Gặp lại ông Thành từ thiện
Ông Thành lật giở những trang nhật ký Tấm lòng Vàng của mình. |
SN 1930 tại Đà Nẵng nhưng ngoài quãng thời gian tham gia cách mạng tiền khởi nghĩa, rồi sau đó chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, hầu hết năm tháng còn lại, ông Thái Văn Thành gắn bó cuộc đời mình ở vùng đất vải thiều Lục Ngạn. Trong suốt giai đoạn từ năm 2007 đến 2015, khi toàn Đảng, toàn dân đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ông Thành là một trong những nhân tố điển hình của huyện Lục Ngạn nhờ vào những việc làm từ thiện hết sức “khác người” của mình. Thời điểm đó, ông từng đạp xe hoặc chống gậy, khoác túi đi khắp thị trấn và các xã lân cận để bán sách cũ, lịch, tăm tre và vận động quyên góp xây dựng quỹ từ thiện tấm lòng vàng.
Có thời gian ông còn tự tay đóng tủ chữ thập đỏ, xin phép chính quyền được đặt tại các điểm công cộng trên địa bàn để tranh thủ góp nhặt yêu thương từ những tấm lòng hảo tâm của người dân. Thậm chí, phần lớn số tiền lương hưu của mình cũng được ông trích ra hỗ trợ một số gia đình khó khăn trong và ngoài huyện. Những năm tháng này, hàng chục triệu đồng được vận động từ các nguồn ấy và không ít mảnh đời bất hạnh nhận được sự giúp đỡ của ông. Không những vậy, dù chưa thật sự dư dả nhưng khi khu phố xây dựng nhà văn hóa, ông cũng sẵn sàng ủng hộ hơn 10 triệu đồng. Điều đó thể hiện cái tâm của ông với phong trào và với cộng đồng, xã hội.
Bẵng đi vài năm, mới đây tôi gặp lại ông Thành tại ngày hội giao lưu văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Lục Ngạn năm 2018. Khi ấy, ông có mặt tại Văn phòng UBND & HĐND huyện quyên góp sách, báo, tạp chí cũ để bán lấy tiền giúp đỡ người nghèo. Tôi thực sự bất ngờ bởi lần gặp gần nhất cách đó 3-4 năm, sức khỏe ông đã khá yếu do bệnh liên quan đến tim mạch. Cứ tưởng sau đận ấy ông sẽ “nghỉ hưu”, nào ngờ cái máu từ thiện ngấm sâu khiến những bước chân của ông chưa thể dừng lại. Không đủ sức để đi lại nhiều nên thi thoảng ông tranh thủ thời gian buổi sáng để vừa mang tăm đi bán vừa tranh thủ tìm kiếm nguồn sách, báo cũ. Đặc biệt, với uy tín của mình, ông vận động các hội viên hội cựu chiến binh của thị trấn và một số thầy, cô giáo trên địa bàn tham gia hoạt động gây quỹ.
Trong cuốn sổ Tấm lòng Vàng mà ông tự tay đóng với dòng chữ viết “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” thời gian qua vẫn xuất hiện đều đặn những cái tên ủng hộ. Đơn cử: Ngày 8-11-2017, anh Trần Đức Thắng ở thị trấn Chũ (200 nghìn đồng); ngày 31-3-2018: Anh Lý Văn Hậu ở xã Tân Quang (50 nghìn đồng); ngày 4-4-2018, chị Lưu Thị San ở thị trấn Chũ (40 nghìn đồng)… Thậm chí, ông còn giữ cả những tờ giấy biên nhận chuyển tiền đến các địa chỉ như Hội Chữ thập đỏ các tỉnh Yên Bái, Quảng Bình; quỹ Vì người nghèo tỉnh Quảng Nam…
Trong suốt “sự nghiệp” của mình, ông Thái Văn Thành được rất nhiều cấp, ngành khen thưởng, trong đó nổi bật là kỷ niệm chương của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Tuy nhiên, phần thưởng lớn nhất với ông chính là cái tên thân mật mà nhiều người dân đặt cho “ông Thành từ thiện”.
Quốc Trường
Ý kiến bạn đọc (0)