Võ đường của nữ công an viên
Môn sinh của võ đường giành vị trí thứ hai toàn đoàn tại Giải vô địch trẻ Karatedo mở rộng năm 2017. |
Từ nhỏ Thân Minh Nguyệt đã đặc biệt ham mê võ thuật. Nguyệt tham gia vào các khóa học từ võ cổ truyền đến Karatedo, Taekwondo, Boxing bất chấp sự can ngăn từ phía gia đình.
Mới tiếp xúc, Nguyệt rất ít nói và tỏ ra khá dè dặt, lạnh lùng nhưng khi đã đủ độ thân thiện, cô gái trẻ trò chuyện rất tự nhiên nhưng đầy chững chạc, trải nghiệm. Nguyệt bảo: “Anh không thể tưởng tượng được đâu, lúc nhỏ em “ngầu” lắm, chẳng bao giờ biết sợ đám con trai trong xóm, ngược lại chúng còn ngại mình. Từ ngày học võ đã rèn cho em bản lĩnh, sự kiên nhẫn, điềm đạm cũng như nhiều đức tính tốt khác”. Dù mạnh mẽ và đầy cá tính là vậy nhưng tôi vẫn nhận thấy ở Nguyệt có những nét rất dung dị và một tâm hồn đầy nữ tính. Trước cửa nhà, Nguyệt tự tay trồng những luống hoa hồng, hoa cúc tạo thành một không gian thơ mộng. Cô tự nhận mình cũng rất chú tâm đến chuyện “nữ công gia chánh”, trong gia đình cô luôn cố gắng làm tròn vai người vợ, người mẹ. Rồi không quản ngại đêm hôm, cô cùng với lực lượng an ninh thị trấn Đồi Ngô thường xuyên tuần tra nắm tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Đồng thời luôn tích cực tham gia các phong trào đoàn thể với vai trò Bí thư Chi đoàn khu phố Thân Phú.
Một buổi dạy võ của Thân Minh Nguyệt. |
Thời học sinh, Nguyệt từng tham gia và đạt nhiều thành tích tại các giải thi đấu thể thao các cấp, trong đó có tấm HCB Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc (năm 2008). Với những kiến thức võ thuật học được từ các thầy ở Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, học lớp 12, Nguyệt bắt đầu truyền dạy võ thuật cho bạn bè, học sinh khóa dưới và trẻ em trong xóm. Sau khi học xong Đại học TDTT Bắc Ninh, nữ võ sư trẻ quyết định “nâng cấp” lớp võ thành võ đường. Trong khuôn viên của gia đình, cô bố trí một khu đất rộng hơn một trăm mét vuông láng bê tông và trải thảm để môn sinh tập luyện. Võ đường trang bị đầy đủ găng, đai, giáp, trang phục, dụng cụ tập luyện. Ngoài ra, Nguyệt cũng liên kết với một trường học tại xã Đông Phú mở lớp dạy võ tại chỗ, tổng số môn sinh hiện nay là gần 100 em, dịp hè có thể lên tới vài trăm em từ các xã, thị trấn lân cận.
Được nhiều phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em, cộng thêm chồng động viên nên Nguyệt rất chuyên tâm gắn bó với công việc đào tạo võ thuật. “Ông xã tôi là người lính xuất ngũ và cũng đam mê võ thuật nên rất chia sẻ, tạo điều kiện cho vợ theo đuổi đam mê. Không chỉ dạy võ, tôi vẫn tích cực tham gia thi đấu các giải kéo co, đẩy gậy, vật cho đoàn Lục Nam tại các giải thể thao cấp tỉnh”, Thân Minh Nguyệt cho biết.
Nhiều năm dạy võ nhưng điều khiến Nguyệt vui hơn cả là đã cảm hóa được không ít thanh thiếu niên thay tính đổi nết, có em chưa học võ thì thường xuyên gây gổ đánh nhau nhưng sau khi vào võ đường một thời gian đã trưởng thành hơn rất nhiều. Cũng từ võ đường nhỏ bé này, một số môn sinh do Nguyệt đào tạo đã được đội tuyển Boxing Hà Nội tuyển chọn và huấn luyện tham gia các giải đấu. Tại một số giải cấp tỉnh hay mở rộng môn sinh võ đường Bách Nguyệt giành được nhiều thành tích như giải Karate Samurai mở rộng năm 2017, võ đường có 12 môn sinh tham gia thi đấu và đã giành 8 HCV, 2 HCB, 2HCĐ, xếp thứ Nhì trong tổng số 30 đoàn tham gia. Bên cạnh tập trung đào tạo võ thuật chuyên sâu, Thân Minh Nguyệt đang ấp ủ dự định sẽ phối hợp với các nhà trường trong huyện phát triển mạng lưới các lớp dạy võ trên địa bàn.
Nguyễn Hưởng
Ý kiến bạn đọc (0)