Chị Hà Thị Chanh: Nâng tầm dược liệu quê nhà
Nhưng khi nhu cầu của con người trở nên quá lớn, nguồn thuốc tự nhiên bị khai thác gần đến mức cạn kiệt, đã có một người bắt tay vào việc giữ gìn, nhân rộng và nâng tầm dược liệu quê hương. Đó là chị Hà Thị Chanh (SN 1972), dân tộc Sán Dìu ở thôn Nhân Lý, xã Trường Sơn (Lục Nam-Bắc Giang).
Sống giữa vườn thuốc
Ngôi nhà của gia đình chị Chanh và cũng là trụ sở của Hợp tác xã (HTX) Sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh nằm ngay bên con đường tâm linh Tây Yên Tử. Chỉ cần đi một quãng nữa là đến với những cánh rừng, dãy núi tiếp diễn của ngọn Yên Tử huyền thoại. Đợi cho ấm trà hoa vàng đủ ngấm, rót ra cốc thứ nước vàng óng pha lẫn sắc xanh dịu, tỏa hương nhẹ, chị Chanh kể cho chúng tôi nghe “nghiệp” thuốc của gia đình.
Chị Hà Thị Chanh trao đổi với xã viên về kỹ thuật trồng các loại cây dược liệu. |
Chị vốn là người ở xã Bình Sơn bên cạnh, gia đình chị có truyền thống bốc thuốc nam. Từ bao đời nay, người Dao, Cao Lan, Sán Chí, Sán Dìu… ở khu vực Tứ Sơn (gồm 4 xã: Bình Sơn, Lục Sơn, Trường Sơn và Vô Tranh của huyện Lục Nam) đã biết dùng cây cỏ xung quanh để chữa trị nhiều loại bệnh, bồi bổ sức khỏe. Ngay từ bé, chị đã được "đắm” trong mùi thơm của các loại cây, lá, củ dược liệu, nhận mặt thuốc nam còn trước cả khi biết những con chữ. Cách người Sán Dìu trao truyền những bài thuốc cho con cháu là vậy, ban ngày lên rừng tìm hái thuốc, đêm đến bên bếp lửa, từ những câu chuyện của cha mẹ, ông bà, các thế hệ tiếp theo cứ “ngấm” dần công dụng, phương pháp chế biến, phối hợp giữa các vị thuốc để có tác dụng tốt nhất.
Đến năm 1990, chị lập gia đình riêng với anh Nguyễn Văn Lựu và cũng rất trùng hợp, nhà anh Lựu có nhiều đời làm nghề bốc thuốc, chữa bệnh. Những năm 90, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ mới ra ở riêng gặp vô vàn khó khăn, dù có nghề gia truyền nhưng để trang trải, anh chị phải nghĩ đến cách đi thu mua và bán lại dược liệu. Ban đầu chỉ là những chuyến hàng ba kích, nấm lim… quanh khu vực Tứ Sơn, sau đó từng bước mở rộng địa bàn. Khoảng đầu những năm 2000, anh chị “vươn” đến tận Hà Giang, Nghệ An, Thanh Hóa… và sang cả Trung Quốc. Thế nhưng sau mỗi chuyến hàng, nhất là những lần thu mua, gom hàng rồi “đánh” ra nước ngoài, người phụ nữ này luôn đau đáu một điều: Nguồn dược liệu ở Việt Nam vô cùng phong phú, nhiều loại đã được thế giới thừa nhận là rất qúy vậy mà người dân ở trong nước chủ yếu khai thác tự nhiên, bán cho thương lái nước ngoài dưới dạng nguyên liệu thô? Ít người nghĩ đến việc bảo tồn, nhân giống và chế biến nâng cao giá trị cho dược liệu Việt Nam?
Rừng Tây Yên Tử, nơi có nhiều dược liệu quý. Ảnh: Nguyễn Hưởng. |
Có lần sang Trung Quốc, bạn hàng của anh chị mời uống một loại trà rất lạ và “bật mí”: Trà này ở nước họ chỉ dành cho những người giàu với giá rất đắt, tính ra tiền Việt lên đến vài triệu đồng/kg. Thành phần chính là trà hoa vàng có tác dụng điều hòa huyết áp, bảo vệ tim mạch, giải độc gan và tăng cường chức năng gan, hạn chế sự lão hóa, thậm chí phòng ngừa, giảm nguy cơ mắc ung thư (!?). Sau đó họ mang mẫu hoa khô ra bảo anh chị về nước thu gom, bao nhiêu cũng được, càng nhiều càng tốt, không chỉ hoa, họ còn mua cả lá, cành của loại cây này.
Vậy là anh chị quyết tâm không chỉ là người đi thu mua nữa mà sẽ biến đồi đất quê nhà thành những vườn thuốc, chế biến dược liệu quý hiếm của Bắc Giang cho ra những sản phẩm phổ thông, mọi người đều có cơ hội sử dụng, chữa bệnh.
Ước mơ thành sự thật
Năm 2017, anh chị đăng ký thành lập HTX Sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh nhưng để cậu con trai 9X làm Giám đốc vì như chị giải thích: “Nó được ăn học nhiều hơn mình, đào tạo bài bản về kinh tế, học đại học xong liền ở lại Hà Nội, mở chi nhánh ngoài đó, là cầu nối đưa sản phẩm từ Lục Nam ra thị trường cả nước”.
Sản phẩm trà hoa vàng của HTX Sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh. |
Trở lại câu chuyện khách hàng nước ngoài đặt chị thu mua trà hoa vàng, lúc ấy chị không biết nhiều lắm về loại cây này nên phải mang mẫu hoa về hỏi các bậc cao tuổi, những người hay đi rừng để có thêm thông tin. Trà hoa vàng là cách gọi dân dã, còn tên trong các tài liệu là Kim hoa trà. Trước kia người dân tìm thấy nhiều ở rừng Yên Tử nhưng những năm gần đây bị khai thác đến mức cạn kiệt. Là loại cây quý hiếm, mọi bộ phận của cây đều có thể được sử dụng nhưng tốc độ sinh trưởng rất chậm nên nguy cơ mất nguồn gen tự nhiên hoàn toàn có thể xảy ra.
Anh chị nhận ra điều đó nên đặt mua giống của những gia đình trong khu vực, mỗi nhà được một vài cây, có cây được chủ nhà trồng cả chục năm nhưng thân chỉ to bằng cổ tay. Dần dà, khu vườn hơn 1 ha của nhà chị đã trở thành nơi ươm trồng giống trà hoa vàng. Hằng năm, anh chị lại chiết cành, nhân rộng ra, cung cấp cho người dân xung quanh.
Đến nay, 9 thành viên của HTX đều ở xã Trường Sơn xây dựng được vùng nguyên liệu hơn 3 ha, nhiều cây trong số đó đã cho thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Ngoạn, 62 tuổi, một thành viên của HTX phấn khởi nói: “Dù mới tham gia trồng tập trung nhưng hiện nay gia đình tôi đã có khoảng 1.000 cây, một số cây tôi trồng từ trước nên đã có sản phẩm bán ra. Anh chị Lựu Chanh thu mua với giá 600-700 nghìn đồng/kg hoa khô loại thường, loại tốt hơn 1 triệu đồng/kg; lá và cành có giá 40-50 nghìn đồng/kg. Chỉ riêng hái lá và cành nhỏ thôi, hằng ngày tôi đã có 700-800 nghìn đồng. Mong muốn của chúng tôi là được phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vì từ trước đến nay, chúng tôi chỉ trồng theo kinh nghiệm”.
Tôi muốn biến khu vườn dưới chân đồi Đồng Giàng này thành điểm nhấn đối với du khách khi hành hương về Tây Yên Tử. Giới thiệu để ngày càng nhiều người biết về những cây thuốc quý, tiềm năng dược liệu của vùng đất quê hương”. Chị Hà Thị Chanh |
Không chỉ đóng vai trò thu mua, bao tiêu cho bà con, anh chị còn đầu tư gần 2 tỷ đồng để mua máy móc, thiết bị chế biến. Sau khi được sơ chế sạch sẽ, sấy khô, hoa và lá được nghiền nhỏ, phối trộn theo quy trình khoa học, đóng thành dạng túi lọc tiện lợi. Sản phẩm đã được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Hiện sản phẩm được bán ở Bắc Giang, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác với giá 70 nghìn đồng/hộp loại 20 gói, được khách hàng đón nhận khá tốt, tiêu thụ thuận lợi.
Thấy được hướng đi của HTX, đầu tháng 10 vừa qua, Sở Công Thương đã hỗ trợ 70 triệu đồng cho đề án đầu tư ứng dụng máy đóng gói trà túi lọc tự động trong sản xuất trà hoa vàng theo chương trình khuyến công của tỉnh. Từ đầu năm đến nay, mỗi tháng HTX xuất bán được khoảng 5 nghìn hộp, doanh thu hơn 300 triệu đồng/tháng.
Chưa dừng lại ở thành quả ban đầu, chị say sưa nói với chúng tôi về dự định mới: “Tôi muốn biến khu vườn dưới chân đồi Đồng Giàng này thành điểm nhấn đối với du khách khi hành hương về Tây Yên Tử. Giới thiệu để ngày càng nhiều người biết về những cây thuốc quý, tiềm năng dược liệu của vùng đất quê hương”.
Quốc Phương
Ý kiến bạn đọc (0)