) và chia làm 4 cụm chùa gồm: Chùa Trình, chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng nhằm kết nối với chùa Đồng, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh núi Yên Tử. Hội thảo lần này nhằm bàn về mô hình, thời gian, địa điểm tổ chức và đề xuất cách thức, công tác quản lý trong lễ hội Tây Yên Tử (dự kiến diễn ra vào mùa xuân năm 2017) bảo đảm trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng, vui tươi, lành mạnh.
Các nhà khoa học đánh giá cao giá trị di sản văn hóa, tâm linh vùng Tây Yên Tử và cho rằng tỉnh cần có giải pháp khơi dậy tiềm năng, phát triển du lịch.
GS.TS Trần Lâm Biền nhận định: Tổ chức lễ hội Tây Yên Tử là sự bổ sung, mở ra một con đường hành hương mới để Yên Tử trở thành một di tích tâm linh, thắng cảnh một cách đầy đủ và toàn diện hơn. Vì thế, phần lễ cần được hội tụ những nghi thức gắn với Phật giáo và tín ngưỡng dân gian.
Các tham luận đồng tình với việc mở lễ hội Tây Yên Tử với quy mô cấp vùng, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, du lịch của các tầng lớp nhân, phát huy giá trị di sản, tiềm năng du lịch. Đối với phần lễ rước và dâng hương, các ý kiến cho rằng cần gắn với nghi lễ, màu sắc của Phật giáo Trúc Lâm với sự tham gia đông đảo của tầng lớp nhân dân thuộc các huyện: Sơn Động, Lục Nam, Yên Dũng, Lục Ngạn. Thời gian tổ chức nên có sự gắn kết với các lễ hội lớn trong vùng của tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương để tạo tính liên kết trong hành trình của du khách.
Phần hội có nhiều trò chơi dân gian, đậm bản sắc dân tộc, trình diễn thư pháp, giới thiệu về Thiền phái Trúc Lâm. Đêm khai hội có thể trình diễn các loại hình nghệ thuật dân gian và không nên mời các công ty tổ chức sự kiện mà để nhân dân tổ chức. Một số ý kiến cho rằng, thời điểm tổ chức, quy mô và tên gọi lễ hội cần có sự xem xét và cân nhắc thêm.
Vụ trưởng Vụ Phật học (Ban Tôn giáo Chính phủ) Bùi Hữu Dược nêu ý kiến: Lễ hội Tây và Đông Yên Tử hiện tại có thể khác nhau về thời gian, cách thức tổ chức nhưng lâu dài cần hòa vào làm một trong không gian chung của Phật giáo Trúc Lâm. Đồng quan điểm này, GS.TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại Học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Không nên có sự phân biệt Đông - Tây Yên Tử mà cần hướng tới lễ hội mang tầm Quốc gia và sự đồng nhất giữa hai vùng.
GS.TS Vũ Minh Giang nhận định vị trí của Bắc Giang không hề nhỏ đối với Thiền phái Trúc Lâm. Do đó, việc tổ chức lễ hội cần thể hiện được nét đặc sắc, tiêu biểu. Cùng đó, tỉnh cần tích cực chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, quan tâm tuyên truyền quảng bá nhằm tạo sự hấp dẫn đối với du khách.
Đồng chí Lê Ánh Dương đã tiếp thu, lĩnh hội ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đồng thời cho biết những góp ý đó sẽ được tỉnh quan tâm khi xây dựng Đề án “Tổ chức Lễ hội Tây Yên Tử” trong thời gian tới.
Nguyễn Hưởng
Ý kiến bạn đọc (0)