Lên núi Gốm thăm đền Cao Sơn
Lễ rước trong ngày hội đền Cao Sơn. |
Núi Gốm thuộc địa phận ba xã Huyền Sơn, Nghĩa Phương, Cương Sơn. Sở dĩ gọi là núi Gốm vì xưa kia cư dân sống ở chân núi có nghề làm gốm, nay nghề gốm tuy mai một nhưng tên gọi vẫn còn. Năm 1998, trong khu vực thuộc sơn phận núi Gốm đã phát hiện một bản giập hoa văn gốm bằng đá cỡ 20cm x 40cm x4cm. Bản giập được người xưa giấu ở dưới một khối đá lớn.
Xung quanh núi Gốm hiện nay là các vạt vải thiều, na dai, bạch đàn, keo và ngàn thông xanh thẫm. Ở độ cao hơn 400m so với mực nước biển, du khách muốn lên núi Gốm lễ đền Cao Sơn phải mất gần một giờ đồng hồ đi bộ. Gọi là đỉnh núi nhưng rất bằng phẳng. Theo nhận xét của các nhà khảo cổ thì đây là phế tích nền móng của công trình kiến trúc cổ. Tổng thể mặt bằng rộng chừng 500m2. Tâm điểm ở đây là ngôi đền nhỏ với kiến trúc xây bệ dật cấp bằng đá cổ, bệ trên cùng đặt bát hương và các đồ lễ. Phía trước khu thờ chính cách khoảng 10m là bệ thờ được xếp bằng đá cao khoảng 1,5m, trên có đặt bát hương. Tương truyền là ban thờ Mẫu mẹ. Xung quanh đền còn nhiều khối đá tảng cổ trơ mòn mang dấu ấn của thời gian.
Hằng năm, vào mùng 7- 4 âm lịch, người dân trong vùng tổ chức rước lễ tế từ chân núi lên đền. Những năm hạn hán, nhân dân tổ chức rước nước cầu đảo. Theo bà con trong vùng, nước được lấy từ sông Lục Nam rước lên đền tế làm lễ cầu đảo rất linh nghiệm. |
Ngôi đền Cao Sơn trên đỉnh núi Gốm có từ lâu đời. Trong tâm thức của người dân địa phương xung quanh núi Gốm, đền Cao Sơn là trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của bà con nơi đây. Ngôi đền thờ Thần Cao Sơn đời Vua Hùng Duệ Vương đã có nhiều công lao với dân với nước. Truyền thuyết ở vùng này kể lại: Thời Hùng Duệ Vương, quân Thục sang xâm chiếm giang sơn họ Hùng, thuộc tướng của Vua Hùng lúc đó là Cao Sơn nhận lệnh cầm quân đi dẹp giặc, trên đường đi chinh chiến khi qua vùng núi Gốm thì bị hết quân lương, nghĩa quân đói mệt bèn vào nhà dân xin cơm và lương thực. Nhờ nguồn lương thực tiếp ứng kịp thời của nhân dân địa phương, nghĩa quân của tướng Cao Sơn có sức mạnh như vũ bão chẳng bao lâu đã phá tan vòng vây. Sau khi đánh thắng quân giặc, Thần Cao Sơn cưỡi ngựa bay lên đỉnh núi Gốm và hoá tại đây (7- 4 âm lịch).
Để tưởng nhớ, ghi ơn vị Thần có công với dân với nước, nhân dân địa phương xây dựng ngôi đền. Hằng năm vào ngày đó, người dân trong vùng tổ chức rước lễ tế từ chân núi lên đền. Những năm hạn hán, nhân dân tổ chức rước nước cầu đảo. Theo bà con trong vùng, nước được lấy từ sông Lục Nam rước lên đền tế làm lễ cầu đảo rất linh nghiệm. Ngoài giá trị văn hoá tâm linh, núi Gốm còn là địa điểm ghi dấu sự kiện lịch sử trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Những năm 1950 - 1951, thực dân Pháp xây dựng hệ thống hầm hào, tăng xê, cố thủ tại núi Gốm để đàn áp nhân dân trong vùng. Hiện trên đỉnh núi vẫn còn dấu tích những đường hào và hầm tăng xê của quân Pháp để lại. Sử sách còn ghi: Ngày 10-5-1954, du kích xã Cương Sơn phối hợp với bộ đội tập kích núi Gốm. Theo sách lịch sử huyện Lục Nam, các vị trí: “Núi Gốm, chợ Sa, Đồi Ngô, Cầu Lồ… luôn luôn bị bộ đội, du kích vây hãm, bắn tỉa”.
Cùng với hành trình du lịch sinh thái tâm linh Tây Yên Tử, đền Cao Sơn trên núi Gốm là điểm tham quan hấp dẫn cho du khách gần xa.
Đồng Ngọc Dưỡng
Ý kiến bạn đọc (0)