Đường đẹp tạo cơ hội thông thương
Đường nhỏ, làm gì cũng khó
Sau mỗi vụ thu hoạch vải thiều và các loại nông sản khác, nhiều người dân vùng sâu, vùng xa của Lục Ngạn lại chép miệng tiếc nuối: “Giá như đường sá thuận tiện sẽ giảm bớt gánh nặng bị tư thương ép giá”. Con đường từ trung tâm xã Đồng Cốc dẫn vào thôn Du cách thị trấn Chũ hơn 20km là một ví dụ. Vụ vải thiều vừa rồi, thôn thu hoạch gần 1.000 tấn quả, các hộ phải chật vật chở ra tận thị trấn Chũ bán.
Tuyến đường vào thôn Du, xã Đồng Cốc được mở rộng 8m. |
Có mặt tại tuyến đường này giữa buổi trưa nắng gắt, chúng tôi gặp từng tốp học sinh gò lưng đạp xe, bụi tung mù mịt, bám đỏ quạch vào quần áo trắng, cặp xách và cây trái hai bên đường. Dừng xe cạnh một đoạn đường vừa được bạt đất để lấy mặt bằng, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Mạnh giới thiệu: “Tuyến đường dài khoảng 3,7km, mặc dù rộng 4 m nhưng là đường đất. Nắng gió đã khổ vì bụi, gặp mưa, bùn đất bết dính, học sinh còn không thể dắt được xe đạp tới trường”. Được biết, địa phương đang cho hoàn thiện mặt bằng, có đoạn phải xẻ núi để nền đường bảo đảm rộng 8 m (trong đó đổ bê tông mặt đường từ 4,5-5 m). Thôn Du có 160 hộ, hơn 700 nhân khẩu. Khi mở rộng đường sẽ có không ít gia đình bị ảnh hưởng đến vườn cây ăn quả và công trình trên đất.
Theo ông Lường Văn Lai, Bí thư Chi bộ thôn Du thì bà con đều ủng hộ cao chủ trương này. Ông và gia đình tiên phong phá dỡ 50 m tường bao, lùi vào 1,5 m (tổng cộng là 75m2) để mở rộng mặt đường. Chính ông cũng đi tuyên truyền, vận động bà con hiểu được ý nghĩa của việc làm đường, tự giác hiến đất cho nhà nước. Riêng tuyến đường này, đến nay đã có hơn 50 hộ dân hiến 2.500m2. Bà con ai cũng mong đường sớm hoàn thành. Ông cho biết khó khăn nhất là đoạn kè tràn thôn Du, nếu mưa thì không thể đi lại được do nước ngập quá sâu, thôn rất mong được tỉnh, huyện quan tâm hỗ trợ thêm kinh phí để khắc phục. Theo kế hoạch, năm nay toàn xã Đồng Cốc cứng hóa 12,2 km và điều này nằm trong tầm tay.
Tương tự, tại xã Giáp Sơn, Chủ tịch UBND xã Vi Văn Tư cho biết: Để về đích nông thôn mới vào cuối năm nay, tranh thủ sự hỗ trợ từ nhiều nguồn trong đó có vốn chương trình nông thôn mới, xã đang gấp rút đổ bê tông nhiều tuyến đường với tổng chiều dài khoảng 25km. Là hộ tái định cư chuyển về từ khu vực Trường bắn TB1, ông Vi Văn Mít, thôn Lim phấn khởi: “Gia đình tôi đóng 11 triệu đồng cùng với nhiều hộ khác đổ bê tông con đường này, rộng 3,5 m. Từ đây đi ra thị trấn Chũ gần lắm, muốn mua gì cũng có”. Hiện, hàng trăm bao xi măng đã được tập kết chất đầy nhà văn hóa thôn, máy móc cũng đã di chuyển đến nơi, sẵn sàng cho việc cứng hóa đường thôn.
Cú hích của năm 2018
Mặc dù hiện nay, 100% số xã ở huyện Lục Ngạn có đường ô tô vào khu vực trung tâm nhưng nhiều tuyến đường vào thôn, bản vẫn là nền đất nhỏ hẹp, xuống cấp; có chỗ bê tông bị nứt vỡ, tạo thành những ổ voi, ổ gà hoặc sống trâu... Khó khăn của Lục Ngạn trong phát triển mạng lưới giao thông không chỉ bởi địa bàn rộng, địa hình phân bố phức tạp, dân cư thưa thớt, các tuyến đường thường xuyên phải gánh chịu những tổn thất do mưa lũ mà còn do nhận thức của nhiều người dân khi vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Những hạn chế đó đã ảnh hưởng lớn đến việc đi lại, tiêu thụ nông sản cũng như kìm hãm sự phát triển du lịch của địa phương.
Hiện nay, do vốn đầu tư công bị thu hẹp, trước nhu cầu đi lại cấp thiết của người dân, để khắc phục khó khăn, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, công khai xin ý kiến của bà con. Trong một thời gian ngắn, chi bộ, ban công tác mặt trận các thôn, bản đã tích cực vận động người dân để đóng tiền, hiến đất, góp công, góp của; thành lập các tổ thi công, giám sát công trình. Ngoài nguồn hỗ trợ xi-măng của tỉnh, huyện, xã cũng có cơ chế hỗ trợ từ 100-150 triệu đồng/km cho các thôn.
Là người có nhiều năm gắn bó với phong trào làm đường giao thông nông thôn, ông Nguyễn Tuấn Bá, cán bộ phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Lục Ngạn thông tin: Năm nay, các xã đăng ký cứng hóa 325 km; trong đó gần 280 km thực hiện theo Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh (tỉnh hỗ trợ xi măng; người dân đóng góp ngày công, hiến đất và chi phí còn lại).
Con số này thể hiện sự quyết tâm rất cao của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân Lục Ngạn trong việc hoàn thiện hệ thống giao thông. Khi hoàn thành kế hoạch này, toàn huyện sẽ có 1.044/1.952 km đường được cứng hóa (chiếm 53% tổng số km đường do huyện quản lý). Đây là cú hích, là động lực quan trọng để năm sau Lục Ngạn tăng tốc cứng hóa những tuyến đường còn lại.
Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)