Bình xét hộ nghèo: Chuyện lạ ở xã Long Sơn
Không có người đi học nên không cho là hộ nghèo
Tiết trời đang xuân, mưa rây lất phất khiến những lớp rêu bám quanh sân thềm ngôi nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Nhạ (SN 1956) càng thêm xanh. Bước chân vào, tôi tưởng nhà hoang, nhưng không, đó là cơ ngơi cả gia đình bà Nhạ sinh sống từ năm 1984, nay đã xập xệ, xuống cấp thê thảm, cột kèo mục ruỗng cảm giác như chỉ một cơn gió mạnh là mái bung, tường đổ. Tài sản trong nhà hầu như không có gì. Chiếc ti vi đen trắng 14 inch phập phù nhòe nhoẹt hình ảnh; cái tủ lạnh đã hoen gỉ. Trên bàn thờ, tấm ảnh người chồng trung niên ẩn sau làn khói hương nghi ngút. Dáng người gầy gò, gương mặt khắc khổ bế đứa cháu nội chừng 3 tuổi, đôi mắt đượm buồn, bà Nhạ kể về đời mình: “Tôi lấy chồng là Nguyễn Văn Thành (SN 1957), sinh được 4 đứa con (ba gái, một trai).
Bà Nguyễn Thị Nhạ bên căn nhà xập xệ. Gia đình bà không được công nhận là hộ nghèo. |
Ông Thành có 5 năm ở chiến trường Campuchia, bị thương ở lưng nhưng không có giấy tờ chứng minh nên không được hưởng chế độ gì. Về nhà nay ốm mai đau, đi chữa trị khắp nơi, tiền hết rồi người cũng mất, ông ấy ra đi năm 2010”. Các con gái đã lấy chồng ở riêng, hiện bà Nhạ ở với con trai Nguyễn Văn Luân (SN 1986). Luân lấy vợ sinh được hai con trai, đứa 3 tuổi, đứa 6 tuổi. Vợ làm công nhân ở Khu công nghiệp Đình Trám (Việt Yên), cách nhà hơn 100 km nên mỗi tháng mới về thăm con một lần. Luân làm phụ hồ cũng chả có việc thường xuyên, ai gọi thì đi. Gia đình có 5 sào ruộng, không có rừng nên bí bách, bao năm không sửa nổi cái nhà. Thấy tôi chăm chú quan sát, bà Nhạ rơm rớm nước mắt: “Thế mà gia đình tôi không được công nhận là hộ nghèo cô thấy có khổ không chứ. Gần Tết vừa rồi có mấy người nhắc tôi không ra xã nhận tiền điện hỗ trợ hộ nghèo à, tôi nói có được công nhận đâu, ai cũng ngạc nhiên. Hỏi thôn thì họ lý giải gia đình không có người đi học thì… không cho là hộ nghèo”.
Gia đình ông Hoàng Văn Thành, cán bộ Trạm Y tế xã Long Sơn (có nhà ba tầng như trong ảnh) được xét là hộ cận nghèo. |
Ở thôn Thanh Hương còn có gia đình anh Nguyễn Văn Toan (SN 1976) có một mẹ già và ba con nhỏ cũng thuộc diện khó khăn; hay như hộ bà Ngọc Thị Liên (SN 1955) bị liệt hai chân bẩm sinh đang nuôi cháu nội học lớp 7; hộ bà Ngọc Thị Hòa (SN 1941)… cũng không được công nhận là hộ nghèo hay cận nghèo. Khi tôi hỏi vì sao ông bà không có ý kiến với thôn, xã thì nhận được trả lời ý là: Chúng tôi sợ bị làm khó dễ khi ra xã xin dấu hay cần chứng nhận việc gì.
Khỏe mạnh, có lương lại được công nhận
Thanh Hương là thôn trung tâm của xã Long Sơn có 117 hộ, đây là thôn khá nhất xã bởi nhiều người dân có nhà mặt bám dọc quốc lộ 279 từ thị trấn An Châu đi tỉnh Quảng Ninh. Oái oăm là trong danh sách 8 hộ nghèo và 24 hộ cận nghèo năm 2018 có tên nhiều hộ vợ chồng có sức khỏe, có lương, thu nhập cao, ổn định, có nhà cao tầng kiên cố bám mặt đường. Điển hình là hộ Trung tá quân đội Ngọc Thanh Bình (SN 1946), vợ là Ngọc Thị Chí (SN 1958), giáo viên về hưu hay gia đình ông Ngọc Xuân Lưỡng (SN 1957), nguyên Trưởng thôn Đẫng có nhà hai tầng mặt đường... lại được công nhận là hộ nghèo.
Hộ ông Ngọc Minh Tại (SN 1951), nguyên Chủ tịch UBND xã Long Sơn; vợ chồng anh chị Hoàng Văn Bắc, Nguyễn Thị Linh (cùng SN 1989) khỏe mạnh, có công việc ổn định, có đồi rừng; ông Hoàng Văn Thành (SN 1968) hiện công tác tại Trạm y tế xã, vợ là Nông Thị Quýt có nhà ba tầng mặt quốc lộ; hay như hộ ông Ngọc Trung Thành (SN 1957); Ngọc Văn Huy (SN 1975, em ruột ông Ngọc Tiến Lệ, Chủ tịch UBND xã Long Sơn)… cũng có tên trong danh sách hộ cận nghèo.
Lý giải về những hộ khá giả, có thu nhập ổn định nhưng vẫn được thôn lập danh sách đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận là hộ nghèo và cận nghèo, ông Nguyễn Văn Hệ, Trưởng thôn Thanh Hương phân trần: “Chúng tôi làm theo đúng quy trình, có thành lập Ban rà soát của thôn, bàn bạc công khai dân chủ trong dân, dán thông báo ở nhà văn hóa. Đối với những gia đình được công nhận hộ nghèo và cận nghèo như ở trên đều có lý do, hộ thì bị vỡ nợ tín dụng đen, hộ có người tai nạn, ốm đau, hộ có con bị đi tù và cũng nhiều hộ có con cháu đang đi học. Vì tình cảm, không ai “đuổi chuột cùng sào” nên chúng tôi đưa họ vào danh sách để mong được miễn giảm học phí, viện phí, được vay tiền, được hưởng các chế độ chính sách Nhà nước hỗ trợ”.
Tôi thầm nghĩ: Vì suy nghĩ đó nên nhiều gia đình khó khăn thực sự đành phải chấp nhận san sẻ cơ hội được hưởng hỗ trợ cho những người khác hay sao?
Nỗi buồn cơm áo
Làm việc với ông Ngọc Văn Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn, ông cho biết: "Ðịa phương chúng tôi làm rất nghiêm, ưu tiên trước hết cho đối tượng chính sách và những người có hoàn cảnh đặc biệt". Thế nhưng, nhiều hộ khó khăn thực sự, nếm đủ hoạn nạn vì sao bị gạt ra, không được bình xét; ngược lại nhiều hộ có lương, có thu nhập ổn định, thậm chí người nhà của cán bộ xã, thôn lại có tên trong danh sách, có phải đấy là nghịch lý không- tôi hỏi? Ông Dân thành thật: "Khi các thôn chuyển danh sách đề nghị, xã cơ bản tôn trọng ý kiến, đề xuất của thôn nên hầu như giữ nguyên. Có một số hộ đúng là khi bình xét vì cái tình, thậm chí nể nang có thể chưa đúng với thực tế khiến người dân thắc mắc, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại, thấy chưa được sẽ… rút kinh nghiệm; đồng thời sẽ xem xét, chỉ đạo để họ làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo, cận nghèo. Quan điểm của UBND xã là nếu người dân không đồng tình với việc bình xét hộ nghèo, cận nghèo thì mạnh dạn có ý kiến trực tiếp với thôn, xã”.
Bà Nhạ kể về khó khăn của gia đình. |
Thiết nghĩ, chắc không chỉ riêng thôn Thanh Hương, mà 7 thôn còn lại của xã Long Sơn, việc bình xét hộ nghèo, cận nghèo liệu có được công minh, công bằng, dân chủ? Còn bao nhiêu gia đình nghèo khó thực sự rất cần sự “tiếp sức”, hỗ trợ bằng vật chất của Nhà nước, của cộng đồng để có động lực vươn lên thoát nghèo? Rất cần sự vào cuộc của ngành chức năng để những người nghèo không bị thiệt thòi, để chính sách hỗ trợ của Nhà nước không bị làm mất đi ý nghĩa nhân văn; để sao cho người được bình xét vào diện nghèo, cận nghèo hoặc không ở trong những trường hợp ấy, đều thấy hợp tình, hợp lý, đúng với các tiêu chí Nhà nước đã đề ra.
Tuấn Minh
Ý kiến bạn đọc (0)