Chị Đàm Thị Tâm: Vượt khó làm giàu, tích cực gánh vác việc chung
BẮC GIANG - Từ hộ nghèo ở thôn Vĩnh Ninh, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang), nhờ nhạy bén, mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh, chị Đàm Thị Tâm (SN 1980), dân tộc Cao Lan đã trở thành phụ nữ điển hình về làm kinh tế ở đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Thôn Vĩnh Ninh có 98% dân số là người DTTS. Cũng như bà con trong thôn, trước đây, kinh tế gia đình chị Đàm Thị Tâm chỉ trông vào nguồn thu từ một vụ lúa. Diện tích canh tác hạn chế, sản xuất theo hướng truyền thống, lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên năng suất bấp bênh. Thế nên, bao năm chăm chỉ làm lụng song cuộc sống cơ cực vẫn đeo bám chị Tâm cùng nhiều bà con ở nơi đây.
Vợ chồng chị Đàm Thị Tâm chăm sóc vườn nhãn của gia đình. |
Trăn trở tìm hướng thoát nghèo, chị Tâm dần chuyển từ cấy lúa sang trồng nhãn, vải thiều, bạch đàn. Tuy nhiên, ý định mở rộng diện tích canh tác, đưa cây trồng mới vào sản xuất của chị khó thực hiện khi số tiền thu được chỉ đủ chi cho những bữa ăn hằng ngày, không có vốn để đầu tư mở rộng sản xuất.
Trong khi loay hoay tìm cách để giải bài toán khó về vốn, chị Tâm được Hội Liêp hiệp Phụ nữ (LHPN) xã làm cầu nối vay 120 triệu đồng lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện; đồng thời tạo điều kiện cho chị tham gia các lớp tập huấn kiến thức nông nghiệp, kỹ năng làm kinh tế.
Có vốn, chị Tâm cùng chồng mua phân bón, cây giống và một số phương tiện phục vụ sản xuất, chăm chỉ cải tạo đất. Cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt giúp chị Tâm dần có thu nhập ổn đinh, thoát nghèo năm 2016 và trở thành hộ khá giả trong thôn.
Nhờ chăm chỉ, biết làm kinh tế cùng hỗ trợ của tổ chức hội phụ nữ, mảnh đất khô cằn năm nào đã trở thành vườn cây ăn quả năng suất, giúp gia đình thu về từ 200 - 300 triệu đồng/năm sau khi đã trừ các khoản chi phí.
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình kinh tế của gia đình chị Đàm Thị Tâm, nhiều hộ đồng bào dân tộc Cao Lan trong thôn đã học tập kinh nghiệm và làm theo từ đó vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Chị Tâm chia sẻ: "Thời gian tới, tôi dự định mở rộng mô hình kinh tế theo chuỗi liên kết như: Trồng thêm bạch đàn, nhãn, vải. Đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ, có thể xuất khẩu. Qua đó giúp nhiều hộ trong thôn cùng phát triển kinh tế, có việc làm ổn định, từng bước thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Không chỉ giỏi làm kinh tế, chị Tâm còn tích cực tham gia phong trào thi đua tại địa phương. Gần 20 năm qua chị đảm nhận nhiều nhiệm vụ của thôn, như: Cộng tác viên dân số, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, Phó trưởng thôn. Ở cương vị nào chị cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chị thường xuyên quan tâm đời sống của bà con trong thôn, vận động các hộ khá giả giúp đỡ hộ hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo và cận nghèo. Từ năm 2020 đến nay, chị phối hợp vận động người dân trong xã tham gia giúp đỡ hàng trăm ngày công chăm sóc cây trồng, thu hoạch mùa màng, sửa chữa, xây dựng nhà ở cho gia đình neo người, khó khăn đột xuất, giúp các hộ dần ổn định cuộc sống.
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, chị Tâm luôn gương mẫu, đi đầu thực hiện các khoản đóng góp; tích cực vận động nhân dân chung tay vệ sinh môi trường, đóng góp tiền, ngày công xây dựng nhà sàn góp phần để bà con đã có nơi để cùng nhau hát Sình ca, thêu, dệt vải...
Chị Nguyễn Thị Trang, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Lục Sơn cho biết: “Chị Tâm là hội viên phụ nữ năng động, dám nghĩ, dám làm, có nhiều đóng góp trong việc thúc đẩy phong trào của phụ nữ tại xã, tích cực giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, được người dân địa phương tin tưởng, quý trọng, là tấm gương sáng để chị em noi theo".
Ghi nhận những đóng góp đó, nhiều năm qua, chị Tâm được các cấp, ngành tặng bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, tháng 11/2023, chị là một trong 40 tập thể, cá nhân điển hình được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen tại hội nghị tôn vinh điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lần thứ Nhất.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Ý kiến bạn đọc (0)