Dẻ Tứ Sơn - quà tặng mùa thu
Rừng dẻ tái sinh của gia đình ông Đặng Bá Ảnh, thôn Quỷnh Sành. |
Thanh âm của rừng
Bộp... Bộp... Bộp... Âm thanh phát ra từ khoảng không dưới tán rừng dẻ tái sinh của gia đình ông Đặng Bá Ảnh, thôn Quỷnh Sành, xã Nghĩa Phương (Lục Nam). Những tia nắng thu vàng óng đọng trên thảm lá khô bên sườn dốc.
Anh Quý là lái xe của Hạt Kiểm lâm huyện đã hơn mười năm; gia đình lại có đất rừng nên mọi thuộc tính của rừng anh đều nắm rõ. "Sáng nay, ông Ảnh xuống núi gọi người lên nhặt dẻ. Nếu nhà báo muốn thưởng thức hạt dẻ thì cứ tự nhiên", anh Quý cúi xuống nhặt hạt dẻ cho vào mồm cắn vỏ kêu đến cắc.
Rừng dẻ nhà ông Ảnh trải rộng từ quả đồi này sang ngọn đồi khác. Những cây dẻ già nua trơ gốc xù xì. Một số cây thân đã mục lõi nhưng tán lá vẫn vươn dài, trên đầu cành lủng liểng những chùm quả tua tủa gai nhọn như quả chôm chôm đang độ chín...
- Cháy rừng dẻ rồi - Cô bạn đi cùng đoàn thốt lên.
- Không đâu! Người dân đang dọn thực bì để thuận tiện thu hoạch hạt dẻ đó - Anh Quý giải thích.
Bên cạnh đống lửa có hai người cặm cụi nhặt hạt dẻ. Đó là mẹ con bà Tạ Thị Lộc, thôn Dốc Đỉnh, xã Nghĩa Phương. "Mới chớm vụ thu hoạch nên quả rụng chưa nhiều. Trung bình mỗi ngày, hai mẹ con nhặt được gần mười cân hạt dẻ", bà Lộc nói.
Bà Lộc năm nay gần 70 tuổi. Mười đầu ngón tay của bà đã chai sần vì những vết đâm của gai nhọn trên quả qua mỗi mùa dẻ chín. Hai mươi năm về trước, bà cùng các con lên đây phát quang cây dại để bảo vệ rừng dẻ tái sinh. Mấy năm sau, Nhà nước có chủ trương giao cho các hộ dân khoanh nuôi bảo vệ rừng tự nhiên, gia đình bà được nhận hơn 1 ha ngay phía sau nhà nên việc trông nom, bảo vệ khá thuận tiện. Bà Lộc nói: "Khi còn trẻ, tôi thường trèo lên cây để rung cho quả rụng nhiều. Nay già rồi, chồng con lại yếu nên đợi quả rụng đến đâu, nhặt đến đó".
Hạt dẻ Lục Nam nổi tiếng có vị thơm, bùi. |
Thỉnh thoảng hạt dẻ tách vỏ rơi xuống đất, phát ra tiếng kêu lộp độp như hạt mưa đầu hạ hòa cùng tiếng lá cây xào xạc, tạo ra bản nhạc mang âm hưởng núi rừng. Ông Ảnh cũng đã trở lại khu rừng của gia đình mình với 4-5 người đi cùng và bắt đầu dọn lá, nhặt hạt dẻ. "Năm nay dẻ được mùa, gia đình tôi ước thu về gần hai tấn hạt. Với giá bán khoảng 30 nghìn đồng/kg, trừ chi phí thuê nhân công, chắc cũng có gần 40 triệu đồng", ông Ảnh cho biết. Gia đình ông Ảnh có 11 ha rừng, trong đó ba ha rừng dẻ tái sinh. Hằng ngày, ông gắn bó với rừng, ăn ngủ cùng rừng. Có lẽ vì thế, mặc dù năm nay đã bước qua tuổi 60 nhưng trông ông vẫn khỏe mạnh, phong độ lắm.
Mong manh rừng dẻ
Lục Nam được xem là huyện duy nhất của các tỉnh miền Bắc có nhiều diện tích rừng dẻ tái sinh, với 1.100 ha, tập trung ở 6 xã từ Nghĩa Phương đến Lục Sơn. Có lẽ rất hiếm loài cây nào như cây dẻ, ra hoa vào cuối mùa đông năm nay nhưng phải đợi đến cuối hạ năm sau, từ những nụ hoa ấy sẽ nhú lên những chùm hạt non. Và cứ thế chúng lớn dần trong nắng ấm. Khi bước vào cuối thu, đầu đông, hạt dẻ trở nên cứng cáp, được bọc trong lớp vỏ gai nhọn, chờ đến hạt khô cứng, có thể thu hái được thì những quả gai nhọn ấy tự nứt ra, rơi xuống đất. Mùa thu hoạch dẻ kéo dài từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch. "Vài năm gần đây, dẻ thường xuyên mất mùa. Năm ngoái, cả vụ, gia đình tôi không được hạt nào cắn chắt", bà Lộc tâm sự. Theo bà Lộc, năm nào hoa dẻ nở vào dịp áp Tết Nguyên đán, trời ít mưa thì năm đó được mùa còn nếu hoa dẻ nở sớm hơn hay muộn hơn, gặp mưa nhiều hoặc bị sâu đo ăn lá thì chắc chắn năm đó mất mùa.
Mặc dù giá bán hạt dẻ khá cao, thương lái đến tận nhà thu mua nhưng nhiều chủ rừng vẫn không mặn mà bởi so với trồng rừng kinh tế, nguồn thu từ rừng dẻ tái sinh thấp hơn nhiều. "Một ha rừng kinh tế, sau ba năm cho thu lãi khoảng 150 triệu đồng trong khi dẻ nếu được mùa, mỗi năm chỉ thu hơn chục triệu đồng", ông Đặng Bá Ảnh cho biết.
- Gia đình không bán đất rừng nhưng nếu họ mua cây dẻ về làm củi, lấy gỗ, thì bán để chuyển sang trồng rừng kinh tế - Bà Lộc quả quyết.
Thu hoạch hạt dẻ dưới tán rừng của gia đình bà Tạ Thị Lộc, thôn Dốc Đỉnh. |
Những năm gần đây, Lục Nam tự hào có sản vật hạt dẻ Tứ Sơn với hương vị thơm, bùi, chắc không giống như hạt dẻ nơi khác. Loại quả này đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tập thể. Nhiều người ví đây là "quà rừng", "lộc rừng" do thiên nhiên ưu ái ban tặng. Bên cạnh đó, rừng dẻ còn có vai trò vô cùng quan trọng về bảo vệ môi trường, tạo nguồn sinh thủy tự nhiên. Trong chủ trương phát triển kinh tế rừng, huyện Lục Nam đã quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ rừng dẻ tái sinh, coi nó như "báu vật" của huyện. Hằng năm, ngoài 100.000 đồng do tỉnh hỗ trợ cho mỗi ha, huyện còn dành số tiền tương đương để người dân trông nom, bảo vệ. Tuy nhiên, nguy cơ rừng dẻ tái sinh bị chặt phá, thay bằng rừng kinh tế hay trồng cây ăn quả như suy nghĩ của bà Lộc sẽ khó tránh khỏi, dẫu biết là vi phạm pháp luật.
Muốn giữ được rừng dẻ, không chỉ trông vào sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước hay tuyên truyền, động viên mà nên chăng tính chuyện gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Khoảng đất trống dưới tán rừng dẻ rất thích hợp cho hoạt động cắm trại, trải nghiệm của lớp trẻ, học sinh, sinh viên, nhất là vào mùa thu hoạch quả hoặc mùa hoa dẻ trổ bông trắng rừng. Trong khi đó, diện tích rừng dẻ vùng Tứ Sơn lại nằm gần Khu Du lịch sinh thái Suối Mỡ hay trên tuyến đường tâm linh đi Tây Yên Tử... Mặt khác, cũng cần nghiên cứu phát triển những lâm sản phụ ngoài gỗ, như cây dược liệu cùng các loài nấm quý chỉ mọc dưới tán rừng dẻ tự nhiên. Từ đó, giúp tăng nguồn thu cho người dân địa phương.
Lần đầu tiên được ngồi dưới tán rừng dẻ tái sinh, nhẩn nha thưởng thức hương vị hạt dẻ thơm bùi, ngắm những sợi nắng thu đung đưa xuyên qua kẽ lá thấy tinh thần sảng khoái, thư thái. Tôi thầm nghĩ, rừng dẻ Lục Nam như một đặc ân của trời đất dành cho những ai biết trân trọng, yêu quý nó.
Đỗ Thành Nam
Ý kiến bạn đọc (0)