70 năm một lòng theo Đảng
Ông Lương Viết Uyên. |
Ông Lương Viết Uyên sinh năm 1924, là người con của vùng quê lúa huyện Nam Sách (Hải Dương). Tuổi thơ, ông được cha mẹ tạo điều kiện cho đi học. Những trang sách báo, hiện thực cuộc sống bấy giờ đã nói hộ ông về tình hình chiến tranh, về nạn đói năm Ất Dậu, về phong trào Đông Du cùng nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu... Đặc biệt là những câu chuyện về bước đường bôn ba cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc như hồi chuông lay động những trái tim đang thao thức của thế hệ ông, để rồi từng bước nhóm lên ngọn lửa nhiệt thành trong con người Lương Viết Uyên.
Ngày 20-6-1948, chàng trai trẻ Lương Viết Uyên được đứng vào hàng ngũ của Đảng, tạo tiền đề để chi bộ đầu tiên nơi ông công tác ra đời và bí thư chi bộ đầu tiên lại chính là ông. Quá trình công tác, ông được đặt cho biệt danh là “nhân vật không ổn định” bởi hễ chỗ nào không ổn định là ông được điều đến để ổn định tình hình. Và ông đã trải qua nhiều cương vị: Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nam Sách; Thường trực Ban Tuyên truyền tỉnh Hải Dương; Phó trưởng Ty Thông tin tỉnh Hải Dương...
Sự kiện “cải cách ruộng đất” những năm đầu thập niên 1950, ông 4 lần được chọn tham gia đoàn công tác, lần đầu tại huyện Hữu Lũng, lần hai ở Yên Dũng, lần ba ở Việt Yên và lần bốn là tại huyện Tiên Sơn. Tất cả những lần ấy ông đều giữ trọng trách đội trưởng. Ông luôn thận trọng suy xét nhìn thẳng vào sự thật để tìm ra phải trái đúng sai. Ông cũng bày tỏ sự cảm thông chia sẻ với những nạn nhân, được nhân dân ủng hộ để ông hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Khi nhiệm vụ sửa sai kết thúc, ông chuyển công tác về huyện Lục Ngạn. Thời gian sau về làm việc tại cơ quan thông tin tỉnh Hà Bắc. Ai từng trong ngành phát thanh tỉnh Hà Bắc 40 năm trước hẳn còn nhớ người đàn ông phong thái khoan dung luôn cần mẫn bên chồng bản thảo chấm sửa từng tin, bài trước khi đưa lên sóng nhằm kịp thời cổ vũ phong trào thi đua yêu nước toàn tỉnh bấy giờ. Người đó chính là cán bộ biên tập Lương Viết Uyên. Rồi một ngày vì tuổi tác, ông rời những chồng bản thảo về với gia đình tại thị trấn Chũ. Về hưu, ông dành thời gian viết văn, tham gia hội thơ Đường, hội sinh vật cảnh, hội thư pháp… Thị lực kém, ông đeo kính lúp để “soi” từng nét chữ trên mỗi dòng bản thảo, trên từng trang sách, báo. Thính lực kém, ông đeo trợ thính khi nghe đài, tivi. Mỗi ngày ông đọc vài tờ báo, viết vài trang giấy để đầu óc đỡ chai lì.
Gần một thế kỷ đi qua cuộc đời người đảng viên kỳ cựu sau hơn 30 năm buông cây bút nơi công sở về với cây bút chốn điền viên ông mới được anh em, bạn bè mến mộ văn chương dù biết ông không trong Hội Nhà văn nhưng vẫn trân trọng gọi ông là “nhà văn trẻ”. Ông đã hoàn thành ba đầu sách gồm hai tiểu thuyết và một công trình nghiên cứu Làng xã Việt Nam đoạt giải thưởng tỉnh Hải Dương, được một số nhà xuất bản lớn ấn hành. Vâng,“nhà văn trẻ” ấy nay đâu còn trẻ khi mái đầu trắng xóa, chỉ có tâm hồn vẫn như cánh én mùa xuân suốt rộng dài năm tháng.
Ngô Minh Bắc
Ý kiến bạn đọc (0)