Để chợ vùng cao sạch, đẹp hơn
![]() |
Hàng hóa ở chợ phiên có khi chỉ là ít rau củ, hoa quả do chính tay người dân làm ra. |
Không chỉ là nơi mua bán
Chợ An Châu ở trung tâm huyện là nơi tập trung, giao lưu buôn bán đông đúc của người dân. Chợ họp theo phiên vào các ngày mùng 1, 6, 11, 16, 21, 26 âm lịch hằng tháng. Giữa đám đông tấp nập, chúng tôi gặp chị Vũ Thị Hinh, thôn Nà Phai, xã Lệ Viễn, chị cho hay: “Mỗi phiên chợ, tôi thường đi xuống đây mua sắm. Mặt hàng tại chợ khá phong phú, đa số là nông sản của người dân địa phương, giá cả cũng phải chăng. Đặc biệt, có nhiều sản vật được bày bán như mật ong, cây thuốc nam, ba kích, nấm lim...”.
Được biết, chợ An Châu có từ lâu đời, hiện có khoảng 210 ki-ốt, hằng ngày lượng người đến mua bán và hàng hóa luân chuyển rất lớn. Chị Nguyễn Thị Thoa, tiểu thương ở chợ An Châu cho biết: “Tôi đã buôn bán hàng tạp hóa tại đây hơn 10 năm, bình quân mỗi ngày lãi vài trăm nghìn đồng, là nguồn thu nhập chính của gia đình”.
Ngược quốc lộ 31, đến chợ cụm xã khu vực Vân Sơn nằm ngay cạnh đường, chúng tôi hòa vào dòng người đến trao đổi, buôn bán. Chị Bế Thị Hoa, dân tộc Tày, nhà ở xã Hữu Sản mang theo mấy con gà đi bán để mua cho con tấm áo mới. Chị Hoa nói: “Đi chợ với chúng tôi không chỉ để mua bán mà còn được gặp gỡ, trò chuyện với mọi người. Bà con mang đến chợ các loại nông sản do chính tay làm ra”.
Nhiều năm trước, giao thông đi lại khó khăn, hàng hóa khan hiếm, đồng bào vùng cao có khi phải đi chợ từ lúc chưa sáng, thậm chí là tối hôm trước để kịp phiên. Giờ đây, mọi thứ đã thuận tiện, tuy vậy, cái “hồn cốt” chợ phiên vùng cao vẫn không bị phai nhòa nhiều. Thấp thoáng đây đó là màu sắc thổ cẩm của những bộ trang phục dân tộc Dao, Tày, Nùng…
Nỗ lực thu hút đầu tư
Toàn huyện Sơn Động hiện có 7/8 chợ ở các xã: Dương Hưu, Long Sơn, Tuấn Đạo, Vân Sơn, Quế Sơn, Cẩm Đàn và thị trấn An Châu, thị trấn Thanh Sơn được xây dựng cách đây hơn 10 năm. Phần lớn các chợ đã xuống cấp, không đạt tiêu chuẩn chợ cấp III, nguồn thu từ các chợ thấp, không đáp ứng được kinh phí nâng cấp, chi phí quản lý dịch vụ… Chị Nguyễn Thị Thoa bày tỏ nguyện vọng: “Đa số tiểu thương ở chợ An Châu mong muốn huyện quan tâm đầu tư chuyển đổi chợ theo hình thức trung tâm thương mại, sắp xếp hợp lý hơn các gian hàng, khu vực kinh doanh buôn bán để thu hút được nhiều khách hàng”.
Bên cạnh đó, hạ tầng các chợ đã xuống cấp. Đơn cử như chợ An Châu, các công trình nhà vệ sinh, sân chợ, hệ thống thoát nước không bảo đảm. Sau mỗi phiên chợ, rác thải không được thu dọn kịp thời gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nông Thanh Yên, Chủ tịch UBND thị trấn An Châu cho rằng: “UBND thị trấn tiếp nhận quản lý chợ An Châu năm 2017, số thu từ chợ hằng năm nộp ngân sách nhà nước. Nguồn kinh phí đó lại không được dùng để sửa chữa, cải tạo cơ sở hạ tầng nên địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi cũng đã đề xuất với huyện nên chuyển đổi mô hình chợ trung tâm huyện sang đấu thầu hoặc chỉ định thầu cho doanh nghiệp (DN), HTX đầu tư, quản lý, khai thác thì mới giải quyết được những tồn tại hiện nay”.
Chợ cụm xã khu vực Vân Sơn cũng trong tình trạng tương tự, do diện tích hẹp nên thường xuyên quá tải, bà con bày hàng lấn ra lòng đường, vỉa hè, thiếu hệ thống thoát nước, xử lý rác thải.
Ông Ngô Văn Phương, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: “Huyện đã nhiều lần kêu gọi các DN đầu tư xây dựng chợ nông thôn. Một số DN sau khi đến tìm hiểu, khảo sát tại các chợ trên địa bàn huyện nhưng thấy chưa đáp ứng được về hiệu quả kinh doanh nên không mặn mà. Thời gian tới, Phòng tiếp tục tham mưu với UBND huyện có các cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút DN đầu tư, quản lý, khai thác vận hành chuyển đổi từ chợ thuần túy sang chợ đa chức năng, đầy đủ các dịch vụ thương mại”.
Quốc Phương - Xuân Thỏa
Ý kiến bạn đọc (0)