Cựu chiến binh Đào Tiến Sữa: Vẹn nghĩa với quê hương
BẮC GIANG - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Đào Tiến Sữa (SN 1947), Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin xã Huyền Sơn (Lục Nam - Bắc Giang) từng có mặt ở nhiều mặt trận. Đất nước hòa bình, thống nhất, trở về với thương tật trên mình song ông luôn nỗ lực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua tại quê hương.
Một thời “vào sinh, ra tử”
Một ngày cuối tháng Tư, tôi tìm gặp người chiến sĩ giải phóng năm nào ở miền quê sông Lục - núi Huyền. Đón tôi ở UBND xã, ông Sữa cho biết mấy hôm vừa rồi, ông đi thăm đồng đội ở chiến trường cũ. Trong mỗi câu nói của ông đều ẩn chứa sự quan tâm, tình cảm dành cho những đồng đội. Căn nhà đơn sơ của người cựu chiến binh (CCB) nằm giữa thôn, trên các bức tường, nhiều huân, huy chương được ông và gia đình treo ngay ngắn, trang trọng. Đó là những kỷ niệm đánh dấu một thời “vào sinh, ra tử” của ông trên khắp các chiến trường.
Ông Đào Tiến Sữa kể chuyện chiến trường với học sinh Trường THCS Huyền Sơn. |
Đã hơn 50 năm trôi qua nhưng mỗi khi nhắc đến khoảng thời gian tham gia quân ngũ, ánh mắt ông lại ánh lên niềm tự hào. Nhớ lại những năm tháng thanh xuân sôi nổi, cũng như các bạn đồng trang lứa, với quyết tâm góp sức cho kháng chiến, tháng 4/1966, ông lên đường nhập ngũ khi mới 19 tuổi. Sau 3 tháng huấn luyện, ông được điều động về Đại đội 175, Trung đoàn 225, Sư đoàn 365, Quân chủng Phòng không không quân. Tại đây, ông được phân công về tổ bảo vệ sân bay Kép (Lạng Giang) với nhiệm vụ chính là đối phó với máy bay tầm thấp của giặc bằng cách đánh bổ nhào. Nhờ thông minh, gan dạ, mưu trí, ông nhiều lần cùng đồng đội ngăn chặn thành công âm mưu bắn phá sân bay của giặc Mỹ.
Giữa năm 1968, ông Đào Tiến Sữa được cử vào căn cứ địa tại ngã ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) làm phó chỉ huy một tiểu đội trinh sát, bảo vệ khu vực cửa khẩu, tuyến hành lang Đông - Tây trên dãy Trường Sơn. Đây là khoảng thời gian khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông Sữa kể: “Mưa đạn suốt ngày đêm, ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh như sợi chỉ. Để động viên nhau, anh em vừa trinh sát nắm tình hình, vừa kể cho nhau nghe những câu chuyện về quê hương. Mỗi người một miền quê nhưng đều chung một ý chí. Lòng đau như cắt mỗi khi chứng kiến đồng đội hy sinh, chúng tôi phải cố nuốt nước mắt vào trong, động viên nhau tiếp tục vững vàng chiến đấu”.
Sau đó, ông tiếp tục chuyển đến Tiểu đoàn 13, Trung đoàn 210, Sư đoàn 367 để bảo vệ đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử. Các địa danh với những cuộc chiến ác liệt như Khe Sanh đều ghi dấu chân của người lính này. Nhìn những chiếc máy bay địch bị bắn hạ, niềm tin, khát khao về ngày thống nhất đất nước của những người lính quả cảm năm xưa càng mạnh mẽ hơn.
Ông vẫn nhớ như in trong Chiến dịch Xuân - Hè 1972 ở thành cổ Quảng Trị, khi đó ông cùng đồng đội có nhiệm vụ ngăn chặn trận càn quét bằng không quân của Mỹ. Cũng khoảng thời gian đó, trong một trận bom B52, ông bị tổn thương phổi trái, bị thương ở đùi phải và tiếp tục mất đi nhiều đồng đội. Sức khỏe suy yếu nhưng với khát khao tiếp tục góp sức cho kháng chiến, ông xung phong tham gia chiến trường từ đường 9 - Nam Lào, Quảng Đà, đường mòn Hồ Chí Minh rồi vào bán đảo Cam Ranh (Khánh Hoà).
Ngày 6/10/1973, chiến sĩ Đào Tiến Sữa vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngay trong chiến trường. Sau gần 4 năm công tác tại Cam Ranh, tháng 8/1977, ông phục viên và chuyển ngành về đơn vị khai thác đá số 6 tại huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), kết thúc những năm tháng chiến đấu kiên cường.
Góp sức xây quê hương
Gần 12 năm chiến đấu ở nhiều chiến trường là những tháng ngày ông Sữa không bao giờ quên. Chứng kiến biết bao đồng đội hy sinh càng khiến ông trở nên mạnh mẽ, kiên cường hơn. Năm 1978, ông Sữa trở về quê hương làm cán bộ văn hóa huyện Lục Nam. Với tư duy đổi mới, năng động, dám nghĩ, dám làm, ông đã tham mưu cho huyện xây dựng sân khấu ngoài trời phục vụ các chương trình, hoạt động văn hóa, thể thao, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Tham gia các tổ chức đoàn thể, CCB Đào Tiến Sữa tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền cơ sở tổ chức các hoạt động thiện nguyện, tri ân người có công, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. |
Đặc biệt, ông là một trong những người góp công sức trong việc thu thập các tài liệu, thông tin để hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Suối Mỡ là di tích - thắng cảnh cấp quốc gia vào năm 1988. Ông Sữa nhớ lại, thời gian đó, ông mất nhiều tháng đi khảo sát, gặp gỡ người dân để thu thập các thông tin về đền Thượng, đền Trung và đền Hạ thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn tại khu vực Suối Mỡ. Từng chi tiết về sự giống, khác nhau của mỗi ngôi đền đều được ông ghi chép cẩn trọng để tổng hợp, góp phần làm nổi bật được giá trị lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng của cụm di tích gắn với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.
Cuối năm 1988, do cơ thể phơi nhiễm chất độc hóa học cùng với những trận sốt rét kéo dài khiến sức khỏe giảm sút nhiều, không thể tiếp tục làm việc, ông nghỉ mất sức, thôi công tác tại UBND huyện Lục Nam. Trở về nơi cư trú, khi sức khỏe khá hơn, để tiếp tục cống hiến sức mình cho quê hương, ông hăng hái tham gia các hoạt động xã hội với gần 20 năm làm công tác chữ thập đỏ, hơn 10 năm làm công tác khuyến học và nhiều năm tham gia công tác mặt trận, Hội Cựu chiến binh, Hội Hữu nghị Việt - Lào.
Tham gia các tổ chức đoàn thể, ông tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền cơ sở tổ chức các hoạt động thiện nguyện, tri ân người có công, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đồng hành cùng ông và địa phương ủng hộ hàng nghìn suất quà, lương thực, thực phẩm, chăn ấm, xe lăn, đồ gia dụng... trị giá hàng trăm triệu đồng tặng người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật. Dù ở lĩnh vực nào ông cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được bà con yêu mến, quý trọng.
Từ năm 2015 đến nay, ông được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin xã Huyền Sơn. Không chỉ thường xuyên quan tâm đến hội viên, vào dịp kỷ niệm Ngày Vì nạn nhân CĐDC (10/8) hằng năm, ông cùng các thành viên trong hội kêu gọi cộng đồng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, đóng góp kinh phí, tặng quà cho nạn nhân và hội viên hoàn cảnh khó khăn.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những vết thương ngày ấy vẫn hành hạ ông khi thời tiết thay đổi. Với CCB Đào Tiến Sữa, đó là dấu ấn của một thời hoa lửa, dành cả tuổi xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ông vẫn luôn căn dặn con cháu phải luôn nhớ, biết ơn thế hệ cha anh hy sinh xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc, tiếp tục góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Ý kiến bạn đọc (0)