Triệu phú thôn Múc
Chủ trang trại Bùi Văn Nguyên (bên phải) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây ăn quả với đoàn viên thanh niên địa phương. |
Sinh ra trong gia đình nghèo, đông anh em, cha mất sớm nên Bùi Văn Nguyên chỉ học hết THCS. Năm 2007, Nguyên lặn lội vào tỉnh Bình Dương làm thuê tại một xưởng sản xuất đồ gỗ. Mấy năm lao động vất vả, sau khi trừ chi phí sinh hoạt, số tiền tích lũy không được là bao. Cuộc sống càng khó khăn hơn sau khi Nguyên xây dựng gia đình. Nhận thấy không thể suốt đời làm thuê nay đây mai đó, cuối năm 2011, hai vợ chồng quyết định khăn gói về quê. Vốn chăm chỉ, chịu khó nhưng sau vài lần chuyển đổi việc làm, gia đình nhỏ vẫn không có nguồn thu nhập ổn định. Nhân một chuyến về thăm quê ngoại ở Lục Ngạn, thấy người dân phải đến tận Hưng Yên, ngoại thành Hà Nội mua cây giống, Nguyên liền nảy ra ý tưởng cải tạo khu vườn rộng hơn 5000m2 của gia đình đang bỏ không thành trang trại trồng cây giống cung cấp cho bà con. Để ý tưởng thành hiện thực, anh tìm đến một số trung tâm giống cây ăn quả lớn ở miền Bắc học hỏi kỹ thuật.
Năm 2015, Bùi Văn Nguyên vay vốn đầu tư xây dựng trang trại, mạnh dạn chặt hạ toàn bộ diện tích vải thiều già cỗi, cải tạo đất hoang hóa thành khu vườn ươm bốn mùa xanh mát. Nguyên cho hay, khó nhất vẫn là kỹ thuật chiết, ghép cây. Để mắt ghép khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, việc lựa chọn cây được ghép phải kỹ lưỡng. Với cách ghép cam Vinh, cam Đường Canh, cam da xanh trên thân cây bưởi dại gốc khỏe, chàng trai trẻ đã thành công. Ngoài cây ăn quả, trang trại còn cung ứng giống cây lấy bóng mát, cây lâm nghiệp cho nông dân, cơ quan, doanh nghiệp.
Để khẳng định uy tín, chất lượng và sản phẩm tiêu thụ rộng rãi trên thị trường, ông chủ trẻ còn lập fanpage giới thiệu sản phẩm cây trồng. Bây giờ còn có cả facebook, hòm thư điện tử để giao dịch. |
Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật trong chăm sóc, giống cây cung ứng ra thị trường đạt chất lượng, cơ sở của Nguyên được UBND huyện Lục Nam cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động. Nhớ lại buổi đầu làm nghề, Nguyên kể: "Thời kỳ đầu không ai biết đến trang trại, với chiếc xe máy cà tàng chở phía sau bầu cây giống, tôi rong ruổi khắp trong, ngoài huyện quảng bá, giới thiệu. Khi gặp khách mua số lượng lớn, tôi đón về tận vườn tham quan và tư vấn kỹ thuật trồng, chăm sóc”. Để khẳng định uy tín, chất lượng và sản phẩm tiêu thụ rộng rãi trên thị trường, ông chủ trẻ còn lập fanpage giới thiệu sản phẩm cây trồng. Bây giờ còn có cả facebook, hòm thư điện tử để giao dịch. Mọi việc trao đổi, giao dịch thực hiện chủ yếu qua điện thoại và mạng xã hội nên thuận tiện, giảm chi phí đi lại. Thu nhập từ trang trại mang lại lợi nhuận nhưng Bùi Văn Nguyên vẫn giữ nếp sống giản dị, chân chất. Số tiền lãi hằng năm Nguyên mua ô tô vận chuyển hàng, còn lại tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.
Đưa chúng tôi đi thăm khu vườn ươm, Nguyên cho hay trung bình mỗi năm trang trại cung cấp hơn 18 vạn cây cho nông dân trong và ngoài tỉnh. Khách ở xa tìm đến trang trại ngày một nhiều nên cuối năm 2015, Nguyên mở thêm cơ sở 2 ở thị trấn Văn Giang (Hưng Yên) và cơ sở 3 tại huyện Tân Kỳ (Nghệ An), giải quyết việc làm thường xuyên cho 12 lao động. Mục tiêu của Nguyên đang hướng tới đó là xây dựng chuỗi cơ sở cung ứng giống cây chất lượng, giúp người nông dân có thêm nguồn thu.
Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)