Đổi thay ở Tân Trường
Mùa xuân năm 1963, nghe theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, một số hộ dân ở các xã Cao An, Tân Trường, Việt Hòa (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) lên xã Thanh Sơn (nay là xã Thanh Hải), huyện Lục Ngạn khai hoang, lập nghiệp.
Đường vào thôn Tân Trường. |
Ông Nguyễn Xuân Kiều (SN 1952), người dân thôn Tân Trường cho biết: "Ban đầu thôn thành lập 2 HTX, gồm HTX Định cư Tân Trường và HTX Định cư Cao An với 22 hộ và 111 khẩu. Sau một số lần sáp nhập, chia tách, đến năm 1986 thôn được đặt tên là Tân Trường. Từ chỗ khó khăn, cuộc sống của người dân nơi đây từng bước nâng lên. Những năm đầu, bà con đi xây dựng vùng kinh tế mới phải đối mặt với muôn vàn trở ngại, đường đi lại khó khăn, chủ yếu là lối mòn qua đồi rừng hoang vu, đất đai cằn cỗi, dụng cụ lao động thiếu, sinh hoạt, sản xuất chủ yếu nhờ vào nước trời".
Với ý chí mạnh mẽ và sự cần cù, bà con nhanh chóng bắt nhịp với cuộc sống mới để an cư lạc nghiệp. Với 65 ha đất canh tác, người dân Tân Trường đã trồng cây ăn quả, cấy lúa, trồng ngô, khoai, sắn, chăn nuôi gia súc gia cầm, làm nghề thủ công đan lát… Trong giai đoạn từ năm 1986 đến nay, cùng với cấy lúa, trồng sắn, khoai, người dân đã thâm canh vải thiều, mở rộng ngành nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt hiện nay, nhiều hộ trong thôn làm mỳ gạo, trồng cây có múi, thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm.
Ông Hoàng Văn Sinh, Trưởng thôn cho biết: Từ một thôn khó khăn trước đây, nay học sinh trong độ tuổi đều được đến trường. Đường bê tông, nhà văn hóa được xây mới; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tổ chức thường xuyên nên đời sống tinh thần của bà con khá phong phú. Tân Trường hiện có 121 hộ với 480 khẩu. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, 100% hộ dân có nhà kiên cố, khoảng 68% có nhà 2 đến 3 tầng. Hiện thôn không còn hộ nghèo, số hộ cận nghèo còn 7 hộ, chiếm 0,7%. Những kết quả trong phát triển KT-XH là tiền đề để Tân Trường vững vàng bước tiếp trên chặng đường mới, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Quang Huấn
Ý kiến bạn đọc (0)